Đáng báo động!

Đáng báo động!
7 giờ trướcBài gốc
Những hình ảnh trẻ em bị đánh đập, xúc phạm hay bị ép buộc trong chính môi trường mà các em được cho là an toàn, không chỉ để lại những vết thương thể xác mà còn làm tổn hại sâu sắc đến tâm hồn ngây thơ của trẻ.
Hình ảnh camera ghi lại sự việc cô giáo Trường Mầm non May Đáp Cầu (Bắc Ninh) lôi trẻ vào góc khuất để bạo hành
Từ những vụ việc gây rúng động tại Quảng Nam, Bắc Ninh, đến hàng loạt các trường hợp đau lòng khác trên khắp cả nước, bạo hành trẻ em tại các cơ sở mầm non không chỉ là câu chuyện của một vài sự cố cá biệt, mà đã trở thành lời cảnh tỉnh cấp thiết, đòi hỏi sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt từ các cơ quan chức năng, từ các tổ chức giáo dục và từ mỗi cá nhân trong xã hội để bảo vệ thế hệ tương lai - những mầm non của đất nước.
Thực trạng đáng báo động
Theo Bộ GD&ĐT, các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập hiện chiếm khoảng 25% tổng số cơ sở mầm non cả nước, với dự báo có 17.444 nhóm lớp tư thục vào năm 2025.
Sự gia tăng mạnh mẽ của các cơ sở này, đặc biệt tại các khu đô thị và khu công nghiệp, đã đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của phụ huynh. Tuy nhiên, đi kèm với sự phát triển là những vấn đề nghiêm trọng, trong đó bạo hành trẻ em là thực trạng đáng lo ngại.
Gần 90% các vụ bạo hành trẻ mầm non được báo chí phanh phui xảy ra tại các cơ sở ngoài công lập, nơi thiếu giám sát chặt chẽ và đội ngũ giáo viên thường chưa đạt chuẩn đào tạo.
Mới đây, một loạt vụ việc bạo hành trẻ em đã gây rúng động dư luận. Tại nhóm trẻ gia đình Con Cưng ở Quảng Nam, clip ghi lại cảnh bảo mẫu đánh đập, nhét vật cứng vào miệng trẻ trong giờ ngủ trưa đã khiến cộng đồng bàng hoàng.
Camera tại cơ sở này thường xuyên bị tắt từ 10-14h, che giấu hành vi bạo lực trong thời điểm trẻ ăn và ngủ. Cơ quan Công an tỉnh Quảng Nam đã tạm giữ bảo mẫu N.N.U.L (SN 1995) để điều tra về hành vi hành hạ người khác theo Điều 140 Bộ Luật Hình sự.
Tương tự, tại Bắc Ninh, đoạn clip lan truyền trên mạng xã hội vào tháng 4.2025 cho thấy một giáo viên mầm non kéo bé gái 22 tháng tuổi vào góc khuất camera, liên tục đánh vào người bé.
Hành động thô bạo này diễn ra trước sự chứng kiến của các trẻ khác, khiến các em hoảng sợ. Phụ huynh sau khi phát hiện qua camera lớp học đã công khai clip để cảnh báo, đồng thời yêu cầu xử lý nghiêm khắc.
Giáo viên thừa nhận sai phạm, nhưng biện minh bằng lý do “mới vào nghề” và “khó khăn cá nhân”, điều này không thể xoa dịu sự phẫn nộ của cộng đồng.
Những vụ việc trên chỉ là phần nổi của tảng băng. Vào năm 2017, tại cơ sở mầm non Sen Vàng (Hà Nội), hai giáo viên thừa nhận hành hung trẻ bằng dép và thước kẻ vì “bực tức” khi các bé khóc hoặc đi vệ sinh ra quần.
Còn vào năm 2018, clip bảo mẫu tại nhóm trẻ Mẹ Mười (Đà Nẵng) ép trẻ ăn bằng thước và lược nhựa... Những vụ việc tương tự tiếp tục tái diễn, cho thấy vấn nạn bạo hành trẻ em tại các cơ sở mầm non ngoài công lập vẫn chưa được kiểm soát hiệu quả.
Xây dựng một tương lai không còn nước mắt trẻ thơ
Theo UNICEF, bạo lực ở trẻ em có thể để lại “vết hằn sâu trên cả thân xác và tâm hồn non nớt”, làm suy giảm khả năng hòa nhập xã hội và trưởng thành.
