Dân số Việt Nam sẽ tăng trưởng âm nếu giữ mức sinh thấp

Dân số Việt Nam sẽ tăng trưởng âm nếu giữ mức sinh thấp
13 giờ trướcBài gốc
Nhiều người cao tuổi ở xã Sơn Xuân (huyện Sơn Hòa) được khám, sàng lọc các bệnh. Ảnh: MẠNH LÊ TRÂM
Theo Bộ Y tế, để những quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng về công tác dân số trong tình hình mới đi vào cuộc sống một cách nhanh chóng, thiết thực, hiệu quả, việc sửa đổi văn bản pháp luật về dân số, đặc biệt quy định về số con là cần thiết.
Nghiêm trọng vấn đề mức sinh giảm thấp
Bộ Y tế đánh giá thực trạng dân số Việt Nam đã phát sinh những vấn đề nghiêm trọng phải kịp thời giải quyết, trong đó có mức sinh giảm thấp. Mức sinh tại Việt Nam đang có xu hướng giảm thấp dưới mức sinh thay thế, từ 2,11 con/phụ nữ (2021) xuống 2,01 con/phụ nữ (2022), 1,96 con/phụ nữ (2023) và 1,91 con/phụ nữ (2024) - thấp nhất trong lịch sử và được dự báo sẽ tiếp tục xuống thấp trong các năm tiếp theo.
Tổng cục Thống kê đánh giá, năm 2024, tổng tỉ suất sinh của Việt Nam (1,91 con/phụ nữ), thấp hơn so với trung bình của các nước Đông Nam Á (2 con/phụ nữ). Mức sinh của Việt Nam chỉ cao hơn 4 nước trong khu vực là Brunei (1,8 con/phụ nữ), Malaysia (1,6 con), Thái Lan và Singapore (1 con/phụ nữ).
Mức sinh của khu vực thành thị là 1,67 con/phụ nữ (năm 2024), thấp hơn so với khu vực nông thôn (2,08 con). Ở nông thôn, từ năm 2022 trở về trước, mức sinh luôn cao hơn mức sinh thay thế (2,1 con) nhưng 2 năm trở lại đây mức sinh bắt đầu giảm mạnh và đã thấp hơn mức sinh thay thế.
Số địa phương có mức sinh dưới mức sinh thay thế đang có xu hướng tăng. Cụ thể, năm 2019 có 22 tỉnh, năm 2023 có 27 tỉnh và năm 2024 là 32 tỉnh. Các tỉnh có mức sinh thấp hầu hết nằm ở vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đô thị hóa cao, tăng trưởng kinh tế nhanh.
Sở Y tế đề nghị trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch đẩy mạnh đưa công tác dân số thành một nội dung trọng tâm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền. Các địa phương có mức sinh thấp dưới mức sinh thay thế, rà soát, củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, nhân lực làm công tác dân số; bố trí đủ nguồn lực để thực hiện có hiệu quả công tác dân số tại địa phương.
Phó Giám đốc Sở Y tế Huỳnh Lê Xuân Bích
Xu hướng mức sinh thấp và xuống rất thấp tập trung ở một số đô thị, nơi có điều kiện KT-XH phát triển, đô thị hóa cao. Đặc biệt, Đông Nam Bộ là vùng có thu nhập bình quân đầu người cao nhất cả nước nhưng lại có mức sinh thấp nhất cả nước, bình quân mỗi phụ nữ sinh 1,47 con. Ngoài ra, xu hướng người dân ở đô thị lớn có xu hướng kết hôn muộn, lười sinh con.
Đánh giá mức sinh thấp là xu hướng chung và có nhiều nguyên nhân, GS.TS Giang Thanh Long, Giảng viên cao cấp Trường Kinh tế và Quản lý công (Đại học Kinh tế Quốc dân), nhấn mạnh yếu tố công việc, định dạng nghề nghiệp, đặc biệt với phụ nữ - người quyết định việc sinh nở, có thay đổi lớn. Họ đối mặt với thực tế cần thời gian làm việc và đào tạo dài hơn để đảm bảo sự nghiệp, trong khi việc chăm sóc con cái lại tốn thời gian, tiền bạc, nên họ quyết định kết hôn và sinh con muộn. Cũng như Hàn Quốc, Trung Quốc, người trẻ Việt Nam cũng đang rơi vào “thế hệ bánh kẹp” - vừa phải chăm sóc cha mẹ già và chăm con nhỏ. “Nếu sinh thêm một đứa con, trách nhiệm chăm sóc con cái và cha mẹ khiến “thế hệ bánh kẹp” này giảm thời gian chăm lo sự nghiệp khiến họ yếu thế hơn trong xã hội”, GS Long phân tích.
