Đồng chí Nguyễn Thái Học - Quyền Bí thư Tỉnh ủy kiểm tra hiện trường vụ sạt lở tại xã Đạ K’nàng, huyện Đam Rông vào tháng 8/2024
Năm 2024, trên địa bàn huyện Đam Rông xảy ra ra 8 đợt thiên tai gây ra 3 vụ sạt lở đất làm chết 3 người; ước thiệt hại tài sản của Nhân dân và Nhà nước do thiên tai gây ra trong năm khoảng 3,6 tỷ đồng. Sau khi thiên tai xảy ra tại các địa bàn, lãnh đạo UBND huyện Đam Rông đã chỉ đạo các đơn vị liên quan và UBND các xã triển khai ngay phương án ứng phó, khắc phục thiệt hại do thiên tai gây ra theo phương châm “Bốn tại chỗ” nên đã cơ bản khắc phục hậu quả sau thiên tai gây ra.
Theo ông Trần Đức Bắc - Phó Chủ tịch UBND huyện Đam Rông, thời gian qua, công tác phòng, chống thiên tai luôn được Thường trực cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm chỉ đạo; Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT & TKCN) huyện được kiện toàn kịp thời, đáp ứng yêu cầu chỉ đạo; các thành viên Ban Chỉ huy đã chủ động bám sát yêu cầu chỉ đạo, nhiệm vụ công tác được phân công gắn với chức năng nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, xây dựng kế hoạch, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra và tổ chức thực hiện nghiêm túc công tác phòng ngừa, ứng phó thiên tai, tìm kiếm cứu nạn. Ban chỉ huy PCTT & TKCN huyện đã chủ động cập nhật, ứng dụng công nghệ thông tin, khai thác tốt các phần mềm theo dõi mưa, hướng gió nên công tác theo dõi, cập nhật tình hình thời tiết bất thường, lượng mưa, lưu lượng nước qua tràn xả lũ của các công trình thủy điện cơ bản kịp thời; góp phần nâng cao hiệu quả công tác thông tin, cảnh báo thiên tai trên địa bàn huyện.
Trong suốt mùa mưa bão, các công trình kết cấu hạ tầng như: hệ thống thông tin liên lạc, hệ thống điện, hồ chứa nước, các công trình giao thông, cầu cống… được vận hành, khai thác bảo đảm an toàn, đáp ứng nhu cầu của Nhân dân. Một số công trình công cộng như đường giao thông, thủy lợi bị sạt lở, bồi lắng đã được đơn vị quản lý vận hành lập phương án khắc phục kịp thời, hiệu quả. Các hiện tượng thời tiết cực đoan được cơ quan Thường trực Ban Chỉ huy cập nhật, thông tin, tham mưu cảnh báo kịp thời, công tác tuyên truyền trong Nhân dân về phòng, chống thiên tai được các cơ quan đơn vị, UBND các xã thường xuyên quan tâm thực hiện.
Đối với các đợt thiên tai xảy ra, cấp ủy, chính quyền từ huyện đến xã nắm bắt và chỉ đạo xử lý, khắc phục kịp thời. Công tác phối hợp giữa Ban Chỉ huy PCTT & TKCN huyện với Ban Quản lý các đập thủy điện trên địa bàn huyện nhịp nhàng, đảm bảo thông tin cảnh báo kịp thời lượng mưa, lưu lượng nước qua tràn xả lũ để người dân biết, chủ động phòng tránh kịp thời.
Song song với đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phòng, chống thiên tai, việc xây dựng các công trình khác như: trường học, đường giao thông, công trình công cộng… đã góp phần hỗ trợ rất lớn đối với công tác ứng phó thiên tai. Bên cạnh đó, các giải pháp phi công trình như: chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu; nhân rộng mô hình tưới tiên tiến tiết kiệm nước trong Nhân dân… trong mùa khô đã góp phần hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra.
“Ý thức của người dân trong công tác phòng, chống thiên tai được nâng cao, trước mùa mưa, bão UBND các xã đã chủ động tuyên truyền, vận động Nhân dân neo chống, gia cố nhà cửa đảm bảo an toàn, tỉa cành, mé tán những cây xanh trong khu dân cư, gần đường giao thông nên đã hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra”, ông Trần Đức Bắc khẳng định.
Tuy nhiên, thực tiễn thực hiện nhiệm vụ này của huyện Đam Rông vẫn còn những hạn chế nhất định. Trong đó có việc vẫn còn một bộ phận Nhân dân còn khó khăn, nhà cửa chưa được xây dựng kiên cố nên vẫn còn thiệt hại khi lốc xoáy xảy ra; một số hộ dân san gạt mặt bằng để xây dựng nhà cửa nhưng xử lý mái taluy chưa đảm bảo an toàn hoặc làm nhà gần chân mái taluy nên rất nguy hiểm trong các mùa mưa bão. Việc cập nhật thông tin, diễn biến của thiên tai ở một số xã có lúc còn chậm, chưa chủ động ứng phó, phòng tránh kịp thời khi thiên tai xảy ra...
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, thời tiết diễn biến ngày càng thất thường, thiên tai phức tạp, khó lường, nhằm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra ngay từ đầu năm 2025, huyện Đam Rông đã chủ động các phương án ứng phó để hoàn thành các mục tiêu nhiệm vụ kinh tế - xã hội trên địa bàn năm 2025. Trong đó tập trung chỉ đạo UBND các xã rà soát, kiểm tra các khu dân cư có nguy cơ xảy ra thiên tai, nhất là sạt lở đất, lũ quét để tuyên truyền, vận động Nhân dân di chuyển đến nơi an toàn trong mùa mưa bão. Đồng thời, chỉ đạo thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan theo dõi, nắm chắc tình hình diễn biến mưa, lũ trên địa bàn nhằm kịp thời thông tin, cảnh báo để UBND các xã, nhất là các xã dọc lưu vực sông Krông Nô, suối Đắk Mê, cơ quan, đơn vị và người dân biết, chủ động ứng phó và triển khai phương án di dời người dân đến nơi an toàn (nếu có). Thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết, tăng cường công tác cảnh báo, dự báo tình hình thời tiết nguy hiểm đến các cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện để chủ động phòng tránh, ứng phó.
UBND huyện cũng chỉ đạo UBND các xã khẩn trương kiểm tra, vận động các hộ dân gia cố, neo chống nhà cửa, nhất là các hộ có nhà bán kiên cố trước mùa mưa bão để chủ động phòng, chống thiên tai; chỉ đạo kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT &TKCN tại địa phương. Rà soát các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, ngập úng, cắm biển cảnh báo để Nhân dân chủ động phòng tránh; xây dựng phương án ứng phó thiên tai cụ thể phù hợp với địa phương, trong đó lưu ý phòng tránh các tình huống lốc xoáy, mưa lớn gây ngập úng, lũ quét...
NGỌC NGÀ