Dẫn đầu đoàn đại biểu, có chị Hồ Hồng Nguyên - Trưởng Ban Thanh niên Trường học T.Ư Đoàn, Phó Chủ tịch Thường trực T.Ư Hội SVVN; chị Lâm Như Quỳnh - Bí thư Tỉnh Đoàn Bến Tre.
Nhân kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống học sinh, sinh viên và Hội Sinh viên Việt Nam, đoàn công tác T.Ư Hội SVVN, cán bộ Đoàn trường học tham gia Trại huấn luyện Trần Văn Ơn tỉnh Bến Tre năm 2025, đại diện cho các đoàn viên, thanh niên, học sinh, sinh viên, trước tượng đài anh Trần Văn Ơn đã kính cẩn nghiêng mình tỏ lòng thành kính, biết ơn vô hạn.
Các cán bộ Đoàn trường học nguyện tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, đoàn kết thương yêu, ra sức học tập, nghiên cứu khoa học để xứng đáng là người con của quê hương Đồng Khởi, góp phần công sức nhỏ bé của mình để xây dựng quê hương đất nước ngày thêm giàu đẹp.
Đoàn công tác T.Ư Hội SVVN viếng Anh hùng liệt sĩ Trần Văn Ơn.
Cán bộ Đoàn trường học tham gia Trại huấn luyện Trần Văn Ơn tỉnh Bến Tre năm 2025 viếng Anh hùng liệt sĩ Trần Văn Ơn.
Anh Trần Văn Ơn (sinh ngày 29/05/1931) tại xã Phước Thạnh, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre. Lúc nhỏ, Trần Văn Ơn theo học ở quê nhà. Năm 1941 theo học trường Trung học Mỹ Tho. Năm 1943, học đứng đầu bảng được học bổng. Năm 1947, Trần Văn Ơn lên Sài Gòn học trường Pétrus Ký. Tại đây, anh tham gia phong trào học sinh yêu nước của trường và được coi là một trụ cột của phong trào; đồng thời anh còn gia nhập Hội học sinh Việt Nam - Nam bộ.
Theo T.Ư Hội SVVN, trước ngày kỷ niệm 9 năm khởi nghĩa Nam Kỳ (23 tháng 11), chính quyền Pháp đã bắt cóc một số học sinh của trường Pétrus Ký, dẫn đến cuộc bãi khóa của học sinh 10 trường ở Sài Gòn vào ngày 23 tháng 11 năm 1949.
Lúc này, Trần Văn Ơn đang chuẩn bị thi tú tài, nhưng vẫn tích cực tham gia cuộc bãi khóa, đứng đầu nhóm học sinh của trường Pétrus Ký đi biểu tình.
Ngày 9/1/1950, Trần Văn Ơn đã dẫn đầu đoàn biểu tình với hơn 6.000 học sinh - sinh viên và giáo viên các trường cùng hàng trăm biểu ngữ, khẩu hiệu: đòi quyền lợi thả sinh viên bị bắt; đòi thả số học sinh bị bắt; đòi mở cửa trường; đòi học tiếng mẹ đẻ; chống quân sự hóa trong nhà trường…
Khoảng 13 giờ ngày hôm đó, chính quyền Sài Gòn huy động một lực lượng lớn cảnh sát, kết hợp với lính lê dương đã bao vây khu vực sinh viên, học sinh biểu tình và gây ra một cuộc đàn áp đẫm máu.
Cuộc đàn áp này đã dẫn tới việc bắt đi 150 người, đánh đập 30 người trọng thương tại chỗ. Không lùi bước trước kẻ thù, Trần Văn Ơn cùng một số bạn bè hiên ngang tiến về phía trước, lớn tiếng tố cáo tội ác của chúng, đồng thời che chở cho các em nhỏ ở phía sau. Trong lúc khiêng một nữ sinh của Trường Gia Long bị cảnh sát đánh ngất, Trần Văn Ơn bị trúng đạn vào bụng và qua đời vào 16 giờ hôm đó, khi chưa đầy 19 tuổi.
Lễ tang Trần Văn Ơn được cử hành khắp các tỉnh thành trên cả nước. Hàng triệu lượt học sinh, sinh viên và đồng bào các giới đã đeo băng tang tham gia truy điệu để tỏ lòng thương tiếc và xuống đường tuần hành bày tỏ chí căm thù.
Trước linh cữu anh là hương án có 2 câu viết bằng máu của học sinh: “Chết vì Tổ quốc, chết mà vẫn sống/ Sống kiếp Việt gian, ô nhục muôn đời”.
Anh được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân năm 2000. Ngày hy sinh của anh - ngày 9/1, hàng năm được lấy làm Ngày truyền thống học sinh, sinh viên Việt Nam.
Châu Linh