Theo các quan chức Mỹ, Tổng thống đắc cử Donald Trump có ý định nghiêm túc về việc mua đảo Greenland vì lợi ích quốc gia lâu dài của Mỹ. Ảnh minh họa: REUTERS/TTXVN
Theo nhiều quan chức Đan Mạch nói với CNN, các đồng minh và cố vấn của ông Trump đang cảnh báo giới chức Đan Mạch rằng ông nghiêm túc với ý tưởng mua Greenland. Đáp lại, Helsinki đang cân nhắc cẩn thận cách phản ứng mà không gây ra sự rạn nứt lớn với một đồng minh thân cận và là thành viên chủ chốt của NATO.
Tham vọng Greenland "nghiêm túc hơn"
"Hệ sinh thái hỗ trợ ý tưởng này hiện hoàn toàn khác" so với năm 2019, khi ông Trump lần đầu đề xuất - một quan chức cấp cao của Đan Mạch cho biết. "Chuyện này có vẻ nghiêm trọng hơn nhiều", một quan chức cấp cao khác nói.
Hôm 7/1, ông Trump phát biểu rằng "chúng ta cần Greenland vì mục đích an ninh quốc gia". "Mọi người thực sự thậm chí không biết liệu Đan Mạch có bất kỳ quyền hợp pháp nào đối với nó [Greenland] hay không, nhưng nếu họ có, họ nên từ bỏ, bởi vì chúng ta cần nó cho an ninh quốc gia", ông Trump nói tại một cuộc họp báo ở Mar-a-Lago.
Khi được hỏi về những bình luận nói trên, ngày 8/1, Ngoại trưởng Mỹ sắp mãn nhiệm Antony Blinken cho biết "ý tưởng được nêu ra về Greenland rõ ràng không phải là ý tưởng hay, nhưng có lẽ quan trọng hơn, rõ ràng là điều đó sẽ không xảy ra, vì vậy có lẽ chúng ta không nên lãng phí nhiều thời gian để nói về nó".
Các quan chức Đan Mạch cho biết họ không nhất thiết phải đồng ý, với một cuộc trò chuyện thẳng thắn về những phát biểu của ông Trump, thay vì cho rằng ông không nghiêm túc, và đó có thể sẽ là cách duy nhất để ngăn chặn một cuộc khủng hoảng.
Trên tinh thần đó, Ngoại trưởng Đan Mạch Lars Lokke Rasmussen đã ám chỉ hôm 8/1 rằng đất nước ông muốn thảo luận nhiều hơn về vấn đề này với chính quyền Tổng thống Trump sắp tới. "Chúng tôi sẵn sàng đối thoại với người Mỹ về cách chúng tôi có thể hợp tác chặt chẽ hơn nữa để đảm bảo rằng các tham vọng của Mỹ được thực hiện", Ngoại trưởng Rasmussen nói với các phóng viên.
Mỹ từ lâu đã hợp tác chặt chẽ với Đan Mạch ở Bắc Cực và ở Greenland, nơi Washington duy trì căn cứ quân sự Bắc cực của mình.
Ngày 7/1, ông Trump cũng cảnh báo rằng Đan Mạch có thể phải đối mặt với mức thuế quan cao nếu không từ bỏ quyền kiểm soát Greenland và ông không loại trừ hành động quân sự để chiếm hòn đảo bằng vũ lực.
Ông Donald Trump Jr. (giữa), con trai Tổng thống đắc cử Trump, chụp ảnh ở Greenland vào ngày 7/1 và đăng lên trang cá nhân mạng X. Ảnh: X
Cùng ngày, con trai cả của ông, Donald Trump Jr., đã đến thăm Greenland với tư cách cá nhân - một chuyến đi được các quan chức Đan Mạch theo dõi chặt chẽ nhưng không liên quan đến bất kỳ cuộc họp chính thức nào của chính phủ.
Trong một dấu hiệu cho thấy ông muốn tham gia vào vấn đề này như thế nào, Tổng thống đắc cử Mỹ đã gọi đến cuộc họp mà ông Trump Jr. tham dự cùng với cư dân Nuuk, Greenland hôm 8/1, nói rằng Mỹ và thế giới "cần" Greenland vì nơi này có vị trí chiến lược.
Nguyên nhân sâu xa ý định của ông Trump
Những bình luận của ông Trump đã tạo ra căng thẳng với các đối tác và đồng minh của Mỹ. Thủ hiến Greenland, Mute Egede, hôm 7/1 đã phát tín hiệu rằng vùng lãnh thổ này không muốn tham gia vào cuộc đấu chính trị qua lại giữa Mỹ và Đan Mạch.
"Greenland thuộc về người dân Greenland", ông Egede nói.
