Đàm phán thương mại Mỹ - Trung: Chiến lược kỳ lạ nhưng hiệu quả?

Đàm phán thương mại Mỹ - Trung: Chiến lược kỳ lạ nhưng hiệu quả?
4 giờ trướcBài gốc
Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent (trái) và Tổng thống Donald Trump tại Nhà Trắng vào ngày 7/3/2025. Ảnh: Getty Images
Theo CNN, việc ông Trump bất ngờ đề cập khả năng giảm thuế quan từ 145% xuống 80% với Trung Quốc tạo cảm giác như thể ông đang tự mình thương lượng với chính mình trước khi cuộc đàm phán bắt đầu. Tuy nhiên, nội dung thực chất của thông điệp này không khiến các nhà đàm phán hàng đầu của ông ngạc nhiên – họ đã thảo luận nội bộ về khả năng giảm thuế Mỹ áp lên Trung Quốc trước thềm cuộc gặp tại Geneva, Thụy Sĩ, bắt đầu ngày 10/5.
Nhưng với các quan chức Trung Quốc, đây rõ ràng là một tin sốc.
Việc Tổng thống Trump "nhường quyền quyết định cuối cùng" cho Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent – như ông viết trong bài đăng – thực chất là một chiêu nhằm nâng vị thế của "Scott B" trong mắt các đối tác Trung Quốc. Trên thực tế, các quan chức Mỹ đều hiểu rõ rằng chính Tổng thống Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mới là hai người cuối cùng phải chốt bất kỳ thỏa thuận lớn nào.
Bộ trưởng Bessent và Đại diện Thương mại Mỹ Jamieson Greer đã hạ cánh xuống Geneva, Thụy Sĩ, để tham dự các cuộc họp kéo dài hai ngày với các quan chức cấp cao Trung Quốc, với mục tiêu hướng đến những kết quả có thể không tham vọng về quy mô, nhưng vẫn có ý nghĩa thiết thực.
Các quan chức Nhà Trắng đã nói rõ rằng họ coi đàm phán với Trung Quốc là một lộ trình riêng biệt, tách biệt khỏi guồng quay hỗn loạn nhằm đạt thỏa thuận thương mại với hàng chục quốc gia khác, trong bối cảnh các cuộc thương lượng đã chính thức bước vào giai đoạn nước rút sau khi ông Trump quyết định tạm hoãn áp thuế đối ứng trong vòng 90 ngày.
Các cố vấn của Tổng thống Mỹ coi những cuộc đàm phán song phương này như một công cụ gây thêm áp lực lên nền kinh tế Trung Quốc, đặc biệt tập trung vào việc đạt các thỏa thuận sớm với các nước Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, bao gồm Hàn Quốc và Nhật Bản.
Cách tiếp cận với Trung Quốc được định hình ngay từ đầu là hoàn toàn khác biệt, tách biệt hẳn với khoảng 20 cuộc đàm phán đang được ưu tiên hàng đầu.
Giới chức chính quyền mô tả tiến trình này là khởi đầu bằng các bước đi mang tính "giảm leo thang" từ cả hai phía, sau đó là các yêu cầu cụ thể dành cho Bắc Kinh nhằm giải quyết những ưu tiên của ông Trump – như vấn đề fentanyl và việc khôi phục thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung giai đoạn 1 đã bị bỏ dở từ nhiệm kỳ đầu.
Những bước đi ban đầu này sẽ đặt nền móng cho các cuộc thảo luận rộng hơn về mối quan hệ kinh tế và thương mại song phương.
“Chúng tôi đang xem liệu có thể tiến tới một trạng thái ổn định hay không, và nếu có, thì đó có thể là nền tảng cho điều gì đó lớn hơn” - Đại diện thương mại Greer nói trong một cuộc phỏng vấn với CNBC hôm 8/5.
Các mối lo ngại trước mắt của Mỹ – như việc Trung Quốc áp kiểm soát xuất khẩu đất hiếm – cũng có thể thúc đẩy những thỏa thuận sơ bộ, nhưng bất kỳ thỏa thuận toàn diện nào, nếu có, cũng sẽ là một tiến trình rất dài hơi.
Tất nhiên, trừ khi ông Trump quyết định làm khác.
Ngoại giao truyền thống đối mặt với “ngoại giao kiểu Trump”
Các cố vấn kinh tế đương nhiệm và tiền nhiệm của chính quyền Mỹ thường mở đầu mọi cuộc thảo luận về đàm phán với một câu quen thuộc: Ông Trump là yếu tố bất định có thể xoay chuyển tình thế bất kỳ lúc nào.
Tuy nhiên, các cố vấn của ông đang dùng cuộc gặp Mỹ - Trung cuối tuần này ở Geneva để mở ra lối thoát khỏi trạng thái tê liệt nguy hiểm đã kéo dài. Họ nhận thấy một số tín hiệu tích cực trước thềm đối thoại – những tín hiệu đến sau nhiều tháng giằng co – và tiến trình lần này diễn ra theo một cách khá quen thuộc, đầy tính kịch bản.
