Dân vận khéo, vun đắp niềm tin - Bài 1: Vì lợi ích Nhân dân

Dân vận khéo, vun đắp niềm tin - Bài 1: Vì lợi ích Nhân dân
2 giờ trướcBài gốc
Nhìn lại hành trình phong trào thi đua DVK của tỉnh Cà Mau trước hợp nhất, đồng chí Hồ Trung Việt, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy, chia sẻ: “Qua 16 năm (từ 2009-2025) triển khai thực hiện phong trào thi đua DVK, ở tỉnh Cà Mau đã có hàng chục ngàn mô hình DVK ở cấp cơ sở, cấp huyện và tương đương, có hơn 7.982 mô hình đăng ký cấp tỉnh trên các lĩnh vực: kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị… mang lại hiệu quả tích cực, phát huy tốt tác dụng, có sức lan tỏa sâu rộng trong Nhân dân”.
Chính quyền gần dân, vì dân phục vụ
Với mục tiêu “vì dân phục vụ, hướng đến sự hài lòng cho người dân và doanh nghiệp”, tỉnh Cà Mau 2 năm liền (2023 và 2024) duy trì vị trí dẫn đầu cả nước về chỉ số phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Điển hình có thể kể đến mô hình DVK “Nâng cao chất lượng tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại nhà theo yêu cầu” của UBND phường An Xuyên. Mô hình triển khai từ năm 2019 đến nay và đã mang lại hiệu quả, được người dân đồng tình ủng hộ, góp phần xây dựng hình ảnh chính quyền gần dân, vì dân phục vụ.
Bà Lê Thị Mành vui mừng khi được công chức phường hỗ trợ làm thủ tục trợ cấp xã hội tại nhà.
Trong đó phải kể đến việc công chức phường đến tận nhà hỗ trợ làm thủ tục trợ cấp xã hội cho người cao tuổi, cụ bà Lê Thị Mành, 86 tuổi (Khóm 6, phường An Xuyên) phấn khởi chia sẻ: "Tôi tuổi cao, không thể đi lại, nhờ các cháu đến tận nhà lấy thông tin, xác nhận bằng dấu vân tay, rất nhanh, tiện lợi và nhiệt tình. Tôi rất vui vì được quan tâm, thật sự đây là lúc tôi cảm nhận được chính quyền gần dân nhất".
Ông Hồ Văn Chung, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND phường An Xuyên, cho biết, mô hình đã góp phần giảm tải 40% thủ tục, hồ sơ cho bộ phận một cửa trước đây, nâng cao năng lực xử lý công việc của công chức. Theo đó, đã tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại nhà theo yêu cầu 1.585 hồ sơ, ước giảm chi phí hơn 50 triệu đồng cho người dân.
"Ở giai đoạn mới với bộ máy chính quyền 2 cấp, phường An Xuyên sẽ tiếp tục phát huy, nhân rộng những mô hình DVK hay, thiết thực từ các đơn vị hành chính trước đây, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân", ông Hồ Văn Chung nhấn mạnh.
Công chức phường An Xuyên đến tận nhà trả kết quả đăng ký khai sinh cho gia đình chị Đỗ Mai Thy (thứ 2 từ trái sang).
Theo ông Nguyễn Minh Luân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, trước và trong thời gian đầu vận hành chính quyền 2 cấp, tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt công tác nâng cấp, sửa chữa hạ tầng các trung tâm phục vụ hành chính công, hoàn chỉnh bộ máy chính quyền; phát huy tốt vai trò của hệ thống tổ công nghệ số cộng đồng trong toàn tỉnh; cùng nhiều giải pháp khác… đảm bảo hoạt động thông suốt, hiệu quả, không để gián đoạn, phục vụ tốt nhất yêu cầu, mang đến sự hài lòng cho người dân.