Pháp và Đức cũng đã phản hồi vào ngày 8/1. Thủ tướng Đức Olaf Scholz nói rằng: "Nguyên tắc bất khả xâm phạm biên giới áp dụng cho mọi quốc gia... bất kể đó là quốc gia rất nhỏ hay rất hùng mạnh", trong khi Ngoại trưởng Pháp Jean-Noël Barrot phát biểu: "Rõ ràng là không có nghi ngờ gì về việc Liên minh châu Âu sẽ không để các quốc gia khác trên thế giới tấn công biên giới có chủ quyền của mình".
Greenland từ lâu đã được coi là chìa khóa cho lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ, đặc biệt là trong nỗ lực đẩy lùi một cuộc tấn công tiềm tàng mà Mỹ lo ngại từ Nga. Nhưng theo một cựu cố vấn cấp cao của ông Trump, trong nhiệm kỳ đầu tiên, các quan chức an ninh quốc gia của ông còn đặc biệt lo ngại về các hoạt động của Trung Quốc ở Bắc Cực, và cho đó là một mối đe dọa tương đối mới.
Mặc dù vậy, các quan chức Mỹ và Đan Mạch cho biết họ vẫn không hiểu nỗi ám ảnh của tổng thống đắc cử về việc mua lại Greenland, điều mà ông Trump gọi là "một điều hoàn toàn cần thiết" trong khi Mỹ đã có một thỏa thuận quốc phòng kéo dài hàng thập kỷ với lãnh thổ này cho phép Washington có hiện diện quân sự đáng kể - bao gồm cả quân đội và hệ thống radar - trên hòn đảo lớn nhất thế giới.
Nhưng một quan chức quốc phòng Mỹ cũng thừa nhận rằng có lo ngại về động thái của Greenland hướng tới độc lập khỏi Đan Mạch, một đồng minh lớn của Mỹ và NATO. Nếu Greenland giành được độc lập, điều đó có thể khiến hòn đảo này trở nên bất ổn về mặt chính trị hơn - và dễ chịu ảnh hưởng hơn từ Nga và Trung Quốc.
“Đan Mạch là một đồng minh kiên cường của NATO, và chừng nào Greenland vẫn là một phần của Vương quốc Đan Mạch, như hiện tại, và là một phần của NATO, thì chúng ta không kém an toàn trong tình huống đó”. Nhưng mối quan hệ giữa Mỹ và Greenland có thể trở nên "mơ hồ" hơn nếu Greenland quyết định tuyên bố độc lập, vị quan chức trên cho biết. "Chúng tôi nhận ra rằng có một số kiểu chuyển đổi đang diễn ra trong bối cảnh tình hình địa chính trị mà chúng tôi chưa từng thấy trong một thời gian khá dài. Và mọi người đang đặt ra câu hỏi".
Bản đồ thể hiện lục địa Bắc Mỹ, gồm Mỹ, Canada, và đảo Greenland. Ảnh: Skynews
Thách thức và cơ hội từ Greenland
Hợp tác quân sự giữa Trung Quốc và Nga ở Bắc Cực mới chỉ phát triển trong 5 năm qua. Trung Quốc và Nga thường xuyên tiến hành các cuộc tuần tra chung trên không ở đó, và vào tháng 10, Lực lượng bảo vệ bờ biển Trung Quốc tuyên bố họ đã lần đầu tiên tiến vào vùng biển Bắc Băng Dương cùng với người Nga. Lầu Năm Góc đã cảnh báo trong chiến lược Bắc Cực vào tháng 7 năm ngoái rằng sự hợp tác này có "khả năng thay đổi bức tranh ổn định của Bắc Cực".
Biến đổi khí hậu cũng đang làm tan băng và mở ra các tuyến đường thủy mới ở Bắc Cực, khiến nơi đây trở thành khu vực tranh chấp gay gắt hơn về vận chuyển và thể hiện sức mạnh quân sự.
Tuy nhiên, việc tiếp quản quyền quản lý an ninh của Greenland sẽ là một gánh nặng đối với Mỹ, đòi hỏi phải có nhiều nguồn đầu tư khổng lồ. Hải quân Hoàng gia Đan Mạch hiện đang chịu trách nhiệm tuần tra vùng biển xung quanh Greenland và phá băng xung quanh bờ biển của nước này, một trách nhiệm mà Mỹ có thể sẽ phải đảm nhận với đội tàu phá băng cũ kỹ của mình.
Quan chức quốc phòng trên cho biết, ít nhất thì những bình luận của Trump đã làm tăng thêm tính cấp bách cho một cuộc thảo luận vốn đã quan trọng về giá trị của Bắc Cực đối với lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ.
Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo CNN)