Hai bên cùng thông báo lịch họp gần như đồng thời. Hai bên đều khẳng định rằng các nhà đàm phán hàng đầu của họ chỉ "tình cờ" ghé qua Geneva – một thành phố từ lâu được coi là địa điểm trung lập cho các cuộc đàm phán ngoại giao gay go. Hai bên về cơ bản vẫn giữ các “lằn ranh đỏ” mang tính công khai – dường như đảm bảo rằng sẽ không có tiến triển nào – nhưng lại đồng thời phát đi tín hiệu linh hoạt hơn qua các kênh gián tiếp.
Danh sách các quan chức cấp cao dẫn đầu phái đoàn hai bên là minh chứng rõ ràng nhất cho thấy cuộc đàm phán lần này là nghiêm túc và có khả năng thực chất trong việc tiến tới giảm căng thẳng.
Hà Lập Phong – cố vấn kinh tế hàng đầu của Chủ tịch Tập Cận Bình và là thành viên lâu năm trong “vòng tròn thân cận” của ông – sẽ dẫn đầu phái đoàn Trung Quốc. Vương Tiểu Hồng, Cố vấn an ninh hàng đầu của ông Tập Cận Bình, cũng được cho là sẽ tham dự.
Ông Greer – người từng làm việc với hầu hết các quan chức thương mại và kinh tế Trung Quốc từ nhiệm kỳ đầu đến nhiệm kỳ hai của ông Trump – nhận xét rằng danh sách đại biểu cho thấy đây là “những người nghiêm túc". “Họ cử những nhân vật thực sự để nói chuyện với chúng tôi về những vấn đề thực sự, vậy nên tôi tin rằng chúng tôi sẽ có một cuộc trao đổi thẳng thắn và chân thành”, ông Greer nói trên kênh CNBC.
Bộ trưởng Tài chính Bessent hiện là gương mặt đại diện công khai của đội ngũ kinh tế Trump. Còn Greer – một quan chức thương mại cấp cao từ nhiệm kỳ đầu – mang lại sức nặng tương đương cho phía Mỹ.
Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Kevin Hassett nói với báo giới tại Nhà Trắng rằng phía Trung Quốc đã phát đi những “tín hiệu đầy hứa hẹn” trước thềm hội đàm. Ông gọi bầu không khí chuẩn bị cho cuộc gặp lần này là một môi trường mà cả hai phía đều tiếp cận bằng “sự tôn trọng, tinh thần đồng nghiệp và những phác thảo của các bước phát triển tích cực.”
Mức độ chuyên nghiệp tối thiểu này là một chuyển biến rõ rệt so với tháng đầu tiên trong nhiệm kỳ hai của ông Trump – khi các quan chức Trung Quốc đã cố gắng vô vọng để kết nối với những người đồng cấp Mỹ và các cố vấn thân cận của ông Trump, theo nhiều nguồn tin am hiểu.
Sau đó, cách đáp trả của Trung Quốc – điều mà Tổng thống Trump và các cố vấn của ông đã cảnh báo từ trước – không gây bất ngờ. Nhưng nó đã khoét sâu thêm một rạn nứt trong quan hệ song phương, đe dọa nền kinh tế toàn cầu và đã tạo áp lực đáng kể lên cả hai nền kinh tế trong nước.
Cuối cùng, các quan chức Mỹ cho biết họ nhận được tín hiệu bí mật từ phía Trung Quốc – chính tín hiệu đó đã kích hoạt quá trình chuẩn bị cho cuộc gặp – với một cố vấn an ninh hàng đầu của ông Tập Cận Bình bày tỏ mong muốn phối hợp để giải quyết mối quan ngại lớn của ông Trump về vấn đề fentanyl.
Theo CNN, việc ông Trump luôn bị cuốn hút bởi khả năng đạt một thỏa thuận kinh tế quy mô lớn là đặc điểm nổi bật trong cả hai nhiệm kỳ – và điều này thường khiến các cố vấn cứng rắn nhất trong đội ngũ của ông không hài lòng. Họ cho rằng ông Trump có cái nhìn tỉnh táo và nhắm thẳng vào các điểm yếu về kinh tế - an ninh trong quan hệ với Trung Quốc. Nhưng cũng có vô số ví dụ cho thấy ông sẵn sàng phá vỡ bất kỳ lập trường “diều hâu” nào nếu cần.
Viễn cảnh về một thỏa thuận kinh tế “lớn chưa từng có” với Trung Quốc có thể tiếp tục khiến ông Trump bị cám dỗ. “Cứ coi nó như việc ông ấy từng khao khát đoạt giải Nobel Hòa bình – một thỏa thuận với Trung Quốc sẽ là phiên bản kinh tế của điều đó” - một cựu quan chức Nhà Trắng thời kỳ đầu tiên của Trump bình luận với CNN.
Thu Hằng/Báo Tin tức và Dân tộc
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/the-gioi/dam-phan-thuong-mai-my-trung-chien-luoc-ky-la-nhung-hieu-qua-20250510165534279.htm