Đàm phán Mỹ - Trung: Cơ hội thoát thế 'cùng thua'?

Đàm phán Mỹ - Trung: Cơ hội thoát thế 'cùng thua'?
5 giờ trướcBài gốc
Gặp gỡ Mỹ - Trung - cơ hội thoát thế “cùng thua”?
Nỗ lực tìm "tiếng nói chung"
Trung Quốc là tâm điểm trong cuộc chiến thương mại toàn cầu do Tổng thống Mỹ Donald Trump phát động, cuộc chiến đã làm rung chuyển thị trường tài chính, phá vỡ chuỗi cung ứng toàn cầu và làm gia tăng nguy cơ suy thoái kinh tế diện rộng.
Mục tiêu của Washington là cắt giảm thâm hụt thương mại với Bắc Kinh và gây sức ép buộc Trung Quốc từ bỏ mô hình kinh tế trọng thương, hướng tới việc tái cân bằng tiêu dùng toàn cầu, điều này đòi hỏi Bắc Kinh phải thực hiện những cải cách trong nước sâu rộng và khó khăn.
Về phía mình, Trung Quốc kiên quyết phản đối sự can thiệp từ bên ngoài vào định hướng phát triển, xem việc nâng cao năng lực công nghiệp và công nghệ là thiết yếu để tránh rơi vào “bẫy thu nhập trung bình”. Bắc Kinh yêu cầu Washington dỡ bỏ thuế quan, làm rõ danh mục hàng hóa Mỹ cần Trung Quốc tăng nhập, và được đối xử bình đẳng trên trường quốc tế.
So với nhiệm kỳ trước của ông Trump, khoảng cách giữa hai bên hiện sâu sắc hơn, với nguy cơ đổ vỡ lớn hơn. Khi Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent và Đại diện thương mại Jamieson Greer gặp Phó Thủ tướng Trung Quốc Hà Lập Phong tại Thụy Sĩ, giới phân tích không kỳ vọng vào bất kỳ kết quả đột phá nào.
Ngoài thuế quan đang ở mức ba chữ số mà thị trường coi như hình thức “cấm vận thương mại ngầm”, các chủ đề phi thương mại như kiểm soát fentanyl, hạn chế công nghệ và căng thẳng địa chính trị cũng sẽ làm phức tạp thêm tiến trình đàm phán.
“Không có kỳ vọng sẽ đạt được bất kỳ thỏa thuận cụ thể nào trong cuối tuần này, ngoài việc xác định liệu hai bên có thể thống nhất về một lộ trình đàm phán và những chủ đề sẽ đưa vào nghị sự”, Scott Kennedy, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), nhận định.
Kịch bản khả quan nhất cho thị trường tài chính hiện nay là hai bên đạt được thỏa thuận giảm thuế từ mức hơn 100% hiện tại xuống ngưỡng có thể cho phép lưu thông hàng hóa hai chiều, dù vẫn còn đủ cao để gây tổn hại cho doanh nghiệp hai nước.
Ông Trump, người vừa công bố chi tiết thỏa thuận thương mại mới với Anh, đã phát tín hiệu rằng mức thuế trừng phạt 145% với hàng hóa Trung Quốc có thể được điều chỉnh xuống thấp hơn. Trên mạng xã hội, ông đề xuất mức 80%, vẫn cao hơn cam kết tranh cử năm ngoái 20 điểm phần trăm, song chưa rõ đoàn đàm phán Mỹ có chính thức đưa ra đề xuất này hay không.
Ryan Hass - Giám đốc Trung tâm Trung Quốc thuộc Viện Brookings dự báo, Bắc Kinh sẽ yêu cầu được hưởng cơ chế miễn trừ thuế quan 90 ngày như các đối tác khác từng được hưởng, để tạo điều kiện thuận lợi cho đàm phán. Tuy vậy, ông cũng thừa nhận khả năng đột phá là rất thấp.
“Quyết định tăng thuế trước đó mang tính đơn phương, nên việc giảm thuế hoàn toàn có thể mang tính đơn phương tương tự”, ông nói.
