Dạng dữ liệu nào sẽ được ưa chuộng để giao dịch?

Dạng dữ liệu nào sẽ được ưa chuộng để giao dịch?
7 giờ trướcBài gốc
Bà Mai Thị Thanh Oanh, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Cốc Cốc nhấn mạnh trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Công Thương.
- Luật Dữ liệu, trong đó có nội dung về sàn dữ liệu chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2025. Theo bà, việc có sàn dữ liệu có vai trò như thế nào tới việc khai thác, sử dụng, phát triển và bảo vệ dữ liệu tại Việt Nam?
Bà Mai Thị Thanh Oanh: Luật Dữ liệu có hiệu lực từ 1/7/2025, khẳng định dữ liệu là tài nguyên, thúc đẩy phát triển toàn diện, trong đó có sàn dữ liệu và các sản phẩm dữ liệu. Đây là là cột mốc quan trọng, thể hiện bước chuyển có hệ thống trong cách tiếp cận và quản trị tài nguyên dữ liệu tại Việt Nam.
Bà Mai Thị Thanh Oanh, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Cốc Cốc
Luật xác lập khung pháp lý thống nhất, tạo nền tảng cho việc khai thác dữ liệu hợp pháp, hiệu quả và an toàn, giúp doanh nghiệp yên tâm đầu tư vào hạ tầng dữ liệu nội địa, theo hướng Make in Việt Nam, phục vụ chuyển đổi số quốc gia.
Luật có điều khoản nhấn mạnh nguyên tắc “bảo đảm công khai, minh bạch, bình đẳng trong tiếp cận, khai thác và sử dụng dữ liệu theo quy định của pháp luật”, “lưu trữ, kết nối, điều phối, chia sẻ, khai thác, sử dụng dữ liệu bảo đảm hiệu quả, đơn giản, thuận tiện cho cơ quan, tổ chức, cá nhân trong thực hiện dịch vụ công, thủ tục hành chính và các hoạt động khác” (Điều 5).
Đồng thời, cũng có quy định yêu cầu thiết lập cơ chế cảnh báo sớm về rủi ro phát sinh trong xử lý dữ liệu, xây dựng biện pháp để bảo vệ dữ liệu (Điều 25). Đây là cơ sở quan trọng, tạo tiền đề cho việc vận hành sàn giao dịch dữ liệu bảo mật và đáng tin cậy.
Định hướng của Luật Dữ liệu cũng nhất quán với tinh thần của Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia đó là khai thác tối đa tiềm năng của dữ liệu, đưa dữ liệu thành tư liệu sản xuất chính…
Việc xây dựng sàn giao dịch dữ liệu trong khuôn khổ luật pháp sẽ góp phần kiến tạo hệ sinh thái dữ liệu quốc gia an toàn, cạnh tranh và sáng tạo - nơi nhà nước quản lý, doanh nghiệp đồng hành, góp sức kiến tạo và người dân được bảo vệ.
- Xin bà cho biết những dữ liệu nào nên được xem là hàng hóa và đưa lên sàn giao dịch và những dạng dữ liệu nào có xu hướng được giao dịch nhiều nhất?
Bà Mai Thị Thanh Oanh: Việc coi dữ liệu là hàng hóa để đưa lên sàn giao dịch dữ liệu cần dựa trên ba nguyên tắc cốt lõi: Giá trị khai thác thương mại, mức độ tái sử dụng, và khả năng đảm bảo pháp lý. Không phải mọi loại dữ liệu đều phù hợp đưa lên sàn giao dịch. Những dữ liệu nhạy cảm, chưa được xử lý hoặc không rõ nguồn gốc cần được kiểm soát chặt chẽ để tránh xâm phạm quyền riêng tư và rủi ro an ninh..
Cụ thể, các nhóm dữ liệu có thể được xem là hàng hóa và phục vụ cho giao dịch gồm: Dữ liệu phi cá nhân (Non-personal Data) như thông tin thời tiết, bản đồ địa lý, giá cả thị trường, dữ liệu môi trường; dữ liệu hành vi đã ẩn danh như dữ liệu lướt web (clickstream), hành vi tiêu dùng, lịch sử mua hàng, tương tác ứng dụng sau khi đã loại bỏ thông tin định danh; dữ liệu tổng hợp về thị trường, ngành hàng, xu hướng như thống kê ngành, phân tích thị trường, xu hướng tiêu dùng,...
Trong xu thế hiện tại, theo tôi các dạng dữ liệu sẽ được ưa chuộng để giao dịch là dữ liệu tiêu dùng (hành vi, xu hướng); dữ liệu tài chính-chi tiêu (đã xử lý ẩn danh); dữ liệu thị trường và chuỗi cung ứng. Những dữ liệu này là đầu vào thiết yếu cho các mô hình AI, hoạt động marketing, dự báo thị trường và phân tích rủi ro. Nếu được giao dịch minh bạch, có kiểm soát - đúng như quy định của Luật Dữ liệu, đây sẽ là “nguồn năng lượng sạch” cho nền kinh tế số.
- Để sàn dữ liệu vừa đảm bảo khai thác hiệu quả dữ liệu, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế, vừa bảo vệ quyền lợi của các bên liên quan, Việt Nam nên chọn hoặc vận hành mô hình sàn dữ liệu như thế nào, thưa bà?
