Tổng thống Mỹ Donald Trump trên chuyên cơ Không lực Một ngày 1/7 - Ảnh: Reuters
Sự bế tắc trong đàm phán thương mại với Mỹ đang gây áp lực lớn với Chính phủ Nhật. Ngày 2/7, trong cuộc tranh luận của các nhà lãnh đạo đảng do Câu lạc bộ Báo chí Quốc gia Nhật Bản tổ chức, Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba đã bị lãnh đạo Đảng Dân chủ Lập hiến Yoshihiko Noda hỏi về phản ứng của ông trước lập trường cứng rắn của ông Trump.
"Nhật Bản là nhà đầu tư lớn nhất của Mỹ và tạo ra số lượng việc làm tại đây nhiều hơn so với bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới", ông Ishiba phát biểu, ám chỉ đến thương vụ hãng thép Nippon Steel mua lại tập đoàn thép U.S. Steel của Mỹ. "Chúng ta khác biệt so với các quốc gia khác".
Dù ông Trump ủng hộ thương vụ Nippon Steel - U.S. Steel, những phát biểu gần đây của ông làm dấy lên nghi ngờ về triển vọng đột phá trong các cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Nhật.
Phát biểu với các phóng viên đi cùng trên chuyên cơ Không lực Một ngày 1/7 (theo giờ Mỹ), ông Trump chỉ trích Tokyo vì không đồng ý nhập khẩu gạo từ Mỹ và phàn nàn về sự mất cân bằng thương mại trong lĩnh vực ô tô giữa hai nước.
“Chúng tôi đã đàm phán với Nhật Bản. Nhưng tôi không chắc chúng tôi sẽ đạt được thỏa thuận. Tôi nghi ngờ điều đó”, Trump nói.
Cùng ngày, một quan chức Nhà Trắng cũng tiết lộ rằng Washington sẽ hoãn các cuộc đàm phán thương mại với Nhật. Hiện tại, phía Nhật vẫn duy trì lập trường yêu cầu Mỹ miễn hoàn toàn thuế quan với ô tô Nhật. Tuy nhiên, ông Trump không chấp nhận yêu cầu này và tiếp tục phàn nàn về thâm hụt thương mại của Mỹ với Nhật. Những điều này khiến đàm phán song phương rơi vào bế tắc.
Vào cuối tháng 6, Bộ trưởng Tái thiết Kinh tế Nhật Bản Akazawa Ryosei - nhà đàm phán thương mại hàng đầu của nước này - đã tới Washington để thực hiện vòng đàm phán thứ 7. Tuy nhiên, sau đó, ông rời Mỹ mà không gặp được Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent - người đứng đầu đoàn đàm phán của Mỹ.
Theo chính sách thuế đối ứng được ông công bố hôm 2/4, hàng hóa Nhật chịu mức thuế đối ứng 24%. Từ ngày 9/4, thuế suất ở các mức cao trong vòng 90 ngày tới ngày 9/7. Theo các nhà phân tích, với những tuyên bố về việc có thể tăng thêm thuế quan với hàng hóa Nhật, ông Trump đang gây áp lực để buộc Tokyo nhượng bộ.
Hàng hóa từ Nhật vào Mỹ hiện đang chịu mức thuế quan 10%, riêng ô tô và phụ tùng ô tô chịu thuế quan 25%, còn nhôm và thép chịu mức 50%.
Việc ông Trump dọa tăng thuế quan với hàng hóa Nhật - nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới - làm gia tăng lo ngại rằng thương chiến toàn cầu sẽ bùng trở lại nếu không có thỏa thuận nào đạt được trước ngày 9/7 tới.
Trong bối cảnh đàm phán thương mại với Nhật đang bế tắc, Mỹ đang ưu tiên đàm phán với các đối tác khác như Ấn Độ. Theo một nguồn tin từ Bộ Thương mại Ấn Độ tiết lộ với hãng tin Reuters, phái đoàn đàm phán của nước này vẫn đang ở Washington, sau khi thực hiện các cuộc đàm phán vào thứ Năm và thứ Sáu tuần trước.
Nguồn tin cho biết phái đoàn có thể ở lại Mỹ lâu hơn để hoàn tất thỏa thuận thương mại, nhưng khẳng định Ấn Độ sẽ không thảo hiệp trong các vấn đề quan trọng liên quan tới nông sản và sữa. New Delhi sẽ không giảm thuế quan với ngô, đậu nành, gạo và lúa mì biến đổi gen nhập khẩu từ Mỹ.
"Chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi không muốn bị coi là coi nhẹ quyền lợi của nông dân", một nguồn tin cho biết. "Tuy nhiên, Ấn Độ sẵn sàng giảm thuế quan đối với quả óc chó, nam việt quất và các loại trái cây khác, cũng như thiết bị y tế, ô tô và sản phẩm năng lượng".
Còn theo một nguồn tin từ Nhà Trắng, các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Ấn Độ đang "có dấu hiệu sắp đạt được" thỏa thuận và các nhà đàm phán đã được yêu cầu chuẩn bị thông báo về thỏa thuận có thể đạt được.
"Hai bên đã nỗ lực hết sức và mang tính xây dựng để hoàn tất thỏa thuận thương mại. Tôi cho rằng cả hai bên đều hiểu được tầm quan trọng về mặt chiến lược, vượt ngoài mặt kinh tế, của việc hoàn tất một thỏa thuận", nguồn tin tiết lộ.
Trên chuyên cơ Air Force One ngày 1/7, ông Trump cũng bày tỏ tự tin rằng thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và Ấn Độ sẽ giảm thuế quan với hàng hóa từ cả hai nước và giúp các công ty Mỹ cạnh tranh trên thị trường tiêu dùng hơn 1,4 tỷ dân của Ấn Độ.
Trong bối cảnh thời hạn 9/7 ngày càng tới gần, Mỹ mới chỉ đạt được thỏa thuận thương mại với ba nước gồm Anh, Trung Quốc và Việt Nam.
Ngọc Trang