Cảnh trong phim "Đàn cá gỗ"
Phim ngắn Đàn cá gỗ có thời lượng 30 phút, kể về hành trình của nhân vật Cường - một chàng thanh niên trẻ có niềm đam mê mãnh liệt với âm nhạc. Sau khi cha qua đời, anh đã gác lại đam mê âm nhạc, kiếm sống với nghề chài lưới gánh vác gia đình. Nhiều năm sau, anh một lần nữa đứng trước lựa chọn lên thành phố để theo đuổi ước mơ hay ở lại tiếp tục cuộc sống yên bình. Anh buộc phải đưa ra lựa chọn lớn nhất cuộc đời mình.
Từ một biểu tượng văn hóa địa phương…
Với 13 ngày quay tại vùng biển Nghệ An, đạo diễn Thành Đạt đã tái hiện những sắc màu văn hóa địa phương và tinh tế lồng ghép vào những hình ảnh mang ý nghĩa ẩn dụ sâu sắc, thể hiện rõ ngay từ tựa đề phim - Đàn cá gỗ. Đây là một hình ảnh mang tính chất biểu tượng, chứa đựng thông điệp mà đạo diễn muốn truyền tải. Theo chia sẻ của đạo diễn, tên gọi Đàn cá gỗ bắt nguồn từ khoảnh khắc anh bắt gặp những chiếc thuyền chài lặng lẽ rời bến lúc tinh mơ. Trong mắt anh, mỗi con thuyền như một chú cá bằng gỗ, được đẽo từ gỗ lim, gỗ sến - thứ vật liệu quen thuộc của biển, bền bỉ trước sóng gió, bão giông. Khi các thuyền nối đuôi nhau lướt đi trên mặt nước, hình ảnh ấy vừa bình dị, vừa gợi nhắc một vẻ đẹp đầy ám ảnh, mang theo khí chất kiên cường của con người miền biển.
Nhân vật Cường trong phim "Đàn cá gỗ"
"Cá gỗ" vốn là biểu tượng không quá xa lạ với người Việt. Người học trò khi xưa vì để tiết kiệm đã khắc con cá bằng gỗ để ăn với mắm qua ngày, dành tiền mua sách, cuối cùng đã đỗ cao trong kỳ thi. Từ đó, "cá gỗ" đã trở thành biểu tượng của sự tiết kiệm, sự nỗ lực vươn lên và tinh thần hiếu học. Không những vậy, cá vốn là biểu tượng của sự linh hoạt, sinh động nhưng con cá bằng gỗ lại thiếu đi sự sống, chỉ mang hình dáng của cá chứ không có hồn. Biểu tượng cá gỗ gợi lên hình ảnh của con người có hoài bão nhưng bị giam cầm, kìm hãm, mang trong mình tài năng nhưng lại không thể thỏa chí vùng vẫy trong biển.
Đó cũng chính là hình ảnh của nhân vật Cường trong bộ phim. Một chàng thanh niên từng đấu tranh cho hoài bão cá nhân nay đã trưởng thành, đem tình yêu âm nhạc thành động lực để tiếp tục ra khơi đánh cá, nuôi sống gia đình nhỏ.
… đến một hiện tượng mới của phim ngắn
Trong bối cảnh phim ngắn thường bị giới hạn bởi thời lượng và kinh phí, Đàn cá gỗ nổi bật như một hiện tượng mới của thể loại này tại Việt Nam - không chỉ vì chiều sâu nội dung mà còn ở ngôn ngữ điện ảnh mạch lạc, tinh tế và đậm chất thơ, được kiến tạo bởi bàn tay của đạo diễn trẻ Nguyễn Phạm Thành Đạt.
Khác với nhiều phim ngắn chọn lối tiếp cận thị trường hoặc gây ấn tượng bằng sự kịch tính, Thành Đạt theo đuổi một con đường độc lập và đầy bản lĩnh: Kể những câu chuyện rất đỗi đời thường bằng hình ảnh tối giản nhưng giàu sức biểu cảm. Anh không đặt nặng việc tạo cú ngoặt kịch bản hay thoại ấn tượng, mà để hình ảnh, ánh sáng và khoảng lặng dẫn dắt cảm xúc. Đó là lựa chọn mạo hiểm với một nhà làm phim trẻ, nhưng đồng thời cũng là dấu hiệu cho thấy sự chín muồi trong quan điểm nghệ thuật: Điện ảnh không phải để minh họa thông điệp, mà là không gian mở cho trực giác và trải nghiệm.
Phong cách làm phim của Thành Đạt thể hiện rõ ở việc không cường điệu hóa hiện thực, mà lặng lẽ ghi lại từng chi tiết trong đời sống ven biển miền Trung: Một ánh mắt mỏi mệt, tiếng sóng đều đều, vết chai tay, hay bữa cơm lặng lẽ giữa hai vợ chồng. Máy quay tối giản chuyển động, ánh sáng tự nhiên được tận dụng khéo léo, bảng màu trung tính gợi nên cảm giác trầm lắng, u uất mà cũng đầy chất thơ. Mỗi khung hình đều mang hai lớp ý nghĩa - vừa là hiện thực cụ thể, vừa chất chứa nội tâm và biểu tượng. Đó chính là ngôn ngữ hình ảnh giản dị mà giàu sức nặng, điều mà nhiều phim ngắn thường khó đạt được do thời lượng hạn chế.
Cảnh trong phim "Đàn cá gỗ"
Không dừng lại ở việc xây dựng một câu chuyện chỉn chu, ê-kíp làm phim - đặc biệt là sự phối hợp giữa đạo diễn Thành Đạt và đạo diễn hình ảnh Trần Thế Anh - đã tạo nên một tổ chức hình ảnh nhất quán, sâu sắc và mang tính triết lý cao. Góc máy luôn biết lùi lại để nhân vật đối diện với không gian mênh mông của biển cả, như một ẩn dụ cho sự nhỏ bé và bất lực trước định mệnh. Chính từ đây, nhân vật Cường hiện lên với đầy mâu thuẫn nội tâm giữa khát vọng vươn ra và sự ràng buộc không thể thoát.
Thành công của Đàn cá gỗ không chỉ nằm ở mặt nghệ thuật, mà còn ở hiệu ứng truyền thông đáng kể đối với một tác phẩm phim ngắn độc lập. Bộ phim đã nhanh chóng thu hút sự chú ý trên các nền tảng trực tuyến, tạo nên làn sóng chia sẻ tích cực trong cộng đồng yêu điện ảnh. Đặc biệt, quá trình sản xuất tại vùng biển Nghệ An - với lịch quay kéo dài 13 ngày, trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt - cho thấy tinh thần nghiêm túc và không thỏa hiệp với chất lượng của đoàn làm phim. Họ không chấp nhận "xử lý hậu kỳ" để bù đắp, mà kiên trì quay lại từng cảnh đến khi đạt được đúng ý đồ nghệ thuật.
Chính sự chỉn chu ấy đã giúp Đàn cá gỗ vượt khỏi giới hạn một phim ngắn, trở thành một dấu mốc nhỏ nhưng đáng nhớ của dòng phim độc lập Việt Nam: Sâu sắc, chân thật và mang hơi thở địa phương rõ rệt.
Phương Trang - Việt Hằng