Đưa làng quê trở thành nơi đáng sống
Năm 2021, xã Khánh Lộc cũ, nay thuộc xã Trần Văn Thời, là địa phương tiên phong, đi đầu trong tỉnh về xóa trắng hộ nghèo, cận nghèo. Trên đà này, khối vận xã và chi bộ, các hội, đoàn thể 9/9 ấp bàn bạc, thống nhất thực hiện mô hình DVK mang tên “Ấp hạnh phúc”. "Ấp hạnh phúc" có các tiêu chí như: không có hộ nghèo, cận nghèo; phát huy tốt quyền làm chủ của Nhân dân, nhất là các vấn đề dân được biết, được bàn, được tham gia và quyết định; an ninh trật tự đảm bảo; rác thải được thu gom, xử lý đúng quy định...
Anh Trác Hoàng Duy, nông dân ấp Trảng Cò, chia sẻ: "Rất phấn khởi khi ấp Trảng Cò là 1 trong 9 ấp đi đầu thực hiện các tiêu chí “Ấp hạnh phúc”. Đáng quý hơn khi các hội, đoàn thể xây dựng mô hình, kết nối bà con cùng tham gia, đoàn kết, chia sẻ kinh nghiệm, giúp nhau trong sản xuất để cùng làm giàu".
Mô hình trồng hoa màu cho thu nhập khá của bà con xã Khánh Lộc (nay thuộc xã Trần Văn Thời).
Xuất phát từ mô hình này, trên địa bàn xã xuất hiện nhiều cách làm mang lại hiệu quả, như: Hội Liên hiệp Phụ nữ xã vận động cán bộ, hội viên phụ nữ tận dụng nguồn rác thải nhựa bán gây quỹ học bổng 20/10, hỗ trợ cho học sinh khó khăn với 10 suất mỗi đợt (500 ngàn đồng/suất); Chi bộ ấp Rạch Ruộng A xây dựng quỹ hỗ trợ vượt khó, giúp đỡ các hộ khó khăn trên địa bàn ấp phát triển kinh tế, tăng thu nhập; Ban Chỉ huy Công an xã vận động Nhân dân, xã hội hóa lắp đặt camera an ninh trên toàn xã, góp phần đảm bảo tình hình an ninh trật tự địa bàn…
Trước khi sáp nhập thành đơn vị hành chính mới với tên gọi Phường Lý Văn Lâm, Xã Lý Văn Lâm (cũ) đã ghi dấu ấn thành tích khi là xã đầu tiên của tỉnh Cà Mau (trước hợp nhất) đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu. Đây chính là kết quả của quá trình dài thực hiện các mô hình DVK xây dựng NTM, từ đạt NTM năm 2014 tiến đến đạt NTM nâng cao năm 2021 và đạt NTM kiểu mẫu năm 2025.
Đời sống Nhân dân địa phương được nâng lên rõ rệt, từ mức thu nhập bình quân đầu người 60 triệu đồng năm 2021 tăng lên 86,71 triệu đồng/người/năm; xã có 1 Ấp thông minh (ấp Ông Muộn), nơi bà con sản xuất sản phẩm dưa hấu đạt chuẩn VietGAP và gạo sạch Ông Muộn, có quy hoạch vùng rau sạch, đường sá khang trang...
Diện mạo khởi sắc của xã NTM kiểu mẫu Lý Văn Lâm (nay thuộc phường Lý Văn Lâm).
“Điều quan trọng, thành công nhất từ Chương trình xây dựng NTM là biến làng quê thành nơi đáng sống, mang đến những tiện nghi, hạnh phúc cho người dân. Chúng ta cần tiếp tục lan tỏa điều này để bà con chung sức gìn giữ, phát huy, làm mẫu để những địa phương khác học tập, làm theo; để bà con thật sự hiểu rằng, những nỗ lực của tỉnh, sở ngành trong xây dựng NTM đều hướng đến lợi ích thiết thực cho dân, dân hưởng lợi và dân đóng vai trò chủ thể”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử nhấn mạnh tại lễ công bố Quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh công nhận Xã Lý Văn Lâm đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, vào ngày 26/6/2025 vừa qua.
Loan Phương
Bài 2: Khơi dậy tinh thần tương thân tương ái
Nguồn Cà Mau : https://baocamau.vn/dan-van-kheo-vun-dap-niem-tin-bai-1-vi-loi-ich-nhan-dan-a120772.html