Phái đoàn Nga-Ukraine đàm phán tại Thổ Nhĩ Kỳ năm 2022. (Nguồn: Reuters)
Dấu hiệu của thiện chí
Cuộc xung đột Nga-Ukraine đã bước sang năm thứ tư với hàng trăm nghìn thương vong và các cuộc đàm phán đang rơi vào bế tắc thì ngày 11/5, Tổng thống Vladimir Putin bất ngờ tuyên bố sẵn sàng đàm phán trực tiếp với Ukraine mà không kèm điều kiện tiên quyết.
Đề xuất trên được đưa ra ngay sau khi lệnh ngừng bắn 3 ngày do Nga tuyên bố kết thúc và đúng vào thời điểm Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nhóm họp cùng lãnh đạo Pháp, Đức, Ba Lan và Anh tại Kiev nhằm thúc đẩy đề xuất ngừng bắn toàn diện kéo dài 30 ngày.
Ngay sau tuyên bố từ Moscow, nhiều nước đã nhanh chóng lên tiếng. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan khẳng định Ankara sẵn sàng tạo điều kiện và hỗ trợ cho đàm phán. Tổng thống Brazil Lula da Silva tuyên bố sẵn sàng tham gia thúc đẩy hòa giải, trong khi người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lâm Kiện tái khẳng định Bắc Kinh ủng hộ mọi nỗ lực vì hòa bình ở Ukraine.
Đáng chú ý nhất, viết trên mạng xã hội Truth Social, Tổng thống Mỹ Donald Trump, người từng tuyên bố có thể chấm dứt xung đột trong “24 giờ” khi tranh cử khẳng định: “Đây có thể là một ngày tuyệt vời cho Nga và Ukraine!”, kêu gọi Kiev “đồng ý ngay lập tức”. Ông thậm chí để ngỏ khả năng tới Istanbul “nếu cần thiết”.
Đáp lại, ông Zelensky khẳng định sẵn sàng tới Istanbul nhưng với điều kiện là ngừng bắn 30 ngày phải có hiệu lực ngay lập tức. Chánh Văn phòng Tổng thống Ukraine Andrii Yermak ngày 14/5 cho biết thêm, “Tổng thống Volodymyr Zelensky sẽ tới Thổ Nhĩ Kỳ ngay cả khi Tổng thống Nga Vladimir Putin đến nay vẫn chưa phản hồi về đề xuất gặp mặt trực tiếp giữa hai nhà lãnh đạo”.
Động thái của nhà lãnh đạo này, người từng ký sắc lệnh cấm đàm phán với Nga vào tháng 9/2022 - cho thấy một sự “mềm hóa” đáng kể. Dù sắc lệnh chưa bị bãi bỏ, việc Tổng thống Ukraine sẵn sàng đối thoại trực tiếp phản ánh áp lực ngày càng lớn từ cộng đồng quốc tế, cũng như sự thực dụng chiến lược khi chiến sự rơi vào trạng thái giằng co kéo dài.
Trong khi đó, nhiều nhà nghiên cứu quốc tế vẫn tỏ ra thận trọng. Ông Pavel Timofeev (Viện Kinh tế thế giới và Quan hệ quốc tế - Nga) nhận định viện trợ quân sự không ngừng từ phương Tây khiến Moscow hoài nghi về sự nghiêm túc của Kiev. Tuy nhiên, hãng tin Anadolu Ajansı (Thổ Nhĩ Kỳ) dẫn phát biểu của Đặc phái viên Tổng thống Mỹ Steve Witkoff cho biết, các bên “đã tiến rất gần đến một thỏa thuận hòa bình dựa trên khuôn khổ Thỏa thuận Istanbul năm 2022” và tin rằng khuôn khổ này sẽ được sử dụng làm cơ sở cho các cuộc đàm phán hiện tại.
