Đàm phán thương mại giữa Mỹ và các nền kinh tế lớn đang ở đâu khi hạn chót cận kề?

Đàm phán thương mại giữa Mỹ và các nền kinh tế lớn đang ở đâu khi hạn chót cận kề?
một ngày trướcBài gốc
Tổng thống Mỹ Donald Trump trình bày một sắc lệnh hành pháp về "thuế quan qua lại" tại Vườn Hồng của Nhà Trắng ở Washington, D.C. ngày 2/4. Ảnh: THX
Chính quyền của Mỹ Tổng thống Donald Trump khẳng định sẽ không gia hạn lệnh tạm hoãn áp thuế, đồng nghĩa nếu không đạt được thỏa thuận, thuế quan sẽ chính thức có hiệu lực. Tính đến ngày 1/7, chỉ mới có Vương quốc Anh đạt được thỏa thuận thương mại với Mỹ, trong khi các cuộc thương lượng với Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước ASEAN chưa ghi nhận đột phá.
EU: Cân nhắc thỏa thuận “bất đối xứng”
Theo hãng tin Bloomberg, EU sẵn sàng chấp nhận một thỏa thuận thương mại với Mỹ bao gồm mức thuế quan chung 10% đối với nhiều mặt hàng xuất khẩu của khối. Tuy nhiên, liên minh này muốn Mỹ cam kết mức thuế thấp hơn mức thuế đối với các lĩnh vực chính như dược phẩm, rượu, chất bán dẫn và máy bay thương mại.
EU cũng đang thúc đẩy Mỹ áp dụng hạn ngạch và miễn trừ để giảm mức thuế 25% của Washington đối với ô tô và phụ tùng ô tô cũng như mức thuế 50% đối với thép và nhôm. Ủy ban châu Âu, cơ chế xử lý các vấn đề thương mại cho EU, coi thỏa thuận này có phần thiên vị cho Mỹ nhưng vẫn là các điều khoản mà họ có thể đồng ý.
Các quan chức EU đã vạch ra bốn kịch bản tiềm năng trước khi hạn chót kết thúc vào tuần tới, bao gồm: thỏa thuận bất đối xứng chấp nhận được, đề xuất không thể chấp nhận, gia hạn thời hạn ngừng áp thuế hoặc Mỹ đơn phương tăng thuế.
Trong một diễn biến liên quan, hãng tin Reuters cho biết Ủy viên Thương mại EU Maros Sefcovic đã bay đến Washington trong ngày 1/7 để gặp những người đồng cấp Mỹ và đã hoan nghênh các đề xuất dự thảo từ Washington.
Ủy viên Sefcovic cho biết EU đã nhận được bản thảo đầu tiên của các đề xuất từ Mỹ để có thể đi đến một thỏa thuận cuối cùng. "Ngày 9/7 sắp đến gần nên đối với tôi, việc chúng ta chuyển từ trao đổi quan điểm sang quá trình soạn thảo luôn là một dấu hiệu tốt", ông chia sẻ.
Trả lời phỏng vấn báo Thời đại Hoàn cầu, ông Cui Hongjian, giám đốc Khoa Nghiên cứu Châu Âu tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Trung Quốc, ngày 27/6 nhận định cạnh tranh giữa Mỹ và EU - đặc biệt trong ngành ô tô - là rào cản chính. Ông cho rằng EU đang chủ động nhượng bộ để đạt thỏa thuận, nhưng Washington vẫn chưa thể hiện thiện chí tương xứng.
Theo chuyên gia Cui, chiến lược cốt lõi của EU là đưa ra những nhượng bộ chủ động để đạt được thỏa thuận với Mỹ, chẳng hạn như đề nghị tăng đầu tư vào Mỹ và mua thêm hàng hóa của Mỹ.
Tuy nhiên, cho đến nay, Washington vẫn chưa thể hiện thiện chí đáp lại. Ông Cui cho biết sự phụ thuộc ngày càng tăng của châu Âu vào Mỹ trong các lĩnh vực như thương mại, năng lượng và an ninh là nguyên nhân khiến Washington gia tăng sức ép.
Nhật Bản, Hàn Quốc: Thuế ô tô là nút thắt
Theo các phương tiện truyền thông, thuế ô tô vẫn là trọng tâm trong các cuộc đàm phán thương mại Nhật Bản-Mỹ. Trong một cuộc phỏng vấn vào ngày 29/6, Tổng thống Trump cho biết thương mại ô tô của Nhật Bản là không công bằng, ám chỉ rằng ông sẽ không lùi bước trong việc áp dụng mức thuế 25% đối với xe nhập khẩu. Các nhà phân tích cho biết điều này nhấn mạnh những khó khăn mà cả hai bên phải đối mặt trong việc đạt được tiến triển về vấn đề này.
Theo một báo cáo của RFI, xuất khẩu ô tô của Nhật Bản sang Mỹ hiện đang chịu ảnh hưởng nặng nề. Dù đã trải qua 7 vòng đàm phán, Mỹ vẫn từ chối giảm thuế, dù Nhật Bản đề xuất hợp tác trong các lĩnh vực then chốt như chất bán dẫn, công nghệ đất hiếm hay đóng tàu.
