Cầu Bạch Đằng nối huyện Vĩnh Cửu với tỉnh Bình Dương đã đi vào khai thác, kỳ vọng sẽ tạo ra thêm hướng kết nối phát triển kinh tế cho huyện. Ảnh: Công Nghĩa
Bí thư Huyện ủy Vĩnh Cửu Lê Thành Mỹ chia sẻ: “Với một huyện nông nghiệp là chủ đạo, Vĩnh Cửu sẽ tập trung các giải pháp nhằm nâng cao giá trị sản xuất trên mỗi hécta đất nông nghiệp, đồng thời chú trọng khai thác tốt lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, tài nguyên rừng theo hướng bền vững”.
Tập trung cho tăng trưởng bền vững
Theo Thường trực Huyện ủy Vĩnh Cửu, dù còn nhiều khó khăn nhưng nhiều chỉ tiêu về kinh tế - xã hội của huyện năm 2024 tiếp tục vượt nghị quyết đã đề ra từ đầu năm. Cụ thể như, giá trị sản xuất công nghiệp đạt gần 21 ngàn tỷ đồng (tăng gần 11,1%), thương mại dịch vụ đạt trên 3,2 ngàn tỷ đồng (tăng trên 17%). Cùng với đó, giá trị sản xuất các ngành nông, lâm, thủy sản đạt giá trị hơn 2 ngàn tỷ đồng, tăng 4,2%.
Phó bí thư thường trực Huyện ủy Vĩnh Cửu Lê Đỗ Kim Chi cho biết, năm 2024, huyện có thêm 2 đơn vị hoàn thành hồ sơ minh chứng xã nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu là xã Vĩnh Tân và Trị An. Bên cạnh đó, có 2 xã đạt tiêu chí NTM nâng cao là Thạnh Phú và Mã Đà. Với 5 xã đã đạt chuẩn NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu, huyện tiếp tục đầu tư để giữ vững, đồng thời chuẩn bị điều kiện được công nhận huyện NTM nâng cao.
Năm 2024, Đảng bộ huyện Vĩnh Cửu phát triển 161 đảng viên mới, vượt chỉ tiêu Tỉnh ủy giao, nâng tổng số đảng viên của huyện lên gần 5 ngàn người. Toàn Đảng bộ huyện hiện có 55 tổ chức cơ sở Đảng, trong đó có 39 chi bộ cơ sở, 16 Đảng bộ cơ sở với 169 chi bộ trực thuộc.
Lãnh đạo huyện cho biết, sản phẩm nông nghiệp có tiếng nhất của Vĩnh Cửu là các loại bưởi da xanh, bưởi đường lá cam và xoài, ổi chất lượng cao. Do đó, huyện đang tập trung xây dựng thành thương hiệu sản phẩm nông nghiệp có giá trị. Tới đây, lần đầu tiên huyện sẽ tổ chức lễ hội về bưởi quy mô để quảng bá sản phẩm này đến đông đảo người tiêu dùng.
Là huyện có địa bàn rộng, một số xã dân cư không tập trung, song đến nay, Vĩnh Cửu lại là một trong những huyện có tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia cao so với nhiều địa phương khác. Trưởng phòng Giáo dục và đào tạo huyện Vĩnh Cửu Huỳnh Văn Gắt cho hay, đến nay, huyện đã có 39/40 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 và 6/40 trường đạt mức độ 2, tất cả đều đạt cao hơn so với nghị quyết Huyện ủy đề ra đầu nhiệm kỳ.
Cần hướng đi mới
Theo Bí thư Huyện ủy Vĩnh Cửu Lê Thành Mỹ, muốn có được sự phát triển nhanh và bền vững, huyện cần có thêm nhiều nguồn lực để phát triển hạ tầng giao thông. Thực tế, nhiều tuyến đường chính của huyện hiện còn khá nhỏ hẹp so với nhu cầu lưu thông trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Ngoài việc nâng cấp quy mô mặt đường, huyện cần tăng cường thêm các tuyến đường kết nối với các địa phương lân cận như: Bình Dương, Bình Phước nhằm mở ra sức bật giao lưu kinh tế với các địa phương đang có tốc độ phát triển cao này.
Cũng theo người đứng đầu Đảng bộ huyện Vĩnh Cửu, trong nhiệm kỳ tới, huyện sẽ tập trung nguồn lực phát triển các dự án nhà ở xã hội cho công nhân lao động, đặc biệt là khu vực các xã Thạnh Phú, Thiện Tân để cải thiện điều kiện chỗ ở cho công nhân lao động. Quá trình phát triển nhà ở cho công nhân còn gắn liền với phát triển đô thị theo quy hoạch đã được tỉnh phê duyệt.
So với nhiều địa phương trong tỉnh, huyện Vĩnh Cửu có diện tích tự nhiên lớn nhưng lại có những đặc thù trong công tác quản lý. Trong tổng số gần 109 ngàn hécta đất tự nhiên thì đất lâm nghiệp chỉ có hơn 72 ngàn hécta (chiếm 66%) do các lâm trường quản lý, đất phi nông nghiệp gần 20 ngàn hécta (chiếm 18%), còn đất sản xuất nông nghiệp chỉ có 15,4 ngàn hécta (chiếm 14%).
Theo đó, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bùi Xuân Thống cho rằng, huyện Vĩnh Cửu cần quan tâm chuyển đổi mô hình kinh tế, phát huy được giá trị của đất nông, lâm trường gắn với sinh thái rừng. Cần tận dụng tối đa giá trị đất bằng những cây, con, hàng hóa mang lại giá trị kinh tế cao thì mới cải thiện tốt và bền vững cho sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Bên cạnh đó, phải coi trọng quản lý tốt nguồn lực đất đai, khoáng sản bằng cách gắn chặt trách nhiệm quản lý của các xã, thị trấn; xử lý nghiệm những trường hợp vi phạm về quản lý đất đai, khoáng sản, trật tự xây dựng.
Cũng theo Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, với nguồn lực đầu tư hàng năm còn thấp so với nhu cầu thực tế, huyện phải tận dụng tối đa, nâng cao chất lượng và tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của Trung ương, tỉnh mà huyện được phân bổ. Việc giải ngân vốn đầu tư công tốt hàng năm sẽ tạo ra động lực lớn cho huyện có sự phát triển đột phá so với các địa phương khác.
Còn Phó trưởng ban thường trực Ban Dân vận Tỉnh ủy Phạm Thị Kim Chung cho rằng, Vĩnh Cửu cần quan tâm nâng cao đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số, các tôn giáo trên địa bàn. Quá trình phát triển kinh tế - xã hội cần làm tốt việc nắm bắt dư luận, tâm tư của người dân để có sự đồng thuận cao hơn nữa, chú ý giải quyết tốt đơn thư khiếu nại của người dân để tạo sự ổn định cho phát triển.
Công Nghĩa