Đạm Cà Mau (DCM) đón loạt yếu tố thuận lợi, đẩy mạnh tiêu thụ NPK và xuất khẩu

Đạm Cà Mau (DCM) đón loạt yếu tố thuận lợi, đẩy mạnh tiêu thụ NPK và xuất khẩu
7 giờ trướcBài gốc
Đón loạt yếu tố thuận lợi trong năm 2025
Năm 2024, Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau, mã cổ phiếu DCM - sàn HoSE) ghi nhận doanh thu thuần đạt 13.456 tỷ đồng, tăng 7% so với năm 2023, được thúc đẩy chủ yếu bởi doanh thu mảng NPK tăng trưởng tới 62%, bù đắp cho doanh thu mảng Urê giảm 7%.
Bên cạnh đó, Đạm Cà Mau ghi nhận khoản lãi trị giá 168 tỷ đồng từ thương vụ hợp nhất Nhà máy phân bón Hàn Việt (KVF) cùng chi phí khấu hao giảm mạnh 74%. Kết quả, công ty thu về 1.341 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 20,8% so với năm 2023.
Lợi nhuận của Đạm Cà Mau được kỳ vọng sẽ duy trì đà tăng trưởng tích cực trong thời gian tới.
Bước sang năm 2025, Đạm Cà Mau đặt kế hoạch kinh doanh tương đối thận trọng với tổng doanh thu đạt 13.983 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 774 tỷ đồng. Ban lãnh đạo công ty cho biết, kế hoạch trên chưa bao gồm doanh thu hoạt động tài chính và tác động của việc áp thuế Giá trị gia tăng (VAT) 5% đối với phân bón.
Theo phân tích mới đây của Chứng khoán Dầu khí, sau khi thiết lập mặt bằng lợi nhuận mới, tăng trưởng lợi nhuận của Đạm Cà Mau trong thời gian tới sẽ đến từ việc áp dụng Luật Thuế Giá trị gia tăng sửa đổi, giá khí đầu vào dự báo giảm, và mảng NPK được đẩy mạnh.
Cụ thể, việc đưa phân bón từ diện không chịu thuế VAT sang diện chịu thuế VAT 5% kể từ ngày 1/7/2025 sẽ giúp Đạm Cà Mau được hoàn thuế VAT và giảm chi phí đầu vào so với các năm trước. Theo ban lãnh đạo công ty khi áp dụng luật thuế mới, doanh nghiệp có thể tiết giảm được 3,8% giá vốn hàng bán, tương ứng khoảng 421 tỷ đồng dựa trên số liệu năm 2024.
Bên cạnh đó, việc giảm được giá thành sẽ cho phép công ty có dư địa giảm giá bán, tăn sức cạnh tranh với hàng nhập khẩu, hỗ trợ tăng trưởng sản lượng tiêu thụ.
Đối với giá khí đầu vào, các phân tích tổng hợp bởi Bloomberg dự báo giá dầu thô Brent trong năm nay sẽ duy trì quanh mức 70 - 75 USD/thùng, thấp hơn khoảng 11% so với mức trung bình trong năm 2024. Theo đó, giá khí đầu trong năm nay vốn neo theo giá dầu thô ước tính sẽ giảm 9% so với năm 2024, còn khoảng 8,7 USD/MMBTU. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi để Đạm Cà Mau mở rộng biên lợi nhuận gộp.
Biên lợi nhuận gộp mảng Urê của Đạm Cà Mau qua các năm. (Nguồn: Chứng khoán Dầu khí)
Trong năm 2024, riêng biên lợi nhuận gộp mảng Urê của Đạm Cà Mau đã được cải thiện lên mức 27%, tăng 4 điểm phần trăm so với giai đoạn 2016 - 2020 nhờ Nhà máy Đạm Cà Mau hết khấu hao.
Cuối cùng, thông qua việc sáp nhập Nhà máy phân bón Hàn Việt (KVF), Chứng khoán Dầu khí đánh giá Đạm Cà Mau đã mở rộng thị trường hiệu quả tại khu vực Đông Nam Bộ, miền Trung và Tây Nguyên - các khu vực có nhu cầu tiêu thụ phân NPK cao hàng đầu cả nước. Trong năm 2024, Nhà máy phân bón Hàn Việt đóng góp tới 25,5% cơ cấu doanh thu mảng NPK của Đạm Cà Mau.
