Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ trích Tổng thống Nga Vladimir Putin sau đòn tấn công dồn dập vào Kiev, Ukraine hồi cuối tuần qua. Ảnh: The Australian.
Tổng thống Donald Trump đang cân nhắc áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga trong tuần này, khi ông ngày càng thất vọng trước việc Tổng thống Nga Vladimir Putin tiếp tục các cuộc tấn công vào Ukraine cũng như tiến trình hòa đàm chậm chạp – theo các nguồn tin thân cận với ông Trump.
Một trong những nguồn tin cho biết các biện pháp trừng phạt nhiều khả năng sẽ không bao gồm lệnh cấm vận ngân hàng mới, nhưng nhiều lựa chọn khác đang được xem xét nhằm gây áp lực buộc ông Putin nhượng bộ trên bàn đàm phán – chẳng hạn như đề xuất ngừng bắn 30 ngày do Ukraine ủng hộ nhưng Nga lâu nay vẫn từ chối. Tuy nhiên, cũng có khả năng ông Trump sẽ quyết định không áp đặt trừng phạt mới.
Hôm Chủ nhật tuần trước, ông Trump nói ông “chắc chắn” đang cân nhắc các biện pháp trừng phạt. “Ông ta đang giết rất nhiều người”, ông Trump nói về ông Putin. “Tôi không hiểu có chuyện gì với ông ta nữa. Chuyện gì đang xảy ra với ông ta vậy?”.
Ông Trump cũng đang mất kiên nhẫn với tiến trình đàm phán hòa bình và đang cân nhắc từ bỏ hoàn toàn nếu một nỗ lực cuối cùng không thành công, theo các nguồn tin. Đây là một thay đổi đáng chú ý đối với vị Tổng thống từng tranh cử với lời hứa sẽ kết thúc chiến sự ngay trong ngày đầu nhậm chức. Hiện chưa rõ nếu Mỹ rút khỏi tiến trình hòa đàm thì điều gì sẽ xảy ra, và liệu ông Trump có tiếp tục viện trợ quân sự cho Ukraine hay không.
“Ông Trump luôn thể hiện rõ mong muốn đạt được một thỏa thuận hòa bình thông qua đàm phán”, thư ký báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt nói với tờ Wall Street Journal. “Tổng thống cũng thông minh khi luôn giữ mọi lựa chọn trên bàn đàm phán”.
Diễn biến này đánh dấu sự xuống cấp mới trong quan hệ Mỹ-Nga, vốn đã nhiều lần thay đổi chỉ trong vài tháng qua. Ông Trump bước vào nhiệm kỳ với niềm tin rằng mối quan hệ cá nhân với ông Putin có thể giúp cải thiện quan hệ giữa hai nước. Tuy nhiên, ông vẫn chưa thể khiến nhà lãnh đạo Nga nhượng bộ trong việc hòa đàm với Ukraine.
Tổng thống Mỹ Donald Trump bước xuống chiếc Không lực Một vào Chủ nhật tuần trước. Ảnh: Reuters.
Chỉ vài giờ sau khi ông Trump đưa ra bình luận hôm Chủ nhật, Nga đã tiến hành cuộc tấn công bằng máy bay không người lái và tên lửa lớn nhất từ trước đến nay nhằm vào Ukraine, kéo dài suốt đêm sang sáng đầu tuần này. Không quân Ukraine cho biết Nga đã phóng hơn 350 máy bay không người lái chứa chất nổ và ít nhất 9 tên lửa hành trình. Phía Nga cho rằng đây là hành động đáp trả các cuộc tấn công của Ukraine vào lãnh thổ Nga.
