Dặm dài tìm tên người nằm xuống vì Tổ quốc

Dặm dài tìm tên người nằm xuống vì Tổ quốc
14 giờ trướcBài gốc
538 liệt sĩ được xác định lại nơi hy sinh. 246 ngôi mộ phát hiện sai sót thông tin. 187 người lính được trả lại đúng tên, đúng quê hương và 153 bộ hài cốt đã được đưa về đất mẹ. Trong hành trình một thập kỷ của ông Nguyễn Tiến Lợi - người cựu công an mang biệt danh "Người tìm kim” từng con số là từng nỗi trăn trở, từng lần lật hồ sơ, từng giọt nước mắt thân nhân và từng bước chân lặng lẽ giữa những nghĩa trang dọc dài đất nước. Ông không làm nghề. Ông sống một sứ mệnh: lần theo từng dấu vết mờ phai để trả tên cho những người nằm xuống.
Ông Nguyễn Tiến Lợi tận tay đưa hài cốt liệt sĩ Bùi Văn Chòn từ nghĩa trang liệt sĩ liên xã Mỹ Châu - Mỹ Đức, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định trở về quê hương.
Nỗi đau riêng hóa hành trình bền bỉ
Năm 2014, sau 40 năm công tác trong ngành Công an, ông Nguyễn Tiến Lợi nghỉ hưu. Người thân, bạn bè bảo ông nên nghỉ ngơi, tận hưởng tuổi già. Vậy mà chưa đầy một năm sau, ông bắt đầu hành trình mới - vì hai cái tên chưa có mộ.
Hai người anh vợ của ông Lợi đều là liệt sĩ, hy sinh ở chiến trường phía Nam. Cả nhà chỉ còn lại giấy báo tử. Khắc khoải suốt nhiều năm, ông lần tìm khắp các hệ thống tra cứu điện tử, rồi tự mình vào Tây Nguyên, miền Đông Nam Bộ, lật từng bản đồ quân sự cũ, đến từng nghĩa trang. Trên hành trình đi tìm người thân, ông bắt gặp hàng trăm ngôi mộ vô danh, nhiều ngôi chỉ ghi vỏn vẹn chữ quê quán: Hà Sơn Bình.
"Tôi cứ day dứt mãi. Bao người như thế, nằm ở đây mấy chục năm rồi mà chưa được ai gọi đúng tên. Nếu mình đã đến đây rồi, sao không tìm cho họ luôn?” - ông Lợi kể, giọng chùng xuống.
Từ đó, hành trình tìm mộ người thân hóa thành sứ mệnh tìm tên cho nhiều người khác. Ông học cách đọc hồ sơ liệt sĩ, tự hệ thống dữ liệu, đối chiếu thông tin trên giấy báo tử và bia mộ, học cách làm đơn, tư vấn thủ tục. Và ông bắt đầu lần theo những sợi chỉ mỏng nhất của ký ức, với lòng tin giản dị: biết đâu một ngày, người thân nào đó sẽ đọc được cái tên ông vừa tìm thấy.
Những năm gần đây, nhờ vào tiến bộ của công nghệ số, việc tra cứu thông tin về liệt sĩ trở nên dễ tiếp cận hơn qua hai cổng dữ liệu điện tử của Bộ Quốc phòng và Bộ LĐ-TB&XH (nay là Bộ Nội vụ). Thế nhưng, ông Lợi nhận ra một thực tế buồn: máy móc có thể lưu trữ thông tin, nhưng không thể kết nối ký ức. Những dữ liệu rời rạc, sai lệch tên tuổi, nơi hy sinh… khiến không ít thân nhân bế tắc giữa hai nguồn thông tin không khớp.
"Có khi chỉ sai một chữ trong tên là không thể khẳng định được. Mà một người lính đã không tiếc máu xương vì Tổ quốc thì xứng đáng được gọi đúng tên mình” - ông tâm sự.
Hành trình gian nan nhiều hơn thuận lợi
Người ta gọi ông là "Người tìm kim”, không phải vì ông cầm la bàn hay bản đồ, mà bởi công việc của ông khó như tìm kim đáy bể.
