Đảng Cộng hòa không ngừng nhắc đến Biden dù ông đã rời nhiệm sở. Ảnh: Reuters.
Dù đã rời Nhà Trắng được nửa năm, cựu Tổng thống Joe Biden vẫn là cái tên liên tục được nhắc đến trong các phát ngôn, cuộc điều tra và chương trình nghị sự của Đảng Cộng hòa.
Từ Tổng thống Donald Trump đến các nghị sĩ Hạ viện và Thượng viện, nhiều người dường như vẫn đang bị "ám ảnh" bởi người tiền nhiệm.
Hàng loạt cuộc điều tra đã được khởi xướng: từ cáo buộc các phụ tá thân cận của ông Biden che giấu tình trạng suy giảm thể chất và tinh thần của ông trong nhiệm kỳ, đến việc truy cứu trách nhiệm liên quan đến việc sử dụng bút ký tự động (autopen) để phê duyệt văn bản.
Thậm chí, chính quyền Trump thậm chí coi autopen là “một trong những bê bối lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ”.
Thế nhưng, việc liên tục đưa ông Biden trở lại tâm điểm dư luận có thể phản tác dụng, không chỉ làm lu mờ chính sách của Tổng thống Trump, mà còn gây chia rẽ trong nội bộ cử tri trước thềm bầu cử giữa nhiệm kỳ 2026.
“Đa số người Mỹ coi Joe Biden là chuyện của quá khứ”, chuyên gia thăm dò dư luận đảng Cộng hòa Whit Ayres nhận định. “Tập trung vào ông ấy quá nhiều có thể khiến đảng Cộng hòa bỏ lỡ cơ hội khẳng định thành quả cầm quyền hiện tại”.
"Mồi lửa" autopen
Từng liên tục công kích tuổi tác và năng lực của ông Biden trong chiến dịch 2024, ông Trump tiếp tục nhấn mạnh rằng vị cựu tổng thống không đủ sức đảm nhiệm công việc lãnh đạo, bất chấp việc ông Biden đã rút lui và trao lại vai trò ứng viên cho Phó tổng thống Kamala Harris.
Thay vì tập trung quảng bá gói chính sách thuế và chi tiêu lớn được gọi là “Siêu dự luật”, ông Trump và các đồng minh lại đẩy mạnh cuộc điều tra về autopen.
Nghị sĩ Derrick Van Orden gọi đây là “một vụ bê bối lớn”, còn nghị sĩ Nick Lalota thì cho biết cử tri New York đang “rất muốn biết ai thực sự điều hành đất nước trong những ngày cuối nhiệm kỳ của Biden”.
6 tháng sau khi rời Nhà Trắng, ông Joe Biden vẫn là tâm điểm công kích của phe Cộng hòa. Ảnh: Reuters.
Thư ký báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt thì khẳng định chính quyền Trump đang điều tra nghiêm túc việc lạm dụng công cụ phê duyệt tự động trong thời Biden, đặt câu hỏi về tính hợp pháp của các quyết định hành pháp từng được ban hành.
Cựu Tổng thống Biden sau đó phản hồi rằng các quyết định dưới thời ông đều do chính ông đưa ra và mọi cáo buộc từ phe Cộng hòa là “nực cười và hoàn toàn sai sự thật”.
Tại Hạ viện, Ủy ban Giám sát đã mở các phiên điều trần liên quan đến autopen và năng lực tổng thống của ông Biden. Các nhân vật chủ chốt như bác sĩ riêng của ông Biden và một cố vấn thân cận của bà Jill Biden đều bị triệu tập, nhưng từ chối khai báo, viện dẫn quyền Tu chính án thứ Năm.
Nghị sĩ Wesley Bell (đảng Dân chủ, bang Missouri) gọi cuộc điều tra này là “một sự lãng phí thời gian phi lý,” cho rằng nó chỉ nhằm đánh lạc hướng cử tri khỏi các vấn đề dân sinh cấp thiết.
Chủ tịch Ủy ban Giám sát của Hạ viện James Comer (đảng Cộng hòa) tuyên bố sẽ tiếp tục triệu tập thêm nhiều cựu quan chức Nhà Trắng thời Biden như Ron Klain, Jeff Zients, Mike Donilon, Anita Dunn, Bruce Reed... Các phiên điều trần được lên lịch kéo dài đến cuối tháng 9 - hứa hẹn giữ đề tài này ở tâm điểm truyền thông.
Cộng hòa bị phân tâm, Dân chủ im lặng chiến lược
Khi Đảng Cộng hòa mải tấn công quá khứ, chính những chính sách hiện tại của ông Trump, đặc biệt là siêu dự luật "to, đẹp" lại chưa được cử tri đón nhận mạnh mẽ. Gói chính sách này bao gồm cắt giảm thuế, thắt chặt an ninh biên giới và cắt giảm phúc lợi như Medicaid.
Theo khảo sát của Trung tâm AP-NORC, gần 2/3 người Mỹ tin rằng đạo luật chỉ có lợi cho giới nhà giàu. Một cuộc khảo sát khác cho thấy chỉ khoảng 25% người Mỹ cảm thấy chính sách của ông Trump đang giúp họ cải thiện đời sống.
Ông cũng không giành được đa số ủng hộ trong bất kỳ lĩnh vực then chốt nào, từ kinh tế, nhập cư đến y tế và chi tiêu công.
Đạo luật "To, đẹp" của ông Trump chưa thực sự thuyết phục được người dân Mỹ. Ảnh: Reuters.
“Trong bối cảnh đó, việc tiếp tục truy đuổi ông Biden là điều cực kỳ thiếu nhạy cảm”, nghị sĩ Bell chỉ trích. “Người dân Mỹ muốn thấy những giải pháp thực tế cho cuộc sống của họ như giá cả sinh hoạt, nhà ở, y tế”.
Thêm vào đó, chính ông Trump cũng đang vướng tranh cãi với nhóm cử tri trung thành vì Bộ Tư pháp không công bố thêm hồ sơ về vụ Jeffrey Epstein - điều mà nhiều người cho rằng còn quan trọng hơn cả những gì đã xảy ra với ông Biden.
Trong khi đảng Cộng hòa ráo riết “đào bới” nhiệm kỳ của ông Biden, đảng Dân chủ dường như chọn cách giữ im lặng chiến lược. Nhiều thành viên đảng này thừa nhận họ không muốn dành thêm thời gian nói về một cựu tổng thống từng rơi xuống mức tín nhiệm thấp kỷ lục và buộc đảng phải thay đổi ứng viên tranh cử vào phút chót.
Tuy nhiên, phe Dân chủ cũng nhấn mạnh bài học từ cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2018 khi họ giành lại Hạ viện nhờ sự ủng hộ của cử tri ôn hòa, bao gồm cả những người Cộng hòa bất mãn với ông Trump.
Nghị sĩ Don Beyer (Dân chủ, Virginia) chia sẻ rằng ông Biden là một tổng thống có nhiều thành tựu nhưng thừa nhận “không còn ở đỉnh cao phong độ do tuổi tác”.
Phe Dân chủ, theo ông, cần tập trung vào mục tiêu ngắn hạn: “Giành lại Hạ viện, mở rộng thế mạnh ở Thượng viện. Và quan trọng hơn cả, tìm ra người đủ sức đại diện đảng trong cuộc đua năm 2028”.
Phương Linh