Trước kia, mỗi ca bệnh nặng ở đảo Lý Sơn là bắt đầu một cuộc chạy đua với tử thần. Khi đó, người dân phải thuê tàu siêu tốc với chi phí hàng chục triệu đồng, bất chấp sóng to gió lớn để đưa người thân vào đất liền điều trị.
Giờ đây những vất vả ấy không còn khi ngay trên đảo đã có một trung tâm y tế hiện đại, khang trang.
Không còn nỗi ám ảnh mỗi khi đi cấp cứu
Lý Sơn – huyện đảo tiền tiêu của tỉnh Quảng Ngãi – nằm cách đất liền khoảng 15 hải lý, là nơi sinh sống của hơn 22.000 người. Hòn đảo là điểm đến du lịch nổi tiếng, nhưng cứ mỗi mùa mưa bão, Lý Sơn gần như bị cô lập hoàn toàn. Những ca cấp cứu trở thành nỗi ám ảnh.
Toàn cảnh đảo Lý Sơn.
“Khi chưa có nhiều máy móc y tế hiện đại, bệnh nhân có dấu hiệu chấn thương nặng là phải chuyển vào đất liền ngay. Một chuyến thuê tàu đi cấp cứu như vậy mất gần 20 triệu đồng, chưa kể rủi ro giữa biển”, bác sĩ Trần Thành Tân, Trưởng khoa Dược – Cận lâm sàng Trung tâm Y tế quân dân y huyện Lý Sơn kể lại.
Trước thực trạng đó, tỉnh Quảng Ngãi đã đầu tư xây dựng Trung tâm Y tế quân dân y huyện Lý Sơn trên diện tích hơn 13.000m², tổng vốn gần 287 tỉ đồng. Với quy mô 100 giường bệnh, nhiều thiết bị hiện đại như máy CT 32 lát cắt, X-quang kỹ thuật số, máy siêu âm 4D…, trung tâm đạt tiêu chuẩn bệnh viện hạng III cấp huyện.
Trung tâm Y tế quân dân y huyện Lý Sơn khang trang, hiện đại.
Câu chuyện gần đây nhất là một nam thanh niên bị tai nạn giao thông được đưa vào trung tâm trong đêm mưa gió. Nếu như trước đây, với những triệu chứng nghi ngờ chấn thương sọ não, bệnh nhân sẽ phải chuyển tuyến khẩn cấp vào đất liền để chụp CT (chụp cắt lớp), điều trị. Gia đình sẽ phải “cắn răng” chi gần 20 triệu đồng cho một chuyến thuê tàu vượt biển vào đất liền cấp cứu, bất chấp hiểm nguy giữa biển khơi.
Nhưng lần này, bệnh nhân được các bác sĩ đưa đi chụp CT não ngay tại đảo bằng hệ thống máy hiện đại. Sau khi có kết quả, các bác sĩ loại trừ được tình trạng chấn thương sọ não nên giữ bệnh nhân lại để điều trị, không phải chuyển tuyến vào đất liền.
“Những thiết bị mới đã giúp chẩn đoán chính xác và xử lý chấn thương ngay tại chỗ. Trước đây, bệnh nhân phải chuyển tuyến rất nhiều, nay đã giảm đáng kể. Vừa giảm chi phí đi lại, vừa đỡ nguy hiểm cho người dân”, bác sĩ Tân nói.
Cứu người tại chỗ, an dân lâu dài
Sau hơn một năm đưa vào vận hành, Trung tâm Y tế quân dân y huyện Lý Sơn ghi nhận công suất sử dụng giường bệnh thường xuyên đạt 70–75%, mỗi ngày tiếp nhận hàng trăm lượt bệnh nhân nội và ngoại trú.
Bà Bùi Thị Tứ (thôn Đông An Hải) bị bệnh mãn tính, thường xuyên đến Trung tâm để điều trị bệnh, lấy thuốc. Bà chia sẻ: "Được khám bệnh ở nơi có cơ sở vật chất khang trang, hiện đại, gần nhà và được y bác sĩ tư vấn rất nhiệt tình, tôi rất hài lòng".
Nhiều máy móc, thiết bị hiện đại được đầu tư vào khám, chữa bệnh giúp người dân Lý Sơn an tâm.
Còn theo bà Lê Thị Dược (trú thôn Tây An Hải), xây trung tâm y tế để phục vụ người dân trên đảo là việc làm cần thiết và đúng đắn.
"Từ khi có trung tâm, người dân Lý Sơn vô cùng an tâm, không còn cảnh lo lắng về sự thiếu thốn thuốc, vật tư y tế hay lo đến những chuyến tàu hàng chục triệu đồng để chở người vào đất liền cấp cứu", bà Dược nói.
Hiện trung tâm có hơn 80 cán bộ y tế, trong đó có 14 bác sĩ thuộc 7 khoa chuyên môn. Ngoài ra, vào mùa mưa bão, tỉnh còn điều động y, bác sĩ từ các bệnh viện tuyến tỉnh ra hỗ trợ kịp thời các ca bệnh nặng.
Từ khi có Trung tâm y tế hiện đại, người dân đảo Lý Sơn đã quên dần những chuyến tàu vượt sóng gió vào đất liền cấp cứu.
Ông Dương Tiến Thuận, Giám đốc Trung tâm cho biết: “Với điều kiện đảo xa, nhiều khó khăn, chúng tôi luôn quán triệt y đức, nâng cao tinh thần phục vụ. Chỉ những ca thực sự phức tạp mới phải chuyển tuyến”.
Cần chính sách để giữ chân y, bác sĩ
Là địa phương đặc thù, huyện đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) đã đầu tư xây dựng Trung tâm Y tế quân dân y kết hợp với quy mô 100 giường bệnh, trang thiết bị hiện đại, đáp ứng tiêu chuẩn bệnh viện cấp huyện hạng III. Tuy nhiên, công tác khám chữa bệnh trên đảo vẫn gặp nhiều khó khăn do điều kiện đi lại cách trở.
Bà Phạm Thị Hương, Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn, cho biết địa phương luôn quan tâm chăm lo đời sống tinh thần cho đội ngũ nhân viên y tế. Mặc dù chế độ chính sách do Sở Y tế quản lý, huyện vẫn thường xuyên thăm hỏi, động viên và hỗ trợ một phần chi phí bồi dưỡng chuyên môn. Ngoài ra, huyện cũng kêu gọi xã hội hóa để mua thêm trang thiết bị, phục vụ tốt hơn cho công tác khám, chữa bệnh.
"Về mặt chuyên môn, huyện đã đề xuất Bộ Quốc phòng, Quân khu 5 tăng cường y bác sĩ ra đảo Lý Sơn để hỗ trợ nhân lực y tế. Về mặt vật chất, do nguồn lực hạn chế, huyện chủ yếu tổ chức các hoạt động tinh thần vào dịp lễ, Tết, đồng thời đảm bảo các chế độ chính sách theo quy định cho nhân viên công tác tại biển đảo" - bà Hương chia sẻ.
Bên cạnh đó, bà Hương cho rằng, ngoài đãi ngộ, cần cơ chế đào tạo và giữ chân bác sĩ là con em địa phương. “Chỉ những người sinh ra từ đất này mới thật sự hiểu và gắn bó lâu dài. Muốn chăm sóc tốt cho người dân và hàng trăm nghìn du khách mỗi năm, phải có chính sách đủ mạnh để thu hút người giỏi về đảo làm việc”, bà Hương nói.
NGUYỄN YÊN