Mặc dù ít người kỳ vọng sẽ có miễn trừ, song nếu đạt được thỏa thuận giảm thuế, dù rất nhỏ và đồng thuận tổ chức các vòng đàm phán tiếp theo (có thể mở rộng sang vấn đề như fentanyl), đó vẫn sẽ là kết quả tích cực đối với giới đầu tư.
“Nếu đạt được một lệnh đình chiến tạm thời hoặc giảm thuế đối xứng, điều đó sẽ mở đường cho một tiến trình đàm phán toàn diện hơn trong tương lai”, Bo Zhengyuan - chuyên gia tư vấn tại Plenum Thượng Hải nhận định.
Giảm leo thang tạm thời và chiến thuật đàm phán
Dù cả hai bên có thể nêu bật động thái giảm thuế như một thắng lợi chiến thuật để trấn an công chúng trong nước, thì thực tế cho thấy các nhà máy Trung Quốc sẽ bắt đầu chịu ảnh hưởng nặng nề trong những tháng tới, trong khi người tiêu dùng Mỹ phải đối mặt với lạm phát giá cả và nguy cơ mất việc làm.
Căn nguyên của xung đột là sự mất cân đối trong cấu trúc thương mại toàn cầu, nơi thế giới phụ thuộc vào sản xuất giá rẻ và hiệu quả từ Trung Quốc, trong khi tiêu dùng chủ yếu đến từ tầng lớp trung lưu Mỹ sẽ không thể được giải quyết trong một cuộc họp hay một tuần lễ.
Tuy nhiên, thị trường có thể tạm yên tâm khi thấy hai nền kinh tế lớn nhất thế giới có cơ hội làm dịu tình hình, tránh nguy cơ căng thẳng thương mại lan rộng sang lĩnh vực tài chính và địa chính trị.
Chuyên gia Lynn Song - Kinh tế trưởng khu vực Trung Quốc của ING dự đoán, bất kỳ sự giảm leo thang nào cũng chỉ đưa thuế quan về khoảng 60%, phù hợp với cam kết tranh cử của ông Trump. Dù vậy, mức này “vẫn đủ cao để loại trừ nhiều sản phẩm có thể thay thế”, song cũng là ngưỡng cho phép hàng hóa không có phương án thay thế được nhập khẩu với chi phí thấp hơn.
Trước thềm hội đàm, Reuters cho biết các cuộc trao đổi hậu trường đã vấp phải bế tắc liên quan tới vấn đề fentanyl, cấp bậc đoàn đàm phán, cũng như "giọng điệu" trong phát ngôn từ phía Mỹ.
Việc hai bên phát tín hiệu trái ngược về việc ai chủ động tiếp cận trước đã khiến Bắc Kinh có xu hướng duy trì lập trường cứng rắn trên truyền thông. Một tờ báo nhà nước thậm chí cảnh báo đây sẽ là một “cuộc đấu tranh lâu dài”.
Tuy nhiên, trong một động thái cho thấy Bắc Kinh đang giữ cánh cửa đối thoại, một blog liên kết với truyền thông nhà nước Trung Quốc đã nhấn mạnh “việc đàm phán tại thời điểm này không gây thiệt hại gì” và Trung Quốc có thể “quan sát, thậm chí khơi gợi ý định thực sự của Mỹ”.
Giới phân tích nhận định nỗ lực của Bắc Kinh nhằm thể hiện rằng Washington mới là bên nóng vội sẽ giúp Trung Quốc giữ thể diện trong nước, đồng thời củng cố vị thế trong đàm phán.
“Chúng ta không còn chờ xem ai sẽ nhượng bộ trước, mà đang theo dõi cách mỗi bên sẽ cố gắng khiến bên kia trông như thể đã nhượng bộ trước”, một nhà ngoại giao tại Bắc Kinh nhận định.
Đại Hùng
Nguồn TBNH : https://thoibaonganhang.vn/dam-phan-my-trung-co-hoi-thoat-the-cung-thua-163973.html