Đảm bảo thực thi hiệu quả Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ

Đảm bảo thực thi hiệu quả Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ
một ngày trướcBài gốc
Luật Trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ được Quốc hội thông qua tháng 6.2024, chính thức có hiệu lực từ 1.1.2025 với nhiều điểm mới. Đây được xem là cơ sở pháp lý quan trọng hướng tới nền giao thông an toàn và xây dựng văn hóa trên tinh thần thượng tôn pháp luật.
Luật TTATGT đường bộ năm 2024 gồm 9 chương, 89 điều, quy định cụ thể về: Cấp, thu hồi chứng nhận đăng ký xe, biển số xe cơ giới, xe máy chuyên dùng; đấu giá biển số xe; điều kiện của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ; quy trình điều tra, giải quyết tai nạn giao thông; tuần tra kiểm soát bảo đảm ATGT đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm Giấy phép lái xe. Bên cạnh đó, nghiêm cấm các hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn, có chất ma túy; xúc phạm, chống đối người thi hành công vụ...
Công an thành phố Hà Giang ứng dụng camera giám sát để áp dụng xử phạt theo Nghị định số 168.
Giữ vai trò nòng cốt trong thực thi Luật TTATGT đường bộ năm 2024, Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) đã kịp thời tham mưu Công an tỉnh ban hành các kế hoạch thi hành và tuyên truyền, phổ biến luật. Thượng tá Lê Trung Thuần, Phó Trưởng phòng CSGT cho biết: Xác định triển khai Luật TTATGT là nhiệm vụ trọng tâm, với khối việc công việc lớn, ngay từ tháng 11.2024, chúng tôi đã khẩn trương triển khai công tác biên soạn tài liệu tuyên truyền, tập huấn chuyên sâu, nhất là đối với cán bộ làm công tác đảm bảo TTATGT. Đồng thời, tổ chức in ấn tờ rơi tuyên truyền, phổ biến rộng rãi các nội dung của luật, văn bản chi tiết thực hiện một số điều; tập trung vào các chính sách trọng tâm, quy định về ATGT cho trẻ em, quy tắc tham gia giao thông trên đường cao tốc. Đặc biệt, tổ chức giáo dục kiến thức pháp luật cho đối tượng học sinh THPT, cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Tiếp tục tăng cường lực lượng, tổ chức tuần tra, kiểm soát chặt chẽ và khuyến khích người dân cung cấp thông tin cho lực lượng chức năng.
Đưa luật đến với người dân để pháp luật đi vào thực tiễn là nhiệm vụ đang được Công an các địa phương tích cực triển khai. Thiếu tá Dương Minh Lợi, Phó Đội trưởng Đội CSGT – trật tự, Công an thành phố Hà Giang cho biết: Với nhiệm vụ mới, rất gấp để triển khai Luật TTATGT, đơn vị xác định công tác tuyên truyền là “then chốt” để các tầng lớp nhân dân nắm được nội dung cũng như trách nhiệm trong thi hành luật. Hình thức tuyên truyền thông qua các phóng sự, bài viết trên các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống truyền thanh cơ sở, mạng xã hội và trực quan qua pa – nô, áp phích, màn hình trình chiếu tại các địa điểm công cộng. Cùng với đó, nắm địa bàn phức tạp về TTATGT và tuần tra, kiểm soát; ứng dụng hệ thống giám sát giao thông thông minh, máy đo tốc độ và camera phạt nguội. Qua đó, cùng với các cấp, ngành sớm đưa luật vào cuộc sống và thực thi hiệu quả, tạo chuyển biến trong đảm bảo TTATGT địa phương.
Lực lượng Cảnh sát giao thông tuần tra, kiểm soát bảo đảm trật tự an toàn giao thông.
Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến thi hành Luật TTATGT đường bộ năm 2024 gồm 7 nghị định, 1 quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 5 thông tư quy định chi tiết. Trong đó, Nghị định số 168 rất đáng chú ý với nhiều điểm mới trong quy định xử phạt vi phạm hành chính về TTATGT đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe. Với mức phạt mới tăng đột biến, cao nhất lên tới 50 triệu đồng, có 3 nhóm hành vi chính mức phạt tăng đáng kể gồm: Vi phạm trật tự quản lý nhà nước; cố ý vi phạm, làm xấu văn hóa giao thông; hành vi gây ra tai nạn giao thông. Một số lỗi như xe máy vượt đèn đỏ phạt 4 - 6 triệu đồng, ô tô 18 - 20 triệu đồng; ô tô mở cửa, để cửa xe mở không đảm bảo an toàn gây tai nạn giao thông phạt 20-22 triệu đồng; lùi xe trên cao tốc 40 triệu đồng...
“Việc tăng nặng mức phạt sẽ tạo tính răn đe hiệu quả khi ý thức tham gia giao thông của một bộ phận người dân còn hạn chế, tình trạng vi phạm diễn ra phổ biến. Nhờ đó, tác động tích cực đến giảm thiểu tai nạn giao thông khi xử lý nghiêm các hành vi vi phạm là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tai nạn, lập lại trật tự giao thông. Ghi nhận những ngày đầu áp dụng xử phạt theo Nghị định số 168, nhiều người dân rất đồng tình ủng hộ, người vi phạm chấp hành tốt việc xử lý” - Phó trưởng Phòng CSGT Lê Trung Thuần chia sẻ thêm.
Dự báo tình hình ATGT năm 2025 và những năm tiếp theo còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, việc triển khai Luật TTATGT đường bộ càng thể hiện tính cấp thiết, đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị và Nhân dân. Thời gian tới, lực lượng CSGT tiếp tục phối hợp tuyên truyền, gắn tuần tra kiểm soát với phổ biến luật, nhất là các địa bàn vùng sâu, xa; tăng cường tuần tra, kiểm soát theo phương châm “không có vùng cấm, không ngoại lệ”...
Bài, ảnh: PHẠM HOAN
Nguồn Hà Giang : http://baohagiang.vn/phap-luat/202501/dam-bao-thuc-thi-hieu-qua-luat-trat-tu-an-toan-giao-thong-duong-bo-adc22ac/