Lãnh đạo BĐBP tỉnh Đồng Nai thăm, tặng quà động viên học sinh trong Chương trình “Nâng bước em tới trường - Con nuôi đồn biên phòng”. Ảnh: ĐVCC
Ấp 1, xã Thanh Hòa, huyện biên giới Bù Đốp, tỉnh Bình Phước (nay là xã Thiện Hưng, tỉnh Đồng Nai) hiện có 226 hộ dân, nhưng chỉ còn 1 hộ nghèo và 4 hộ cận nghèo. Diện mạo nông thôn thay đổi từng ngày, đường làng ngõ xóm khang trang, sạch đẹp; đời sống vật chất và tinh thần của bà con được cải thiện rõ rệt. Đóng góp vào sự đổi thay đó, ngoài sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương, còn có vai trò nổi bật của Tổ dân vận ấp 1. Tổ có 12 thành viên, do Thiếu tá Nguyễn Danh Tuấn - cán bộ tăng cường của Đồn Biên phòng Thanh Hòa đảm nhận vai trò Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng.
Thiếu tá Nguyễn Danh Tuấn chia sẻ: "Ghi nhớ lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”, các thành viên trong tổ luôn giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ, mọi công việc đều được thảo luận kỹ lưỡng, thống nhất từ chi bộ đến tổ, trước khi triển khai đến nhân dân. Thực hiện chủ trương của cấp ủy, chính quyền các cấp, Tổ dân vận ấp 1 kiên trì quán triệt phương châm “nói đi đôi với làm”, thường xuyên “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, vừa thăm hỏi đời sống, nắm bắt tình hình sản xuất của người dân, vừa tuyên truyền, vận động bà con đồng hành cùng chính quyền địa phương trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng đời sống văn hóa mới tại khu dân cư".
Anh Mai Công Danh, nguyên Tổ phó Tổ dân vận ấp 1 cho biết: "Nhờ bám sát địa bàn, các thành viên trong tổ nắm rõ hoàn cảnh từng hộ dân, từ đó, xây dựng phương án hỗ trợ thiết thực, hiệu quả. Tổ tích cực vận động các mạnh thường quân, đảng viên sinh hoạt tại nơi cư trú góp công, góp của giúp đỡ các hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Hưởng ứng lời kêu gọi của tổ, nhiều cá nhân, tổ chức đã quyên góp lắp đặt tuyến điện chiếu sáng dài 3km cho thôn, xóm. Khi người dân gặp thiên tai, hoạn nạn, các thành viên Tổ dân vận luôn kịp thời có mặt, động viên, hỗ trợ".
Ông Đoàn Văn Chuân, người dân ấp 1 vui mừng chia sẻ: “Tổ dân vận làm việc rất tốt. Đường làng ngõ xóm có điện thắp sáng, các chế độ chính sách với người dân, người khuyết tật, ốm đau, hộ nghèo đều được quan tâm đầy đủ. Những kết quả ấy đã giúp Tổ dân vận ấp 1 xây dựng niềm tin bền chặt trong lòng nhân dân".
Câu chuyện của Tổ dân vận ấp 1 là minh chứng sinh động cho phương pháp “dân vận khéo” - một cách làm sáng tạo, hiệu quả; thể hiện rõ bản lĩnh, ý chí, tinh thần tự lực, tự cường và khát vọng cống hiến của đội ngũ cán bộ cơ sở tỉnh Bình Phước trong hành trình học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Những nỗ lực ấy đã tạo nên sức lan tỏa mạnh mẽ, góp phần hiện thực hóa khát vọng xây dựng quê hương ngày một đổi mới, phát triển bền vững.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Công tác tuyên huấn có hai nhiệm vụ: một là mưu lợi ích cho đồng bào, hai là tránh mọi tệ hại cho đồng bào. Muốn làm được điều đó, trước hết phải nâng cao đời sống cho đồng bào các dân tộc”. Thấm nhuần lời dạy của Bác, những năm qua, dưới sự vào cuộc tích cực của các cấp chính quyền, đoàn thể và đội ngũ người có uy tín, già làng, trí thức, doanh nhân, thanh niên tiêu biểu người dân tộc thiểu số, phong trào học tập và làm theo Bác đã lan tỏa sâu rộng. Nhiều cá nhân chủ động tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể tại địa phương.
Thiếu tá Nguyễn Danh Tuấn thăm hỏi về mô hình phát triển kinh tế của người dân. Ảnh: ĐVCC
Theo thống kê của UBND tỉnh Đồng Nai, những người có uy tín, già làng, trí thức tiêu biểu của tỉnh đang đảm nhiệm các vị trí quan trọng như: đại biểu HĐND xã, bí thư chi bộ, trưởng thôn, ấp, tổ trưởng dân phố, trưởng ban công tác mặt trận, tổ trưởng tổ an ninh, tổ hòa giải... Họ tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện chính sách dân tộc với tinh thần “bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển”. Nhờ đó, dù có nhiều dân tộc cùng sinh sống đan xen trên địa bàn xã, thị trấn, đa phần là dân di cư từ khắp các vùng, miền, người dân vẫn đoàn kết, tương trợ, cùng nhau vượt qua khó khăn, phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Lực lượng này còn tích cực vận động nhân dân tham gia các phong trào xây dựng nông thôn mới, hiến đất làm đường, xây dựng nhà văn hóa, phát triển sản xuất, cải tạo vườn tạp, từng bước nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng sống.
Các tập tục lỗi thời như đám cưới, đám tang kéo dài nhiều ngày; mê tín dị đoan; hủ tục trong sinh đẻ, tang ma, cưới hỏi... từng bước được loại bỏ. Thay vào đó, các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp được phục dựng và phát huy: lễ hội phá bàu, mừng lúa mới, nghề dệt thổ cẩm, làn điệu dân ca, cồng chiêng, ẩm thực truyền thống, các đội văn nghệ dân gian được thành lập, duy trì. Các gia đình thi đua xây dựng nếp sống văn minh, không có con cháu mắc tệ nạn xã hội, không truyền đạo trái pháp luật, không tảo hôn, không hôn nhân cận huyết thống...
"Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công. Nhân dân có ấm no thì biên cương mới vững bền” – lời tâm huyết của anh Mai Công Danh cũng là tiếng lòng của những người con Đồng Nai đang ngày đêm bám đất, bám dân. Dù ở cương vị nào, họ cũng đang góp phần tô điểm cho bức tranh biên cương thêm giàu đẹp, vững mạnh - đúng như di nguyện thiêng liêng của Bác Hồ muôn vàn kính yêu.
Phương Liên