Cùng ngày, Thủ tướng Đức Friedrich Merz tuyên bố Mỹ, Đức, Pháp và Anh sẽ không còn áp đặt giới hạn tầm bắn đối với vũ khí mà phương Tây viện trợ cho Ukraine, nghĩa là Kiev có thể nhắm mục tiêu sâu hơn vào lãnh thổ Nga. Trước đó, Ukraine chỉ được sử dụng tên lửa tầm xa để tấn công các mục tiêu Nga trong phạm vi hạn chế. Chính quyền Biden từng phản đối việc gỡ bỏ giới hạn tầm bắn, lo ngại leo thang xung đột.
Nhà Trắng từ chối bình luận về quyết định này.
Trong những tháng đầu nhiệm kỳ, thái độ của ông Trump đối với ông Putin thay đổi liên tục. Ông từng cân nhắc các lệnh trừng phạt mới và có những phát biểu cứng rắn về nhà lãnh đạo Nga, nhưng đồng thời cũng đề cập đến việc giảm rào cản thương mại với Moscow và mở rộng đầu tư của Mỹ vào Nga.
Tuy nhiên, phát ngôn của ông Trump mới đây có phần gay gắt hơn thường lệ. “Tôi biết ông ấy từ lâu, luôn có mối quan hệ tốt, nhưng ông ấy đang phóng tên lửa vào các thành phố và giết hại người dân, tôi không chấp nhận điều đó”, ông Trump nói. “Trong khi chúng tôi đang đàm phán, ông ta lại bắn tên lửa vào Kiev và các thành phố khác. Tôi hoàn toàn không thích điều này”.
Các nhân viên cứu hộ trong đống đổ nát của một ngôi nhà ở khu vực Kiev bị phá hủy trong cuộc tấn công của Nga vào Ukraine. Ảnh: Reuters.
Trong nhiều tuần qua, ông Trump đã chống lại sức ép yêu cầu ông trừng phạt ông Putin vì không chấp nhận đề xuất ngừng bắn do Ukraine ủng hộ. Một số đồng minh như Thượng nghị sĩ Lindsey Graham từng nói với ông Trump rằng ông Putin không thực sự muốn hòa bình, và chỉ khi bị trừng phạt thì mới nghiêm túc đàm phán.
Tuy nhiên, theo các quan chức, ông Trump có ba suy nghĩ then chốt ảnh hưởng đến cách ông tiếp cận tình hình:
Thứ nhất, ông Trump không có thiện cảm với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, người mà ông cho là đang thúc đẩy xung đột bằng cách kêu gọi thêm trừng phạt. Hôm Chủ nhật tuần trước, trong lúc chỉ trích ông Putin, ông Trump cũng công khai chỉ trích ông Zelensky trên mạng xã hội, nói rằng vị Tổng thống Ukraine “đang làm hại đất nước mình bằng cách phát ngôn như hiện nay”.
Thứ hai, ông Trump cho rằng các lệnh trừng phạt bổ sung sẽ không ngăn được Nga tiếp tục chiến tranh, mà ngược lại sẽ cản trở các nỗ lực khôi phục quan hệ kinh tế Mỹ-Nga.
Cuối cùng, ông Trump tin rằng ông hiểu ông Putin và rằng nhà lãnh đạo Nga sẽ chấm dứt chiến tranh như một hành động “cá nhân” để giữ mối quan hệ. Tuy nhiên, việc ông Putin từ chối nhượng bộ m – đặc biệt là sau cuộc điện đàm tuần trước, trong đó ông từ chối ký thỏa thuận ngừng bắn – đã khiến ông Trump thất vọng.
Sau cuộc gọi đó, ông Trump đã có cuộc điện đàm với ông Zelensky và các nhà lãnh đạo châu Âu.
Trong khi đó, Thượng viện Mỹ cũng đang gia tăng sức ép với Nga. Hai Thượng nghị sĩ Lindsey Graham và Richard Blumenthal đã giới thiệu một dự luật trừng phạt mới với Nga và đánh thuế cao các nước mua dầu, khí và uranium từ Nga. Dự luật này đã nhận được sự ủng hộ của hơn 80 thượng nghị sĩ.
Theo Wall Street Journal
Huyền Chi