Bà Mai Thị Thanh Oanh: Trên thế giới đang vận hành nhiều mô hình sàn giao dịch dữ liệu khác nhau như Sàn giao dịch tập trung; sàn giao dịch phi tập trung, sàn giao dịch dữ liệu theo ngành dọc... Mỗi mô hình này đều có ưu điểm và hạn chế riêng. Việc lựa chọn mô hình cụ thể để vận hành trên thực tế sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: nhu cầu sử dụng dữ liệu, quản lý dữ liệu, tính minh bạch hóa, tính bảo mật của dữ liệu...
Đội ngũ phát triển sản phẩm trình duyệt Cốc Cốc
Tại Việt Nam, Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị đặt mục tiêu thúc đẩy kinh tế tư nhân, trong đó có các doanh nghiệp công nghệ, được xác định là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế.
Từ góc nhìn của một doanh nghiệp công nghệ, tôi cho rằng mô hình “nhà nước kiến tạo - tư nhân đồng hành” sẽ phù hợp để hướng tới mục tiêu trên. Theo đó, Nhà nước đóng vai trò dẫn dắt đường lối, ban hành tiêu chuẩn, giám sát pháp lý và bảo vệ quyền lợi; trong khi doanh nghiệp công nghệ nội địa cung cấp nền tảng kỹ thuật, hệ thống phân tích và cơ chế vận hành chuyên môn hóa.
Để vận hành hiệu quả, sàn nên ứng dụng các công nghệ tiên tiến như: Blockchain trong xác thực, AI trong tổng hợp và phân tích dữ liệu, hợp đồng điện tử, chữ ký số trong giao dịch, đồng thời áp dụng hệ thống tín nhiệm minh bạch, với các tiêu chí rõ ràng (lịch sử giao dịch, chất lượng dữ liệu cung cấp, phản hồi/khiếu nại từ các bên liên quan...). Điều này sẽ giúp sàn giao dịch cũng như hệ sinh thái dữ liệu trở nên an toàn, có trách nhiệm, đáng tin cậy hơn.
Khi vai trò các bên được phát huy đúng mức, sàn giao dịch dữ liệu sẽ trở thành cấu phần thiết yếu trong hạ tầng số quốc gia, phục vụ đa mục tiêu: phát triển kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh và bảo vệ chủ quyền dữ liệu Việt Nam.
- Là đơn vị hoạt động trong lĩnh vực dữ liệu (công cụ tìm kiếm và trình duyệt), bà đánh giá gì về việc sàn dữ liệu đi vào hoạt động sẽ tác động, hỗ trợ như thế nào tới hoạt động kinh doanh và cung cấp dịch vụ của công ty?
Bà Mai Thị Thanh Oanh: Với vai trò là nền tảng công nghệ cung cấp trình duyệt web, công cụ tìm kiếm và dịch vụ quảng cáo trực tuyến, chúng tôi tin rằng sàn giao dịch dữ liệu sẽ mang đến những tác động sâu rộng, đặc biệt trong bối cảnh doanh nghiệp đang đẩy mạnh ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để nâng cao chất lượng sản phẩm và trải nghiệm người dùng.
Để phát triển các mô hình AI hiệu quả, không thể thiếu dữ liệu chất lượng - phong phú, đa dạng, phản ánh sát hành vi và nhu cầu thực tế của người dùng. Nhưng đồng thời, việc sử dụng dữ liệu cũng cần đảm bảo quyền riêng tư và tính tuân thủ pháp lý.
Sàn giao dịch dữ liệu, nếu vận hành minh bạch và tuân thủ đúng chuẩn pháp lý, sẽ là kênh chính thống để tiếp cận nguồn dữ liệu có giá trị cao - được phân loại, xử lý, ẩn danh và đảm bảo quyền riêng tư theo đúng quy định của Luật Dữ liệu và các quy định liên quan.
Điều này giúp giúp doanh nghiệp như Cốc Cốc tiếp cận nguồn dữ liệu đã xử lý hợp pháp - phục vụ cho việc huấn luyện mô hình AI, cải thiện thuật toán gợi ý, nâng cao độ chính xác trong tìm kiếm và quảng cáo.
Đặc biệt, với nguồn dữ liệu được phân loại rõ ràng, ẩn danh và xác thực uy tín từ sàn giao dịch, doanh nghiệp sẽ giảm đáng kể rủi ro pháp lý khi triển khai các chiến dịch marketing hoặc sản phẩm AI ứng dụng trên diện rộng, chủ động hơn trong quản trị dữ liệu, đồng thời tạo dựng niềm tin với người dùng - yếu tố cốt lõi để phát triển bền vững trong kỷ nguyên số.
Khi cơ chế dữ liệu minh bạch được hình thành, các doanh nghiệp nội địa như Cốc Cốc sẽ có thêm điều kiện phát huy năng lực công nghệ, đồng hành cùng Chính phủ trong việc phát triển hạ tầng số và chủ quyền dữ liệu quốc gia.
Xin cảm ơn bà!
Theo Luật Dữ liệu: Sàn dữ liệu là nền tảng cung cấp tài nguyên liên quan đến dữ liệu để phục vụ nghiên cứu, phát triển khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; cung cấp các sản phẩm, dịch vụ liên quan đến dữ liệu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; là môi trường để giao dịch, trao đổi dữ liệu và các sản phẩm, dịch vụ liên quan đến dữ liệu.
Quỳnh Nga (thực hiện)
Nguồn Công Thương : https://congthuong.vn/dang-du-lieu-nao-se-duoc-ua-chuong-de-giao-dich-410586.html