Theo tài liệu của Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam: Nhiễu động không khí là hiện tượng không khí chuyển động rối hoặc hỗn loạn trong một khu vực không gian của khí quyển. Mọi tàu bay đều có thể bị tác động khi đi vào các khu vực có nhiễu động không khí, tàu bay trọng lượng nhỏ sẽ bị ảnh hưởng lớn hơn so với tàu bay trọng lượng lớn.
Đồ ăn rơi xuống sàn khi máy bay gặp nhiễu động không khí. Ảnh: Tư liệu
Nhiễu động không khí có thể xuất hiện ở bất cứ độ cao nào trong khí quyển và trong các điều kiện khí tượng khác nhau như hiện tượng nhiễu động trời trong, sóng núi, nhiễu động trong mây đối lưu...
Cường độ nhiễu động được phân thành 4 loại: Nhiễu động nhẹ: Máy bay bị rung lắc nhẹ; Nhiễu động vừa: Khó đi lại trong máy bay; Nhiễu động mạnh: Các vật không cột chặt trên máy bay bị di dời chỗ; Nhiễu động dữ dội: Máy bay bị rung lắc dữ dội. Quá trình này kéo dài có thể gây hư hỏng máy bay và gây tai nạn.
Trong quá khứ, từng xảy ra nhiều trường hợp tàu bay gặp nhiễu động không khí. Năm 2013, chuyến bay SQ-308/ tàu bay Airbus A380-800 của Singapore Airlines từ Singapore đi Anh gặp nhiễu động không khí khiến tàu bay bị ‘rơi đột ngột’. Sự cố khiến 7 hành khách bị thương nhẹ.
Năm 2019, chuyến bay QH212 khởi hành từ TPHCM đi Hà Nội, trong lúc đang bay ở độ cao 31.000 feet (xấp xỉ 9.449m), đã gặp vùng nhiễu động trời trong khiến máy bay bị rung lắc. Toàn bộ đồ ăn rơi xuống sàn máy bay.
Năm 2023, một chuyến bay của Maleth Aero từ Barbados đến Manchester (Anh) đã phải chuyển hướng sau khi gặp nhiễu động không khí nghiêm trọng khiến 11 du khách bị thương.
Trao đổi với VietNamNet, chuyên gia hàng không Phạm Ngọc Sáu cho biết, khi gặp nhiễu động không khí tàu bay và hành khách sẽ bị ảnh hưởng.
Theo đó, hành khách sẽ lo lắng, sợ hãi, chóng mặt hoặc buồn nôn (say máy bay) thậm chí có nguy cơ chấn thương nếu không thắt dây an toàn. Nếu không thắt dây an toàn, trong tình huống này hành khách có thể bị va đập với trần, ghế hoặc vật dụng xung quanh.
“Thông thường các nhiễu động mạnh mới gây ảnh hưởng, còn các nhiễu động nhẹ thì xảy ra thường ngày. Máy bay và phi công đều đã được thiết kế và huấn luyện để xử lý an toàn.
Do đó, khi máy bay gặp nhiễu động không khí, hành khách cần giữ bình tĩnh và tuân thủ một số nguyên tắc an toàn cơ bản. Trước hết, hãy luôn thắt dây an toàn khi ngồi, kể cả khi đèn báo chưa sáng, để tránh chấn thương do rung lắc bất ngờ. Tuyệt đối không đi lại trong khoang hay sử dụng nhà vệ sinh trong thời gian nhiễu động.
Hành khách cũng nên cất gọn các vật dụng xách tay, tránh để đồ rơi văng trong cabin. Nếu có thông báo từ tổ bay, hãy nghe kỹ và làm theo hướng dẫn. Trong mọi trường hợp, giữ thái độ bình tĩnh và trấn an người đi cùng là điều cần thiết”, ông Sáu nhấn mạnh.
“Đối với máy bay, nhiễu động cực mạnh có thể gây ảnh hưởng đến khung thân nếu máy bay cũ hoặc đang ở tốc độ/độ cao không phù hợp (rất hiếm, nhưng vẫn có thể xảy ra)”, ông Sáu bày tỏ.
Một chuyên gia khác bổ sung thêm, ảnh hưởng của nhiễu động không khí có các mức độ rất khác nhau, từ sự rung lắc nhẹ đến sự gia tăng tốc độ thăng, giáng mạnh tàu bay hay xoay, lật nghiêng đột ngột gây chấn thương nghiêm trọng cho hành khách và phi hành đoàn, thậm chí làm mất kiểm soát tàu bay tạm thời.
Không chỉ nguy hiểm cho an toàn bay, hiện tượng nhiễu động còn tác động lớn đến hiệu quả khai thác bay do tàu bay phải thay đổi lộ trình bay.
“Lúc này, phi công phải thay đổi độ cao hoặc hướng bay để tránh vùng nhiễu động, gây lệch hành trình hoặc chậm giờ. Do phải bay vòng hoặc tăng/giảm độ cao nên sẽ tăng tiêu hao nhiên liệu”, ông Sáu nói.
N. Huyền