Đảng cầm quyền Hàn Quốc trước nguy cơ phân rã

Đảng cầm quyền Hàn Quốc trước nguy cơ phân rã
4 giờ trướcBài gốc
Việc Tổng thống Yoon Suk Yeol bị đình chỉ chức vụ và quyền hạn ngay khi Văn phòng Tổng thống tiếp nhận nghị quyết luận tội từ Quốc hội, được cho là sẽ phần nào giúp giảm bớt sự bất ổn trên chính trường Hàn Quốc những ngày qua. Song thực tế những rủi ro chính trị chưa thể lường hết khi Đảng Quyền lực Nhân dân cầm quyền đang đứng trước nguy cơ phân rã khi sự chia rẽ nội bộ giữa những người ủng hộ và phản đối việc luận tội ông Yoon Suk Yeol có xu hướng ngày càng gia tăng. Cùng với đó là việc phe đối lập liên tục thúc giục Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc ra phán quyết về việc phế truất đối với nhà lãnh đạo này.
Cuộc họp ban lãnh đạo đảng Quyền lực Nhân dân ở Seoul, ngày 5/12/2024. Ảnh: Yonhap
Nhiệm kỳ của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol sẽ kết thúc ngày 9/5/2027, song với viễn cảnh ông sớm rời nhiệm sở, đặc biệt là sau khi Quốc hội bỏ phiếu luận tội ông ngày 14/12, có một số ứng cử viên đang được cân nhắc vào vị trí thay thế ông. Trên lý thuyết, ông Yoon Suk Yeol vẫn có khả năng được phục chức khi Tòa án Hiến Pháp ra quyết định cuối cùng trong việc chấp thuận hay bác bỏ yêu cầu cách chức ông. Tuy nhiên, các cuộc thảo luận hiện chủ yếu xoay quanh nhà lãnh đạo kế nhiệm của Hàn Quốc.
Đã có ít nhất12 nghị sĩ của đảng Quyền lực Nhân dân (PPP) cầm quyền bỏ phiếu ủng hộ việc luận tội Tổng thống, đi ngược lại lập trường chính thức của đảng này. Sau khi diễn ra phiên bỏ phiếu, 5 thành viên Hội đồng Tối cao của đảng cầm quyền đã để ngỏ ý định từ chức để chịu trách nhiệm cho việc kiến nghị luận tội được thông qua. Trong khi đó, theo nội quy của đảng này, Hội đồng Tối cao sẽ bị giải tán nếu có từ 4 thành viên trở lên từ chức và trong trường hợp đó, đảng Quyền lực Nhân dân sẽ phải thành lập một Ủy ban ứng phó khẩn cấp. Đáng chú ý là người đứng đầu đảng cầm quyền, ông Han Dong Hoon cũng sẽ phải từ chức. Trong thông báo mới nhất, đảng Quyền lực Nhân dân cho biết sẽ triệu tập cuộc họp vào ngày 16/12 để thảo luận về việc chuyển sang cơ chế ứng phó khẩn cấp.
Trong khi đó, phe đối lập đang ra sức kêu gọi Tòa án Hiến pháp nhanh chóng hành động. Ông Lee Jae Myung, Chủ tịch đảng Dân chủ đối lập Hàn Quốc nhấn mạnh: “Tôi kêu gọi Tòa án Hiến pháp nhanh chóng tiến hành quá trình luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol. Đó là cách duy nhất để giảm thiểu sự hỗn loạn của đất nước và nỗi đau khổ của người dân. Để buộc những người đã gây ra tình huống vô lý này phải chịu trách nhiệm cũng như để ngăn chặn sự việc tái diễn, điều cần thiết lúc này là phải điều tra kỹ lưỡng và truy cứu trách nhiệm”.
Hiện dấy lên lo ngại những rủi ro chính trị sẽ còn xuất hiện trong phiên tòa luận tội tới đây của Tòa án Hiến pháp. Ông Chang Young Soo, giáo sư luật tại Đại học Hàn Quốc ở Seoul, cho biết yếu tố quyết định trong phiên tòa luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol sẽ là liệu tòa án có công nhận cáo buộc nổi loạn hay không:
"Tuyên bố thiết quân luật là vi hiến và bất hợp pháp vì nó không đáp ứng các yêu cầu và có những vấn đề về thủ tục. Không có cuộc chiến pháp lý nào về vấn đề này và điểm đó sẽ được công nhận tại Tòa án Hiến pháp. Tội danh nổi loạn sẽ được tranh luận gay gắt tại tòa. Bởi như những gì Tổng thống Yoon Suk Yeol đã tuyên bố, ông ấy sẽ bào chữa rằng “tại sao đây lại có thể là một cuộc nổi loạn được? Có cuộc nổi loạn nào chỉ kéo dài hai giờ không? Tôi đã dỡ bỏ thiết quân luật vì quốc hội yêu cầu như vậy. Chỉ có một số ít binh lính được triển khai đến quốc hội”, ông Chang Young Soo nói.
Tòa án Hiến pháp có tối đa 6 tháng để ra quyết định về việc miễn nhiệm Tổng thống Yoon Suk Yeol. Nếu ông Yoon Suk Yeol bị miễn nhiệm hoặc tuyên bố từ chức, một cuộc bầu cử mới sẽ được tổ chức trong vòng 60 ngày. Quyền Tổng thống Hàn Quốc Han Duck Soo ngày 15/12 đã có động thái trấn an các đồng minh và làm dịu thị trường tài chính sau khi Tổng thống Yoon Suk Yeol bị luận tội.
Phương Anh/VOV1 Tổng hợp
Nguồn VOV : https://vov.vn/the-gioi/dang-cam-quyen-han-quoc-truoc-nguy-co-phan-ra-post1142233.vov