Năm nay, Đạm Cà Mau đặt mục tiêu sản lượng tiêu thụ NPK ở mức 340.000 tấn, tăng 41% so với năm 2024 trên cơ sở nhà máy phân bón Hàn Việt đi vào hoạt động ổn định, mang về lợi nhuận với sản lượng tiêu thụ dự kiến tăng 32%, đạt 120.000 tấn.
Bên cạnh đó, Đạm Cà Mau đang triển khai xây dựng Nhà máy sản xuất phân bón Cà Mau - Cơ sở Bình Định với công suất 50.000 tấn NPK hỗn hợp/năm. Công ty dự kiến đưa hạng mục kho bãi tại cơ sở này đi vào hoạt động trong quý 1/2025 và toàn bộ cơ sở vào vận hành trong quý 4/2025.
Kỳ vọng xuất khẩu phân bón tăng tốc
Diễn biến giá Urê tại Việt Nam và trên thị trường thế giới (USD/tấn) trong giai đoạn 2023 - 2024. (Nguồn: Agromonitor, Argus, Chứng khoán Dầu khí)
Dữ liệu của Chứng khoán Dầu khí cho thấy, giá Urê nội địa biến động cùng pha với giá Urê thế giới, song mặt bằng giá cao hơn 10 - 13% so với giá Urê thế giới, đạt khoảng 9.500 -10.500 đồng/kg trong giai đoạn 2023-2024.
Theo các chuyên gia, giá phân bón trên thị trường Việt Nam năm 2025 vẫn chịu tác động từ yếu tố quốc tế, nhưng được kỳ vọng sẽ ổn định hơn so với năm 2024. Tổng cung dự kiến đạt khoảng 11,5 - 12 triệu tấn, trong khi nhu cầu tiêu thụ ước tính ở mức 10 - 10,5 triệu tấn. Hiện tượng La Nina được dự báo sẽ sẽ dần chuyển sang trạng thái trung tính vào giữa năm 2025, qua đó kỳ vọng hỗ trợ nhu cầu tiêu thụ phân bón trong vụ mùa Hè -Thu và Đông - Xuân trong niên vụ 2025 - 2026.
Đáng chú ý, Hiệp hội Phân bón thế giới (IFA) dự báo nhu cầu nhập khẩu phân bón tại một số thị trường truyền thống của Việt Nam như Campuchia và Hàn Quốc sẽ dần phục hồi trong thời gian tới. Điều này được kỳ vọng sẽ hỗ trợ thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu của Đạm Cà Mau.
Xuất khẩu phân bón của Việt Nam trong giai đoạn 2023 - 2024. (Nguồn: Tổng cục Hải quan, Chứng khoán Dầu khí)
Trong năm 2024, Đạm Cà Mau chiếm tới gần 17% tổng lượng phân bón xuất khẩu của Việt Nam. Công ty hiện thực hiện linh hoạt chiến lược kinh doanh, tiếp tục ưu tiên phục vụ thị trường nội địa nhưng sẽ đẩy mạnh xuất khẩu khi trong nước vào mùa thấp điểm.
Ngay trong những ngày đầu năm nay, công ty đã đàm phán xuất bán thành công tổng cộng 100.000 tấn Urê, bao gồm 30.000 tấn xuất khẩu đến Australia – thị trường phân bón khó tính hàng đầu thế giới.
Với lợi thế hiện hữu tại hơn 20 quốc gia và vùng lãnh thổ, Đạm Cà Mau đang tiếp tục gia tăng thị phần tại các thị trường truyền thống và mở rộng thâm nhập sang các thị trường mới. Trong đó, công ty đang duy trì thị phần cao tại thị trường truyền thống Campuchia (hơn 60%), Myanmar, Bangladesh, Ấn Độ, Brazil… Công ty cũng cho biết các dòng sản phẩm phân bón công nghệ cao phù hợp xu hướng xanh đã xâm nhập, đáp ứng tốt yêu cầu các thị trường mới như Pháp, Peru, Mexico, Hoa Kỳ…
Lan Anh
Nguồn Tạp chí Công thương : https://tapchicongthuong.vn/dam-ca-mau--dcm--don-loat-yeu-to-thuan-loi--day-manh-tieu-thu-npk-va-xuat-khau-133064.htm