Ngóng chờ ngày những dòng sông được "hồi sinh"
Sông Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ và Sét, từng gắn bó với lịch sử và cuộc sống người dân Hà Nội, nay lại là nỗi ám ảnh bởi tình trạng ô nhiễm kéo dài nhiều năm. Dòng sông đen đặc, bốc mùi không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống mà còn làm mất mỹ quan đô thị. Tuy nhiên, với những nỗ lực cải tạo từ thành phố, nhiều người dân đang đặt hy vọng vào ngày các dòng sông này được hồi sinh, trở lại vẻ đẹp vốn có.
Anh Trần Văn Yên tập thể dục bên bờ sông Tô Lịch đoạn qua quận Cầu Giấy chia sẻ, anh thường xuyên đi bộ ven sông Tô Lịch nhưng luôn phải bịt khẩu trang kín mít để tránh mùi hôi. “Tôi mong muốn những dòng sông này được hồi sinh để có thể tập thể dục trong không gian xanh mát, yên bình. Con sông này chỉ cần sạch trở lại sẽ thành điểm nhấn văn hóa, du lịch”, anh Yên nói.
Anh Trần Văn Yên hy vọng sông Tô Lịch có thể trở thành điểm nhấn văn hóa, du lịch.
Không chỉ nội thành, ở ngoại thành Hà Nội, các hộ dân sống dọc sông Tô Lịch cũng mong các giải pháp làm sạch dòng sông này được sớm triển khai. Ông Tạ Văn Lực ở xã Liên Ninh, huyện Thanh Trì xót xa khi chứng kiến dòng sông Tô Lịch gần nhà ngày càng ô nhiễm. “Bơm nước từ sông Hồng là giải pháp tốt, nhưng nếu không kiểm soát nguồn xả thải thì dòng sông vẫn khó mà sạch trở lại. Người dân chúng tôi đã chờ đợi quá lâu để thấy các dòng sông được hồi sinh".
Chị Nguyễn Thị Hải Yến (xã Liên Ninh, huyện Thanh Trì) chia sẻ, việc bơm nước từ sông Hồng để làm sạch sông Tô Lịch là một hướng đi rất đáng mừng. “Dù nước sông Tô Lịch ở ngoại thành ít ô nhiễm hơn nội thành, nhưng ý thức của người dân còn hạn chế, nhiều người vẫn xả nước thải và rác bừa bãi ra sông. Nếu không xử lý triệt để nguồn xả thải, mọi kế hoạch cũng khó thành công", chị Yến nói.
Chị Nguyễn Thị Hải Yến đề xuất phải xử lý triệt để nguồn xả thải sông Tô Lịch
Không chỉ người dân sống ven sông Tô Lịch, những người dân sống quanh các con sông khác cũng rất mong chờ các dòng sông được làm sạch. Bà Nguyễn Thị Minh, người sống ở quận Hoàng Mai gần sông Kim Ngưu, cho biết: “Tôi đã chứng kiến dòng sông này từ ngày nước còn trong xanh đến lúc đen đặc, bốc mùi hôi thối suốt hơn 40 năm qua. Lần này, tôi hy vọng thành phố sẽ làm đến nơi đến chốn, trả lại môi trường trong lành cho người dân".
Để hiện thực hóa mong ước của người dân, Hà Nội đang triển khai đề án cải tạo sông Tô Lịch cùng ba dòng sông khác là Kim Ngưu, Lừ, và Sét. Trả lời chất vấn của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội chiều 11/12, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong cho biết, toàn bộ nước thải của sông Tô Lịch, sông Lừ được thu gom về Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá; nước thải của sông Kim Ngưu, Sét được thu về Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở.
Về bổ cập nước cho các sông, theo Giám đốc Sở Xây dựng, để triển khai vấn đề này, thành phố đã giao Sở Xây dựng chủ trì triển khai bổ cập nước cho sông Tô Lịch, hiện Sở đang phối hợp cùng các đơn vị để triển khai. Việc triển khai với sông Tô Lịch phải làm đồng bộ với các sông còn lại, đây là nhiệm vụ nằm trong tổng thể đề án bảo tồn, phát huy, cải tạo môi trường của các con sông trong nội thành.
Theo Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Lê Thành Nam, đề án cải tạo cảnh quan sông Tô Lịch đã cơ bản hoàn chỉnh và dự kiến sẽ trình UBND thành phố vào tháng 1/2025. Đề án không chỉ tập trung làm sạch nước mà còn hướng tới xây dựng không gian kiến trúc, cảnh quan ven sông, nâng cao giá trị lịch sử, văn hóa và sinh thái.
“Giải pháp kỹ thuật chính là thu gom triệt để nước thải, bổ cập nước sạch để duy trì dòng chảy tự nhiên. Mục tiêu là không chỉ cải thiện môi trường mà còn tạo nên một không gian sống lý tưởng, điểm nhấn văn hóa và sinh thái cho Thủ đô,” ông Nam chia sẻ.
Nguyễn Hải