Phát biểu này được đưa ra sau khi Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump không loại trừ khả năng sử dụng sức mạnh quân sự hoặc kinh tế để kiểm soát hòn đảo Bắc Cực giàu tài nguyên này.
Nanortalik có nghĩa là "Nơi của Gấu Bắc Cực", là một thị trấn ở miền nam Greenland với 1.185 cư dân vào năm 2020. Ảnh: JFGryphon .
Hôm thứ Tư, Thủ tướng Greenland Mute Egede đã gặp nhà vua Đan Mạch tại Copenhagen, chỉ một ngày sau khi phát ngôn của ông Trump.
Ngày 7/1, ông Trump cho biết sẽ không loại trừ biện pháp quân sự hoặc kinh tế để biến Greenland thành một phần của Mỹ. Cùng ngày, con trai lớn của ông, Donald Trump Jr., đã có chuyến thăm riêng đến Greenland.
Tầm quan trọng chiến lược
Greenland, hòn đảo lớn nhất thế giới với dân số chỉ 57.000 người, là một phần của Đan Mạch trong hơn 600 năm. Tuy nhiên, chính quyền Greenland hiện tự quản lý các vấn đề nội bộ và đang đặt mục tiêu đạt được độc lập trong tương lai.
Do vị trí chiến lược ở Bắc Cực, Greenland đóng vai trò quan trọng đối với hệ thống cảnh báo tên lửa đạn đạo của Mỹ và là thành viên NATO thông qua Đan Mạch.
"Chúng tôi công nhận Greenland có những tham vọng riêng. Nếu điều đó thành hiện thực, Greenland sẽ trở thành quốc gia độc lập, nhưng không có tham vọng trở thành một bang của Mỹ", Ngoại trưởng Đan Mạch Lars Lokke Rasmussen phát biểu.
Ông Rasmussen cũng thừa nhận Mỹ có lý do chính đáng để tăng cường quan tâm đến Bắc Cực, trong bối cảnh Nga và Trung Quốc gia tăng hoạt động tại khu vực này.
Những ngôi nhà gỗ đầy màu sắc ở Upernavik, Greenland. Ảnh: D-Stanley
Quan hệ giữa Greenland và Đan Mạch thời gian gần đây gặp nhiều căng thẳng, với những cáo buộc về việc đối xử không công bằng đối với người dân Greenland. Thủ tướng Egede khẳng định: "Greenland không phải để bán", đồng thời nhấn mạnh mục tiêu độc lập trong bài phát biểu chào năm mới.
Bộ trưởng Tài chính Greenland, Erik Jensen, cũng lặp lại quan điểm này: "Ước mơ của chúng tôi là trở thành quốc gia độc lập. Nhưng tham vọng không phải là chuyển từ sự quản lý của một quốc gia này sang một quốc gia khác".
Trong khi đó, Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen bác bỏ khả năng Mỹ can thiệp quân sự vào Greenland và nhấn mạnh rằng tương lai của hòn đảo sẽ do chính người dân Greenland quyết định.
Phản ứng quốc tế
Phát ngôn của ông Trump khiến nhiều đồng minh châu Âu lo ngại. Ngoại trưởng Pháp Jean-Noël Barrot tuyên bố: "Châu Âu sẽ không để bất kỳ quốc gia nào xâm phạm lãnh thổ của mình". Thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng bày tỏ sự ngạc nhiên trước ý định của ông Trump, khẳng định các đối tác châu Âu nhất trí tôn trọng sự bất khả xâm phạm của biên giới.
Nhà vua Đan Mạch vẫn được người dân Greenland yêu mến nhờ những chuyến thăm dài ngày tới đảo, bao gồm một cuộc thám hiểm kéo dài bốn tháng trên băng. Gần đây, hoàng gia Đan Mạch đã thay đổi quốc huy, làm nổi bật hình ảnh chú gấu Bắc Cực – biểu tượng của Greenland.
Damien Degeorges, chuyên gia về Greenland tại Reykjavik, cho biết: "Nhà vua rất được lòng người dân Greenland và có thể đóng vai trò tích cực trong mối quan hệ giữa Đan Mạch và Greenland".
Phát ngôn của ông Trump cũng khiến nhiều người dân Đan Mạch bất ngờ. "Tôi thấy điều này thật lố bịch", Jeppe Finne Sorenson, một kỹ sư dữ liệu tại Copenhagen, chia sẻ. "Chúng ta là đồng minh. Những tuyên bố như vậy không thể hiện sự tôn trọng".
Hồng Hạnh (theo CFR, BBC, Politico)