Nhiều hệ lụy của mức sinh thấp kéo dài
Theo dự báo, kịch bản mức sinh tiếp tục giảm, đến năm 2039 Việt Nam sẽ kết thúc thời kỳ dân số vàng, năm 2042 quy mô dân số trong độ tuổi lao động đạt đỉnh và sau năm 2054 dân số sẽ bắt đầu tăng trưởng âm. Giai đoạn 5 năm sau đó, bình quân mỗi năm dân số giảm 0,04%, mức giảm này vào cuối thời kỳ dự báo (từ 2064-2069) là 0,18%, tương đương giảm bình quân 200.000 người/năm. Trong khi đó, nếu ở phương án mức sinh trung bình, tới năm 2069, giai đoạn tăng trưởng âm này mới bắt đầu. Lúc đó, hệ lụy của mức sinh thấp kéo dài sẽ dẫn đến thiếu hụt lực lượng lao động, suy giảm quy mô dân số, đẩy nhanh già hóa dân số, tác động tiêu cực đến phát triển KT-XH.
Trong một dự báo của Cục Dân số, trong nhóm các tỉnh có mức sinh thấp, đơn vị này đưa ra dự báo tỉ lệ tăng dân số bình quân năm của 19 tỉnh/thành theo phương án trung bình, giai đoạn từ 2024-2045. Đây đều là các tỉnh thuộc khu vực Đông và Tây Nam Bộ.
Bài học quốc tế
Đối mặt với các vấn đề về mức sinh, đặc biệt là mức sinh thấp đang rất cấp thiết như Việt Nam, các quốc gia trên thế giới đã ban hành các chính sách, pháp luật để giải quyết. Có 55 chính phủ có chính sách tăng mức sinh, 19 chính phủ tập trung vào việc duy trì mức sinh hiện tại. Các nhóm biện pháp tại nơi làm việc như cải thiện chế độ nghỉ thai sản, chế độ cha nghỉ chăm con, thời giờ làm việc ngắn hơn hoặc bán thời gian.
Các nước cũng ưu đãi tài chính như tiền thưởng cho việc sinh con, ưu đãi thuế, trợ cấp tiền mặt hằng tháng cho trẻ em; hỗ trợ thuê nhà, mua nhà ở; hỗ trợ chi phí chăm sóc trẻ em; hỗ trợ sinh sản như cải thiện hỗ trợ của Nhà nước cho thụ tinh trong ống nghiệm, quy định bảo hiểm hiếm muộn, tăng tính sẵn có của dịch vụ thụ tinh trong ống nghiệm.
Theo Sở Y tế Phú Yên, thời gian qua, các địa phương như TP Tuy Hòa, huyện Phú Hòa, Tây Hòa và Tuy An, không đạt mức sinh thay thế, cần thực hiện tuyên truyền tập trung về duy trì mức sinh thấp hợp lý, duy trì khoảng cách giữa các lần sinh, ổn định mức sinh, nâng cao chất lượng dân số.
Năm 2025, ngành Y tế phối hợp với các cơ quan liên quan, UBND các địa phương tiếp tục triển khai nhiệm vụ các chương trình, kế hoạch, đề án đã được cấp trên phê duyệt, tạo sự đồng thuận và ủng hộ của toàn xã hội về chuyển trọng tâm chính sách dân số từ việc giảm sinh sang duy trì mức sinh thay thế, đưa tỉ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên, tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng, thích ứng với già hóa dân số, phân bố dân số hợp lý và nâng cao chất lượng dân số.
Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Huỳnh Lê Xuân Bích, sở này đề nghị trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch đẩy mạnh việc đưa công tác dân số thành một nội dung trọng tâm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền. Cùng với đó, ngành Y tế thường xuyên cung cấp thông tin cập nhật, thông tin chuyên đề về dân số và phát triển, thông tin phục vụ lồng ghép dân số trong phát triển, biện pháp phát huy lợi thế của cơ cấu dân số vàng, thích ứng với quá trình chuyển đổi nhân khẩu học, về thực trạng, động thái dân số đến lãnh đạo các sở, ban ngành, hội, đoàn thể trên toàn tỉnh. Sở Y tế đề xuất Ủy ban MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và các cơ quan, ban ngành, đoàn thể của tỉnh mở rộng toàn diện nội dung truyền thông, giáo dục cả về quy mô, cơ cấu, phân bố và chất lượng dân số trong mối quan hệ hữu cơ với phát triển KT-XH. Các địa phương có mức sinh thấp dưới mức sinh thay thế, rà soát, củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, nhân lực làm công tác dân số; bố trí đủ nguồn lực để thực hiện có hiệu quả công tác dân số tại địa phương.
MẠNH LÊ TRÂM
Nguồn Phú Yên : https://baophuyen.vn/xa-hoi/202504/dan-so-viet-nam-se-tang-truong-am-neu-giu-muc-sinh-thap-2a017e3/