Dù các tín hiệu từ Moscow và Kiev được đánh giá là tích cực, nhưng giới quan sát cho rằng, nếu hai bên vẫn giữ nguyên lập trường, đây sẽ là một rào cản lớn cho dù đàm phán diễn ra. Trong khi Nga yêu cầu công nhận các vùng lãnh thổ Moscow đang kiểm soát là “không thể tách rời”, Ukraine kiên quyết yêu cầu Moscow ngừng bắn vô điều kiện và rút quân khỏi các vùng lãnh thổ này.
Trả lời báo chí về tuyên bố của Tổng thống Putin, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov cho biết, Moscow muốn đàm phán “một cách nghiêm túc và có trách nhiệm” nhưng với nội dung chủ yếu xoay quanh những mục tiêu của chiến dịch quân sự đặc biệt - trong đó có vấn đề lãnh thổ. Trong bối cảnh đó, việc Tổng thống Vladimir Putin nêu đề xuất vào thời điểm này cho thấy Moscow muốn duy trì thế chủ động trước mùa Hè - giai đoạn thường chứng kiến leo thang trên thực địa và trên bàn cờ ngoại giao.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cũng nhấn mạnh: “Mỗi chi tiết nhỏ trong tiến trình hòa bình đều có ý nghĩa sống còn với tương lai của cả Nga và Ukraine”. Đây là một lời nhắc rằng không nên kỳ vọng quá nhiều vào một đột phá ngay lập tức, mà cần chú ý đến từng dấu hiệu nhỏ của thiện chí.
Mở ra hy vọng
Sau cuộc điện đàm giữa ông Trump và ông Putin hồi tháng 2/2025, hoạt động ngoại giao quanh xung đột Nga-Ukraine đã có dịch chuyển rõ rệt. Trước khi đàm phán tại Istanbul diễn ra, Nhà Trắng tuyên bố rằng nếu đàm phán không đạt kết quả thực chất, Mỹ sẽ rút khỏi vai trò trung gian và để Nga-Ukraine tự giải quyết. Định dạng song phương được thử nghiệm trở lại như một công thức thay thế cho mô hình nhiều bên từng thất bại ba năm trước.
Trong bối cảnh đó, theo ông Dmitry Suslov (Trung tâm Nghiên cứu châu Âu và quốc tế - Nga), đàm phán Istanbul nhiều khả năng chỉ là đối thoại ở cấp phái đoàn - tương tự giai đoạn đầu năm 2022. Thế nhưng, nếu một bên rút lui, cuộc đàm phán sẽ bị hoãn hoặc hủy, khiến chiến sự có thể tái bùng phát trên quy mô lớn hơn.
Trong khi đó, kịch bản lạc quan là đạt được đồng thuận cơ bản như ngừng bắn nhân đạo, trao đổi tù binh hoặc thỏa thuận cơ chế giám sát để từng bước có thể mở ra các vòng thương lượng tiếp theo. Dù vậy, một mẫu số chung đã dần hình thành: chỉ có đối thoại trực tiếp mới là con đường khả dĩ để tiến tới hòa bình.
Nghị sĩ châu Âu Thierry Mariani nhận định: “Đàm phán song phương là giải pháp duy nhất, vì nó giảm thiểu ảnh hưởng từ bên thứ ba và mở ra cơ hội cho nền hòa bình lâu dài”. Nhìn lại lý do thỏa thuận Istanbul năm 2022 bị đổ vỡ có thể nhận thấy, lịch sử đang đứng trước cơ hội lặp lại nhưng sẽ theo hướng tích cực bởi các bên đã rút ra bài học.
Thế giới không thể đoán chắc liệu hòa bình có được gieo mầm ở Istanbul lần này hay không. Nhưng rõ ràng, trong một thế giới đang đầy biến động, cơ hội dù mong manh cũng là điều vô cùng quý giá. Cuộc gặp tại Istanbul, dù chỉ là bước khởi đầu và dù ở cấp độ nào, vẫn là tín hiệu cho thấy con đường giải quyết xung đột giờ đây đã đi đến những vấn đề cốt lõi. Và điều đó mang lại hy vọng.
Nhất Phong