Dân nghiệp dư chơi pickleball, tennis, chạy bộ dễ bị đột quỵ do đâu?

Dân nghiệp dư chơi pickleball, tennis, chạy bộ dễ bị đột quỵ do đâu?
5 giờ trướcBài gốc
Chạy xong đỡ mất ngủ, mệt mỏi
Mỗi buổi sáng sớm, anh Đinh Văn Vũ (36 tuổi, nhân viên văn phòng tại Hà Nội) đều duy trì thói quen chạy bộ quanh hồ công viên gần nhà.
Anh chia sẻ: "Tôi bắt đầu chạy từ ba năm trước, khi thường xuyên bị đau lưng và huyết áp cao. Lúc đầu chỉ chạy nhẹ nhàng 1-2km, rồi nâng dần lên 5km mỗi ngày. Từ khi duy trì đều đặn, tôi cảm thấy cơ thể khỏe hơn, ít ốm vặt và tinh thần cũng tích cực hơn rất nhiều".
Tập thể thao vừa sức, đúng cách có thể nâng cao sức khỏe cho người chơi.
Không chỉ tập luyện hằng ngày, anh Vũ còn thường xuyên đăng ký tham gia các giải chạy phong trào. Mỗi sự kiện là một cột mốc mới giúp anh có thêm động lực duy trì lối sống lành mạnh, đồng thời gặp gỡ nhiều người bạn cùng đam mê thể thao.
Tương tự, chị Nguyễn Thị Quế Phượng (45 tuổi, phóng viên tại Hà Nội) bắt đầu chạy bộ cách đây một năm sau khi sinh con thứ ba.
"Trước đây tôi hay cảm thấy mệt mỏi, mất ngủ. Từ khi tham gia câu lạc bộ chạy của khu phố, tôi tranh thủ chạy ba buổi mỗi tuần vào chiều tối. Vài tháng gần đây tôi còn đăng ký một số giải chạy ngắn 3-5km để rèn luyện thêm.
Giờ thì tôi thấy khỏe mạnh, nhẹ nhàng, da dẻ hồng hào hơn và quan trọng nhất là không còn phụ thuộc vào thuốc bổ như trước", chị Phượng hào hứng chia sẻ
Sự lan tỏa từ những người yêu thể thao như anh Vũ và chị Phượng đã tạo nên một phong trào tích cực trong cộng đồng, đặc biệt tại các giải chạy phong trào địa phương.
Ông Lê Văn Quang, đại diện ban tổ chức giải chạy "Vì sức khỏe cộng đồng" cho biết: Việc tổ chức một giải chạy không chỉ đơn thuần là sự kiện thể thao, mà còn là dịp tuyên truyền về chăm sóc sức khỏe chủ động.
"Giải thường niên "vì sức khỏe cộng đồng" với quy mô 1.000-2.000 người tham gia hàng năm. Khâu chuẩn bị y tế luôn được đặt lên hàng đầu, trước ngày chạy, tất cả vận động viên đều được khám sức khỏe tổng quát miễn phí, đo huyết áp, tư vấn dinh dưỡng.
Trong ngày thi đấu, chúng tôi bố trí các tổ cấp cứu lưu động, đội ngũ bác sĩ chuyên ngành và xe cứu thương tại nhiều điểm trên đường chạy. Điều này nhằm đảm bảo xử lý nhanh các tình huống phát sinh như chuột rút, ngất xỉu hoặc các sự cố tim mạch bất ngờ", ông Quang chia sẻ.
Tập đúng cách, đừng quá sức
Thể thao là liều thuốc quý cho sức khỏe thể chất và tinh thần. Tuy nhiên, nếu không lắng nghe cơ thể, rèn luyện quá sức hoặc chủ quan trước những dấu hiệu cảnh báo, hậu quả đôi khi không thể lường trước.
Tập luyện quá sức, không đúng cách hay bỏ qua các dấu hiệu cảnh báo sức khỏe có thể trở thành hiểm họa khó lường.
Một vận động viên nam 47 tuổi tại Hà Tĩnh đã bất ngờ tử vong khi đang tham gia một trận thi đấu Pickleball cùng bạn bè. Khi sự việc xảy ra, dù được sơ cứu kịp thời và đưa đi cấp cứu nhưng nạn nhân vẫn không qua khỏi. Theo xác nhận của bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh, bệnh nhân có bệnh lý về tim mạch.
Từ sự việc trên, bác sĩ khuyến cáo người có tiền sử bệnh tim mạch hoặc bệnh nền cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi tham gia hoạt động thể thao.
Tương tự, vận động viên N.T.P (sinh năm 1972, trú ở huyện Quảng Điền, TP Huế) trong quá trình tham gia giải chạy Marathon Hue 2025 tại TP Huế đã tử vong.
Sau khi đưa bệnh nhân vào bệnh viện, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân bị xuất huyết dưới nhện do vỡ phình động mạch thông trước (kèm 1 túi phình động mạch não giữa trái), tổn thương não lan tỏa do ngưng tim kéo dài.
Đây chỉ là 2 trường hợp xảy ra gần đây nhất và không phải là lần đầu tiên người tham gia thể thao có người gặp nạn. Thực tế từng ghi nhận nhiều bệnh nhân đột quỵ, tử vong khi đang chạy bộ, chơi pickleball, tennis.
Bác sĩ Võ Tường Kha, chuyên gia Y học Thể thao tại Hà Nội cho biết: Việc tập luyện thể dục thể thao đúng cách mang lại rất nhiều lợi ích như tăng cường tim mạch, nâng cao sức đề kháng, cải thiện tinh thần và kiểm soát bệnh mạn tính. Tuy nhiên, không ít người vì nôn nóng đạt kết quả nhanh hoặc chủ quan với sức khỏe của mình đã rơi vào tình huống nguy hiểm.
"Tập luyện quá sức, không khởi động kỹ, không bổ sung đủ nước hoặc tập trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt đều có thể dẫn đến các tình trạng như đột quỵ, ngừng tim, tụt huyết áp, thậm chí tử vong. Đặc biệt, người trung niên hoặc có tiền sử bệnh lý càng cần thận trọng", bác sĩ Kha cảnh báo.
Bác sĩ Kha khuyến nghị, trước khi tham gia bất kỳ hoạt động thể thao nào, đặc biệt là thi đấu, người chơi nên tiến hành kiểm tra sức khỏe định kỳ, đặc biệt là tim mạch, huyết áp và hệ hô hấp. Trong quá trình tập, cần lắng nghe cơ thể, nếu thấy chóng mặt, mệt mỏi bất thường, đau tức ngực hay khó thở, phải dừng lại ngay và đi khám.
Ngoài ra, cần khởi động đúng cách, duy trì mức tập phù hợp với thể trạng và không tập luyện khi thời tiết quá nóng hoặc quá lạnh. Những người có bệnh lý tim mạch nên lựa chọn các môn thể thao nhẹ nhàng như đi bộ, yoga, bơi lội, đạp xe với cường độ vừa phải.
"Thể thao là hành trình bền bỉ, không phải cuộc chạy nước rút. Lắng nghe cơ thể chính là cách để biến việc rèn luyện trở thành bạn đồng hành của sức khỏe, chứ không phải cái bẫy tiềm ẩn hiểm họa," bác sĩ Kha nhấn mạnh.
Huy Trung
Nguồn Xây Dựng : https://baoxaydung.vn/dan-nghiep-du-choi-pickleball-tennis-chay-bo-de-bi-dot-quy-do-dau-192250425120029593.htm