Đảm bảo tốt hơn quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm y tế

Đảm bảo tốt hơn quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm y tế
3 giờ trướcBài gốc
Đảm bảo tốt hơn quyền lợi cho người tham gia
Dự hội nghị có đại diện Vụ BHYT, Bộ Y tế; Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam; đại diện Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố; Công đoàn ngành Trung ương và tương đương; đại biểu Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, Công đoàn khu công nghiệp, Công đoàn cơ sở có đông công nhân lao động (khu vực phía Bắc).
Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu nhấn mạnh, BHYT là chính sách trụ cột trong hệ thống an sinh xã hội. Sau 15 năm thực hiện, Luật BHYT đã tạo hành lang pháp lý quan trọng để chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Đến nay, cả nước đã có khoảng hơn 93% dân số tham gia BHYT. Quyền lợi của người tham gia BHYT được điều chỉnh phù hợp, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh. Công tác tổ chức khám, chữa bệnh và thanh toán chi phí đã được cải thiện đáng kể về quy trình, thủ tục.
Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu phát biểu tại hội nghị.
Người nghèo và các đối tượng chính sách xã hội, người có công, trẻ em dưới 6 tuổi đã được quan tâm trong tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ y tế theo quy định của Luật. Chính sách BHYT đã bảo đảm nguyên tắc chia sẻ rủi ro giữa những người tham gia BHYT, đồng thời cũng đảm nhận nhiều chính sách phúc lợi xã hội khác…
Nhìn chung, ông Ngọ Duy Hiểu cho hay, chính sách BHYT đã có đóng góp rất quan trọng vào thành công chung về kinh tế - xã hội của đất nước. Nhưng, bên cạnh những kết quả tích cực kể trên, trong quá trình thực hiện các quy định của Luật BHYT, đã phát sinh những vướng mắc, bất cập, hạn chế cần được điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện.
Nhằm phát huy vai trò, trách nhiệm của tổ chức Công đoàn Việt Nam trong tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị các đại biểu nghiên cứu, đóng góp ý kiến vào các nội dung của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT.
Cụ thể gồm: Các quy định về điều chỉnh đối tượng tham gia BHYT để đồng bộ với các quy định của pháp luật có liên quan; phạm vi quyền lợi BHYT phù hợp với mức đóng, cân đối quỹ BHYT và yêu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân; các quy định BHYT có liên quan theo cấp chuyên môn kỹ thuật khám bệnh, chữa bệnh và phát huy vai trò của y tế cơ sở trong chăm sóc sức khỏe ban đầu và khám bệnh, chữa bệnh BHYT...
Toàn cảnh hội nghị.
Trình bày một số điểm chính của Dự thảo Luật, ông Đoàn Quốc Dân, Vụ BHYT, Bộ Y tế cho biết, việc sửa Luật nhằm giải quyết các vướng mắc, bất cập cấp bách phát sinh; điều chỉnh đối tượng tham gia BHYT đồng bộ với các quy định của pháp luật có liên quan; điều chỉnh phạm vi quyền lợi BHYT phù hợp với mức đóng, cân đối quỹ BHYT và yêu cầu chăm sóc sức khỏe trong từng giai đoạn; phân bổ sử dụng quỹ BHYT hiệu quả...
Cũng theo ông Đoàn Quốc Dân, một số chính sách quan trọng được đề xuất sửa đổi sẽ đảm bảo tốt hơn quyền lợi cho người tham gia như linh hoạt mức đóng cho học sinh, sinh viên; một số danh mục bệnh có thể đi khám ở tuyến Trung ương mà không cần làm thủ tục chuyển tuyến; điều chuyển thuốc, vật tư y tế giữa các cơ sở khám chữa bệnh nhằm đảm bảo cung ứng đủ thuốc, vật tư y tế cho người bệnh.
Về phạm vi quyền lợi được hưởng, đề xuất bổ sung trẻ dưới 18 tuổi mổ tật khúc xạ mắt được BHYT chi trả; giảm mức chi cho chi phí quản lý Quỹ BHYT và tăng mức chi cho khám chữa bệnh...
Nên nghiên cứu về BHYT bổ sung
Thảo luận tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Thanh Hoàn - Trưởng ban Chính sách pháp luật và Quan hệ lao động, Công đoàn ngành Dệt may Việt Nam cho hay, người lao động mong muốn khi đã có thẻ BHYT thì đi đâu cũng có thể được khám chữa bệnh.
Ông Lê Văn Phúc thảo luận tại hội nghị.
Hiện nay, còn có bất cập như người tham gia đăng ký khám chữa bệnh ban đầu ở tuyến trên sẽ không khám được ở tuyến thấp hơn (ví dụ đăng ký khám chữa bệnh ban đầu ở bệnh viện đa khoa cấp tỉnh, sẽ không được khám BHYT ở phòng khám đa khoa), dẫn đến khó khăn cho người bệnh. Bên cạnh đó, có đơn vị phản ánh việc thanh quyết toán BHYT rất chậm; đề xuất cần có khung giá tối thiểu, khung giá tối đa về khám chữa bệnh, thuốc và vật tư y tế; chuyển người lao động bị tạm hoãn hợp đồng sang nhóm 4 (nhóm được Nhà nước hỗ trợ đóng BHYT).
Ông Vũ Anh Tuấn - Phó Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam lại đề xuất, nên nghiên cứu về BHYT bổ sung, người có điều kiện kinh tế có thể đóng nhiều hơn mức tối thiểu theo quy định và hưởng quyền lợi cao hơn...
Trao đổi về các ý kiến, kiến nghị được nêu, ông Lê Văn Phúc, Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho hay, trong thực tiễn người bệnh vẫn phải đi mua thuốc, vật tư y tế dù thuộc danh mục BHYT quy định được hưởng.
Liên quan đến đóng BHYT, có tình trạng người sử dụng lao động đã thu BHYT của người lao động, nhưng lại không đóng cho cơ quan BHXH, hoặc chỉ đóng BHXH mà không đóng BHYT. Vì vậy, để đảm bảo quyền lợi cho người lao động, dự thảo Luật đã tháo gỡ vướng mắc cho các trường hợp bị nợ đóng BHXH sẽ được tham gia BHYT theo hộ gia đình...
Ông Lê Văn Phúc cũng giải thích, mong muốn đưa người lao động bị tạm hoãn hợp đồng chuyển sang nhóm 4 sẽ phải đánh giá tác động chính sách nếu Nhà nước hỗ trợ thì ảnh hưởng đến ngân sách như thế nào. Do việc sửa đổi một số điều của Luật BHYT lần này chọn sửa những vấn đề cấp bách, “đã chín, đã rõ”, nên các kiến nghị của các đại biểu cần tiếp tục được nghiên cứu khi xem xét sửa đổi toàn diện Luật này.
Kết luận hội nghị, Phó Trưởng ban Chính sách - Pháp luật Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Lê Đình Quảng ghi nhận, đánh giá cao các ý kiến trao đổi, thảo luận và cho biết các ý kiến, kiến nghị sẽ được tổng hợp để gửi cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo Luật trước khi trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Phương Thảo
Nguồn LĐTĐ : https://laodongthudo.vn/dam-bao-tot-hon-quyen-loi-cho-nguoi-tham-gia-bao-hiem-y-te-179236.html