Liu Junhong, một chuyên gia về Nhật Bản tại Viện Quan hệ Quốc tế Đương đại Trung Quốc, nói rằng cả Nhật Bản và Mỹ đều coi trọng khả năng cạnh tranh của xuất khẩu ô tô của họ và không bên nào muốn thỏa hiệp.
Ông lưu ý Nhật Bản có vẻ sẵn sàng chấp nhận hầu hết các điều kiện của Mỹ nếu thuế quan đối với ô tô được giảm xuống mức thấp hơn, chẳng hạn như 2,5 hoặc 0%. Tuy nhiên, Mỹ vẫn kiên định với lập trường của mình: Trừ khi ô tô Mỹ có thể vào thị trường Nhật Bản, nếu không sẽ không có thỏa thuận nào về thuế quan.
Tương tự, Hàn Quốc cũng đang chịu sức ép lớn nếu Mỹ kích hoạt “thuế quan qua lại” 25%.
Với tư cách là một trung tâm sản xuất chính cho ô tô, chất bán dẫn và pin, Hàn Quốc hiện phải đối mặt với tình trạng tiêu dùng trong nước yếu kém. Nếu Mỹ áp dụng "thuế quan qua lại" 25%, thì điều này sẽ giáng một đòn nghiêm trọng vào nền kinh tế Hàn Quốc.
Vào thời điểm vận động tranh cử hồi tháng 5, tân Tổng thống Hàn Quốc kêu gọi không vội vàng ký thỏa thuận, đồng thời thúc giục các quốc gia khác phối hợp phản ứng.
Theo đánh giá của ông Zhan Debin, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Bán đảo Triều Tiên tại Đại học Kinh doanh và Kinh tế Quốc tế Thượng Hải, Hàn Quốc sẽ không vội vàng ký kết thỏa thuận.
"Việc đạt được thỏa thuận quá sớm có thể không có lợi cho Seoul. Hàn Quốc đang theo dõi chặt chẽ tiến độ đàm phán giữa Mỹ và các đối thủ cạnh tranh khác như Nhật Bản và EU", ông nói thêm rằng với chính quyền Tổng thống Lee Jae-myung mới nhậm chức và nội các vẫn chưa được thành lập đầy đủ, Seoul cũng có thể sử dụng điều này làm lý do để yêu cầu Washington gia hạn thêm thời gian.
Theo ông Zhan, mục tiêu của Hàn Quốc là quay trở lại Hiệp định Thương mại Tự do Hàn Quốc-Mỹ ban đầu, theo đó cả hai bên đều duy trì mức thuế quan bằng 0%. Tất nhiên, Mỹ khó có thể chấp nhận mức thuế này. Hơn nữa, trong khi Hàn Quốc muốn các cuộc đàm phán thuế quan tập trung vào thương mại, Mỹ có thể sẽ thúc đẩy một gói đàm phán rộng hơn bao gồm các vấn đề như chia sẻ chi phí quốc phòng.
ASEAN: Thận trọng quan sát
Cho đến nay, Việt Nam, Indonesia, Thái Lan, Philippines và Malaysia đều bày tỏ mong muốn đàm phán để tránh mức thuế quan cao.
Ông Ge Hongliang, phó giám đốc Cao đẳng ASEAN tại Đại học Dân tộc Quảng Tây, nói với tờ Thời đại Hoàn cầu rằng Mỹ đã nhiều lần gây sức ép buộc các nước ASEAN về an ninh chuỗi cung ứng, thúc giục họ lựa chọn giữa Trung Quốc và Mỹ. Trong khi hầu hết các thành viên ASEAN đều bày tỏ mong muốn tham gia các cuộc đàm phán với Washington, thì ngày càng có sự đồng thuận trong khối rằng "thuế quan qua lại" làm suy yếu trật tự thương mại toàn cầu.
Ông Ge chỉ ra các nước Đông Nam Á khó có thể dẫn đầu trong các cuộc đàm phán với Mỹ và có nhiều khả năng sẽ áp dụng cách tiếp cận chờ đợi và quan sát. Đồng thời, nội bộ ASEAN đang phối hợp chặt chẽ để ngăn chặn các thành viên riêng lẻ thỏa hiệp với các lợi ích chung của khu vực.
Ấn Độ: Triển vọng đạt thỏa thuận
Trong một tuyên bố mới nhất vào ngày 1/7, Tổng thống Trump hứa hẹn về một thỏa thuận “rất lớn” với Ấn Độ. Tổng thống Trump cho biết Mỹ có thể đạt được thỏa thuận thương mại với Ấn Độ, giúp các công ty Mỹ cạnh tranh tại quốc gia Nam Á này và Ấn Độ có được mức thuế quan thấp hơn nhiều.
Trong một cuộc phỏng vấn với Fox News tuần trước, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent tiết lộ hai nước đang tiến gần tới thỏa thuận giúp giảm thuế hàng Mỹ vào Ấn Độ và tránh mức thuế 26% từng được công bố hồi tháng 4.
Bảo Hà/Báo Tin tức và Dân tộc
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/dam-phan-thuong-mai-giua-my-va-cac-nen-kinh-te-lon-dang-o-dau-khi-han-chot-can-ke-20250702112047464.htm