Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov. Ảnh: TASS/TTXVN
Người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov, khẳng định những khác biệt hiện nay giữa bản dự thảo biên bản ghi nhớ của hai nước là "đối lập hoàn toàn" và "không thể điều chỉnh trong một sớm một chiều".
Theo hãng tin TASS ngày 25/7, khi được hỏi về triển vọng diễn ra cuộc gặp trực tiếp giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trước cuối tháng 8, ông Peskov cho biết các điều kiện để tổ chức cuộc gặp như vậy chưa được đáp ứng, do những mâu thuẫn cốt lõi trong quan điểm giữa hai phía về cách thức giải quyết xung đột.
Vòng đàm phán thứ ba giữa hai bên diễn ra tại Istanbul ngày 23/7, với sự tham gia của Trợ lý Tổng thống Nga Vladimir Medinsky và Thư ký Hội đồng An ninh và Quốc phòng Ukraine Rustem Umerov trong vai trò trưởng đoàn. Trước cuộc họp tập thể, hai trưởng đoàn đã tiến hành cuộc thảo luận riêng. Cuộc họp chính thức kéo dài khoảng 40 phút, trong đó các bên đã xem xét các nội dung trong bản dự thảo biên bản ghi nhớ được trao đổi từ vòng đàm phán thứ hai.
Sau cuộc họp, Nga và Ukraine nhất trí triển khai một số biện pháp nhân đạo, trong đó có việc trao đổi cả quân nhân lẫn dân thường đang bị giam giữ. Phía Nga đề xuất thành lập ba nhóm công tác trực tuyến để xử lý các vấn đề chính trị, quân sự và nhân đạo. Ngoài ra, Moskva cũng đưa ra đề nghị trao trả thêm khoảng 3.000 thi thể binh sĩ Ukraine đã thiệt mạng và nối lại các đợt tạm dừng nhân đạo ngắn hạn trên tuyến giao tranh để tạo điều kiện tiếp nhận người bị thương và thi thể nạn nhân.
Dù vậy, theo giới quan sát, những tiến triển nói trên mang tính nhân đạo hơn là dấu hiệu cho thấy đàm phán hòa bình sắp đạt được đột phá. Phát ngôn của ông Peskov cho thấy Nga tiếp tục giữ lập trường thận trọng, đồng thời yêu cầu tiến trình ngoại giao phải có chiều sâu và sự chuẩn bị kỹ lưỡng nếu muốn đạt hiệu quả.
Trong khi đó, phía Ukraine hiện chưa đưa ra tuyên bố chính thức nào về cuộc đàm phán tại Istanbul cũng như về nội dung các bản dự thảo biên bản ghi nhớ. Tuy nhiên, một số quan chức Kiev trước đó nhấn mạnh lập trường không nhượng bộ về các vấn đề chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, bao gồm cả việc kiểm soát bán đảo Crimea và khu vực Donbass.
Trước đó, cả Nga và Ukraine đều khẳng định sẵn sàng nối lại đối thoại sau thời gian dài bế tắc kể từ đầu năm 2023. Việc tổ chức các vòng đàm phán gần đây tại Thổ Nhĩ Kỳ - quốc gia trung gian có quan hệ với cả hai bên - được xem là bước đi tích cực nhằm tạo lại kênh tiếp xúc chính thức, dù cơ hội thành công vẫn còn mong manh.
Một số chuyên gia quốc tế nhận định tiến trình đàm phán hiện nay chủ yếu mang tính thăm dò và mở đường, hơn là kỳ vọng tạo ra đột phá thực chất trong thời gian ngắn. "Những khác biệt cơ bản về mục tiêu chiến lược khiến hai bên khó có thể thống nhất ngay lập tức", một nhà phân tích an ninh tại châu Âu nhận định.
Trong bối cảnh xung đột vẫn tiếp diễn và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt rõ rệt, các phát biểu từ phía Nga cho thấy tiến trình ngoại giao vẫn cần nhiều thời gian, nỗ lực và sự linh hoạt từ cả hai phía nếu muốn tránh nguy cơ kéo dài xung đột trong thời gian tới.
Hoàng Anh/Báo Tin tức và Dân tộc