Vấn nạn bạo hành trẻ mầm non ở nước ta bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, bao gồm cả yếu tố con người, hệ thống quản lý và quan niệm xã hội. Trong đó, thiếu hụt đội ngũ giáo viên chất lượng là một trong những nguyên nhân quan trọng.
Theo Bộ GD&ĐT, cả nước hiện có 33.000 giáo viên mầm non chưa đạt chuẩn trình độ đào tạo theo Luật Giáo dục 2019 (tối thiểu Cao đẳng Sư phạm mầm non).
Nhiều giáo viên, đặc biệt ở các cơ sở tư thục, thiếu kỹ năng sư phạm, không được đào tạo đầy đủ về quyền trẻ em và đạo đức nghề nghiệp. Một số bảo mẫu thậm chí không có bằng cấp, làm việc tại các nhóm trẻ tự phát.
Áp lực công việc và thu nhập thấp cũng khiến một số giáo viên “căng thẳng” khi chăm sóc trẻ. Giáo viên mầm non, đặc biệt ở các cơ sở ngoài công lập, thường phải làm việc với cường độ cao, chăm sóc từ 10-20 trẻ mỗi bữa ăn hoặc giờ học.
Thu nhập thấp, không tương xứng với công sức, cùng với áp lực từ phụ huynh khiến nhiều giáo viên mất kiểm soát cảm xúc, dẫn đến hành vi bạo lực.
Bên cạnh đó là việc quản lý lỏng lẻo. Nhiều cơ sở mầm non ngoài công lập thiếu cơ sở vật chất, sân chơi và thiết bị tối thiểu. 18% cơ sở không đạt tiêu chuẩn trường học an toàn, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho trẻ.
Công tác kiểm tra, giám sát không thường xuyên, việc cấp phép hoạt động đôi khi thiếu chặt chẽ, tạo kẽ hở cho các hành vi sai trái…
Để giải quyết bạo hành trẻ em tại các cơ sở mầm non, cần sự phối hợp giữa chính quyền, nhà trường, phụ huynh và cộng đồng. Chính phủ phải đẩy mạnh đào tạo giáo viên về quyền trẻ em, đạo đức nghề nghiệp và kỹ năng nuôi dạy tích cực, đồng thời cải thiện chế độ lương thưởng để giảm áp lực.
Các cơ quan chức năng cần kiểm tra định kỳ các cơ sở mầm non, đặc biệt là tư thục, áp dụng camera giám sát kèm cơ chế kiểm tra dữ liệu. Cơ sở không đạt tiêu chuẩn phải bị đình chỉ ngay lập tức…
Các chiến dịch truyền thông cần nâng cao nhận thức về quyền trẻ em, khuyến khích phụ huynh và cộng đồng lên tiếng khi chứng kiến bạo lực. Học sinh mầm non cũng cần được dạy về quyền của mình và cách tìm kiếm sự giúp đỡ khi bị xâm hại.
Pháp luật phải được thực thi nghiêm minh với chế tài răn đe mạnh mẽ đối với hành vi bạo hành trẻ em và cần có trung tâm bảo vệ trẻ bị bạo hành, cung cấp dịch vụ chăm sóc tâm lý và pháp lý.
Song song đó, cần triển khai các chương trình đào tạo kỹ năng nuôi dạy con cái cho phụ huynh và cung cấp dịch vụ hỗ trợ để giảm căng thẳng cho cả phụ huynh và giáo viên.
Vấn nạn bạo hành trẻ em trong các cơ sở mầm non không chỉ là vấn đề của ngành Giáo dục mà là trách nhiệm chung của toàn xã hội. Những vết thương trên thân thể có thể lành theo năm tháng, nhưng những tổn thương tâm hồn sẽ theo trẻ suốt cả cuộc đời.
Chính lúc này, chúng ta cần hành động mạnh mẽ, không chần chừ: Cải cách hệ thống pháp luật, nâng cao chất lượng giáo dục và thay đổi nhận thức xã hội về quyền trẻ em là những bước đi cấp thiết.
Chỉ khi tất cả chúng ta, từ mỗi cá nhân đến mỗi tổ chức, cùng đoàn kết, mới có thể xây dựng một tương lai không còn nước mắt trẻ thơ, mà chỉ có những nụ cười tươi sáng và hạnh phúc!
HOÀNG HƯƠNG
Nguồn Văn hóa : http://baovanhoa.vn/doi-song/dang-bao-dong-128779.html