Rong ruổi qua hàng trăm nghĩa trang liệt sĩ từ Bắc chí Nam, mỗi nơi đến, ông đều lần theo tên, tuổi, quê quán, ngày hy sinh… để đối chiếu với giấy báo tử, hồ sơ gia đình và dữ liệu trên hệ thống. Đã có rất nhiều lần ông Nguyễn Tiến Lợi cùng những người đồng hành lóe lên tia hi vọng, rồi lại bần thần thất vọng vì thông tin liệt sĩ do thân nhân cung cấp không khớp với thông tin trên mộ.
"Sai một chữ là coi như không thể nhận. Mình lại phải tìm thêm giấy báo tử, giấy xác nhận hy sinh, thông tin từ nghĩa trang - mọi thứ phải khớp tuyệt đối thì mới được công nhận” - ông kể.
Khi ấy, ông Lợi cùng đồng đội lại lần theo tên tuổi cha mẹ các liệt sĩ để đối chiếu, xin giấy xác nhận nơi hi sinh, kết hợp với giấy xác nhận phía nghĩa trang liệt sĩ và giấy báo tử gia đình giữ để trả lại đúng tên cho người nằm xuống. Đã có những trường hợp, ông phải mất đến bốn năm để làm sáng tỏ danh tính cho liệt sĩ.
Trong suốt 10 năm, ông đã tiếp nhận hơn 800 yêu cầu tìm kiếm từ thân nhân liệt sĩ, trực tiếp đến 13 xã có nhiều người hy sinh để tư vấn cho 376 gia đình. Ông đọc hàng nghìn hồ sơ, đối chiếu từng tờ giấy báo tử, tra cứu từng dòng dữ liệu và phát hiện 246 ngôi mộ sai sót thông tin. Trong số đó, ông đã trả lại đúng tên và quê quán cho 187 liệt sĩ. Không dừng ở đó, ông Lợi còn hỗ trợ thủ tục giám định ADN cho nhiều trường hợp đặc biệt. Có 9 trường hợp được ông hỗ trợ về thủ tục đề nghị xét nghiệm và đến nay, 3 trong số đó đã trùng khớp.
Người tìm kim” miệt mài và thầm lặng
Ông Nguyễn Văn Sơn ở phường Phương Lâm, thành phố Hòa Bình là một trong hàng trăm gia đình đã được "Người tìm kim" hỗ trợ tìm mộ liệt sĩ. Ông chia sẻ: Ông Lợi không chỉ giúp đỡ tìm kiếm tra cứu thông tin, mà còn nhiệt tình tư vấn về các thủ tục, đơn thư, giúp liên hệ về cơ sở để giải quyết thủ tục cho thân nhân liệt sĩ sớm đưa được hài cốt cha anh mình về quê hương.
Ông Nguyễn Tiến Lợi không thuộc biên chế cơ quan chính sách, cũng chẳng nhận bất kỳ khoản thù lao nào cho công việc mà mình đang làm. Mười năm qua, ông đi lại bằng tiền túi, tự in hồ sơ, tự tra cứu, tự học luật. Có khi còn lặng lẽ kêu gọi các nhà hảo tâm, doanh nghiệp trong tỉnh hỗ trợ chi phí cho một chuyến đi đưa hài cốt về quê. "Có người hỏi sao tôi không lấy phí. Nhưng nếu lấy tiền thì điều tôi đang làm không còn đúng nữa. Tôi làm điều này là để trả nghĩa, không phải để nhận ơn” - ông chia sẻ.
Tài khoản mạng xã hội của ông mang tên "Người tìm kim” - cách gọi vừa hóm hỉnh, vừa chân thật. Trang cá nhân trên mạng xã hội thường dùng để đăng thông tin những ngôi mộ chưa có thân nhân đến nhận, gieo những hi vọng dù là rất hi hữu cho những cuộc đoàn tụ sau nhiều thập kỷ. Ông chỉ ngồi lặng lẽ bên máy tính mỗi ngày, đi nghĩa trang mỗi tháng và gõ cửa các gia đình thân nhân mỗi khi cần xác nhận thêm một dấu vết. Suốt mười năm, ông sống giữa hai thế giới - giữa những người đã nằm xuống và những người còn đang đợi đón người thân trở về.
Thảo Uyên
Nguồn Hòa Bình : http://www.baohoabinh.com.vn/274/200769/dam-dai-tim-ten-nguoi-nam-xuong-vi-to-quoc.htm