Dân số Trung Quốc giảm 3 năm liên tiếp

Dân số Trung Quốc giảm 3 năm liên tiếp
15 giờ trướcBài gốc
Dân số giảm và già hóa đang là một thách thức lớn của Trung Quốc - Ảnh: Bloomberg.
Dân số Trung Quốc giảm năm thứ ba liên tiếp trong năm 2024, với số người chết nhỉnh hơn số trẻ em được sinh ra. Giới chuyên gia cảnh báo xu hướng này sẽ tăng tốc trong những năm tới, tiếp tục đặt ra thách thức đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Số liệu do Tổng cục Thống kê Trung Quốc (NBS) công bố ngày 17/1 cho thấy dân số Trung Quốc giảm 1,39 triệu người trong năm ngoái, còn 1,408 tỷ người, từ mức 1,409 tỷ người trong năm 2023.
Sự suy giảm dân số làm gia tăng mối lo ngại rằng Trung Quốc sẽ đương đầu với thách thức kinh tế khi lực lượng lao động và người tiêu dùng giảm sút. Chi phí chăm sóc người cao tuổi và lương hưu gia tăng cũng dẫn tới gánh nặng lớn hơn đối với các chính quyền địa phương vốn dĩ đã nặng nợ ở nước này.
Tổng số ca sinh ở Trung Quốc trong năm 2024 là 9,54 triệu ca, tăng so với 9,02 triệu ca của năm 2023. Tỷ suất sinh (birth rate) tăng lên mức 6,77 trẻ/1.000 dân, so với mức 6,39 trẻ/1.000 dân trong năm 2023. Số ca chết là 10,93 triệu ca trong năm 2024, giảm từ 11,1 triệu ca vào năm 2023.
Tỷ suất sinh ở Trung Quốc đã giảm trong suốt mấy thập kỷ do chính sách 1 con mà nước này áp dụng từ năm 1980-2015, cũng như tiến trình đô thị hóa nhanh chóng. Và tương tự như ở hai nước láng giềng Nhật Bản và Hàn Quốc, ngày càng có nhiều người Trung Quốc di cư từ nông thôn tới thành thị, nơi việc nuôi dạy con cái trở nên đắt đỏ hơn nhiều.
Chi phí ăn học của con cái tăng lên, trong khi việc làm bất bênh và nền kinh tế giảm tốc, là những yếu tố khiến nhiều người trẻ Trung Quốc ngại kết hôn và sinh con. Phân biệt giới tính và truyền thống đòi hỏi người phụ nữ phải chăm sóc gia đình càng khiến cho tình trạng này thêm phần trầm trọng - theo các chuyên gia dân số.
“Phần lớn sự suy giảm dân số Trung Quốc bắt nguồn từ những nguyên nhân mang tính cơ cấu đã bám rễ sâu. Nếu không có những chuyển biến cơ cấu một cách căn bản - từ cải thiện mạng lưới an sinh xã hội cho tới xóa bỏ tình trạng phân biệt giới tính - sự suy giảm dân số này sẽ không thể được đảo ngược”, Phó giáo sư xã hội học Yun Zhou của Đại học Michigan nhận định.
Số cuộc kết hôn ở Trung Quốc tăng 12,4% trong năm 2023 - trong đó có nhiều đôi đã trì hoãn đám cưới do đại dịch Covid-19 - là một nguyên nhân chính khiến số ca sinh ở nước này tăng trong năm 2024. Tuy nhiên, số cuộc kết hôn ở Trung Quốc được dự báo sẽ giảm trở lại trong năm 2025. Đối với số ca sinh ở Trung Quốc, số cuộc kết hôn là một chỉ báo sớm, vì nhiều phụ nữ độc thân ở nước này không tiếp cận được với các chế độ dành cho người nuôi con nhỏ.
Năm 2024, nhà chức trách Trung Quốc đã công bố một loạt biện pháp nhằm khuyến khích người dân sinh đẻ. Tháng 12, Bắc Kinh kêu gọi các trường cao đẳng và đại học trên toàn quốc đưa giáo dục hôn nhân và tình yêu vào chương trình họ để nhấn mạnh những quan điểm tích cực về hôn nhân, tình yêu, sinh đẻ và gia đình.
Tháng 11, Hội đồng Nhà nước Trung Quốc đã phân bổ nguồn lực cho việc giải quyết cuộc khủng hoảng dân số và khuyến khích người dân kết hôn và sinh con “ở độ tuổi hợp lý”.
Theo dự báo, đến cuối thế kỷ này, số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ ở Trung Quốc - theo định nghĩa của Liên hiệp quốc là từ 14 đến 49 tuổi - sẽ giảm hơn 2/3 xuống dưới 100 triệu người. Trong khi đó, số dân ở tuổi hưu trí, là những người từ 60 tuổi trở lên, được báo sẽ tăng lên mức hơn 400 triệu người vào năm 2035, từ 280 triệu người hiện nay.
Học viện Khoa học xã hội của Trung Quốc đã cảnh báo rằng hệ thống lương hưu của nước này sẽ cạn quỹ vào năm 2035. Năm ngoái, khoảng 22% dân số Trung Quốc - vào khoảng 310,31 triệu người - là những người từ 60 tuổi trở lên, so với con số 296,97 triệu người vào năm 2023.
Qua trình đô thị hóa cũng làm số người sống tại thành thị ở Trung Quốc tăng thêm 10,83 triệu người, lên mức 943,3 triệu người. Trong khi đó, dân số ở nông thôn giảm còn 464,78 triệu người.
Bình Minh
Nguồn VnEconomy : https://vneconomy.vn/dan-so-trung-quoc-giam-3-nam-lien-tiep.htm