Các đại biểu thăm Di tích địa điểm chuyển quân tập kết ra Bắc.
Sau thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ (7-5-1954), Hiệp định Genève được ký kết (21-7-1954), tạm thời chia cắt đất nước ở vĩ tuyến 17, tạo điều kiện để các bên tham chiến tập kết lực lượng. Theo đó, miền Bắc tiến lên xây dựng Chủ nghĩa xã hội, miền Nam tạm thời do quân đội Liên hiệp Pháp kiểm soát, chờ ngày tổng tuyển cử thống nhất quốc gia.
Cảng Quy Nhơn được chọn là điểm duy nhất tại miền Nam để thực hiện việc tập kết 300 ngày, đưa các lực lượng kháng chiến và cán bộ Liên khu V ra miền Bắc. Trong giai đoạn 1954 - 1955, hơn 20.000 cán bộ, chiến sĩ, nhân dân từ các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, trong đó có hơn 10.700 người quê Bình Định, đã tập trung tại đây để xuống tàu tập kết. Những cuộc chia tay đầy xúc động giữa người đi và người ở lại đã khắc ghi dấu ấn không thể phai mờ trong lịch sử cách mạng Việt Nam.
Ngày 16-5-1955, chuyến tàu cuối cùng đưa cán bộ, bộ đội rời bến cảng Quy Nhơn ra Bắc. Đây là một sự kiện lịch sử quan trọng của phong trào cách mạng của Bình Định nói riêng và các tỉnh, thành trong khu vực nói chung; nhiệm vụ này vừa là vinh dự, vừa là trách nhiệm lớn lao mà Đảng và Bác Hồ tin tưởng giao cho Đảng bộ và Nhân dân Bình Định thực hiện hoàn thành, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Hà Vy