Đình làng Nghĩa An, phường Đông Thanh, TP. Đông Hà là nơi từng diễn ra các cuộc mít tinh của Mặt trận Việt Minh kêu gọi Nhân dân nổi dậy giành chính quyền trong Cách mạng tháng Tám năm 1945. Di tích đã được công nhận cấp quốc gia- Ảnh: Đ.T
Năm 1936, sau khi Chính phủ Mặt trận Nhân dân ở Pháp ban hành chính sách ân xá tù chính trị, nhiều cán bộ, đảng viên bị thực dân Pháp giam cầm ở Côn Đảo, Buôn Ma Thuột, nhà lao Quảng Trị được tự do, trong đó có nhiều cán bộ, đảng viên ở Quảng Trị. Ở trong nước, Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết định chuyển hướng chiến lược đấu tranh. Mục tiêu trước mắt là đòi dân sinh, dân chủ, tự do, cơm áo, hòa bình.
Trong bối cảnh tình hình quốc tế, trong nước chuyển biến thuận lợi, Đảng bộ Quảng Trị đã nhận được sự lãnh đạo và chỉ đạo của Xứ ủy, trực tiếp là đồng chí Lê Duẩn - Bí thư Xứ ủy. Đồng chí không chỉ đến các địa phương vận động, giác ngộ quần chúng; giáo dục, phổ biến đường lối, chủ trương mới của Quốc tế Cộng sản, Đảng Cộng sản Đông Dương cho cán bộ, đảng viên, mà còn thường xuyên góp ý sát đúng, kịp thời về phong trào cách mạng trong tỉnh, nhất là về việc kết hợp giữa phát động quần chúng đấu tranh với công tác xây dựng thực lực cách mạng, xây dựng Đảng bộ.
Tháng 10/1936, vừa ở nhà tù Côn Đảo về, đồng chí Lê Duẩn chủ động tổ chức truyền đạt cho các đảng viên cộng sản trong tỉnh tinh thần Nghị quyết của Quốc tế Cộng sản lần thứ VII, Nghị quyết Đại hội Đảng Cộng sản Đông Dương lần thứ nhất, giải thích ý nghĩa của Mặt trận Nhân dân Pháp và Mặt trận dân tộc thống nhất chống Nhật ở Trung Quốc đối với cách mạng nước ta; giải thích về sự chuyển hướng chỉ đạo chiến lược và hình thức, phương pháp đấu tranh hiện tại. Phong trào Đông Dương Đại hội phát triển rầm rộ, nhất là ở Vĩnh Linh với 72/93 làng thành lập được Ủy ban hành động.
Phong trào Đón Gôđa với trên 1 vạn người dân Quảng Trị tham gia đón tiếp trong hai ngày 25 và 26/2/1937 đã chuyển tận tay Gôđa bản thỉnh nguyện. Phong trào đấu tranh nghị trường, ủng hộ hai ứng cử viên được Đảng ủng hộ là Phan Triệu Khanh và Trần Đăng Hiến đắc cử vào Viện dân biểu Trung Kỳ khóa III (8/1937). Phong trào đấu tranh chống dự án tăng thuế thu hút hàng ngàn Nhân dân Triệu Phong, Cam Lộ, Vĩnh Linh tham gia biểu tình, đưa yêu sách lên đại biểu Viện dân biểu Trung Kỳ đòi giảm thuế, hoãn thuế, đòi quyền lợi dân sinh dân chủ.
Tháng 6/1937, tại thôn Phú Long (Hải Phú, Hải Lăng), Hội nghị đại biểu Đảng bộ tỉnh được tổ chức dưới sự chủ trì của đồng chí Lê Duẩn. Hội nghị bầu Ban Chấp hành Đảng bộ gồm 7 ủy viên. Đồng chí Hoàng Hữu Chấp được cử làm Bí thư Tỉnh ủy. Tháng 9/1937, đồng chí Hoàng Hữu Chấp bị địch bắt, đồng chí Trần Mạnh Quỳ được cử làm Bí thư Tỉnh ủy. Sau Hội nghị Tỉnh ủy, các Huyện ủy Triệu Phong, Cam Lộ, Gio Linh, Vĩnh Linh, Hải Lăng đều được thành lập lại. Toàn tỉnh có 100 đảng viên, sinh hoạt trong 20 chi bộ.
Tháng 8/1939, Tỉnh ủy họp để nhận định tình hình thế giới, trong nước và ra nghị quyết chuyển hướng hoạt động của Đảng vào bí mật, chuyển cơ quan Tỉnh ủy từ Long Hưng (Hải Lăng) về Hà Xá (Triệu Phong), quyết định cán bộ chủ chốt tỉnh, huyện phải thoát ly không để sa vào tay địch.
Tháng 9/1939, chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ, hoạt động của Đảng bộ bước sang thời kỳ mới - thời kỳ chuyển hướng hoạt động của Đảng bộ vào bí mật, chuẩn bị điều kiện cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.
Phong trào cách mạng thời kỳ 1936-1939 ở Quảng Trị được phát động chủ yếu là do công lao rất lớn của các chiến sĩ cách mạng thời kỳ 1930-1935 mà trước hết là công lao của toàn Đảng bộ tỉnh Quảng Trị dưới sự lãnh đạo của Xứ ủy Trung Kỳ.
Thu Hà - Châu Minh
Bài 3: Quảng Trị trong thời kỳ khởi nghĩa giành chính quyền (1939-1945)