Di tích lịch sử-văn hóa Quốc gia Đình Tân Hưng là nơi treo cờ Đảng Cộng sản Đông Dương đầu tiên tại Cà Mau vào năm 1930.
Chiều 3/2, nhân kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930-3/2/2025), Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Nguyễn Hồ Hải cùng đoàn đại biểu Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Cà Mau đến dâng hương tri ân, tưởng nhớ tiền nhân đã có công khai phá, lập đất, lập làng và những thế hệ tiền bối cách mạng của tỉnh tại Di tích Đình Tân Hưng (ấp Xóm Lớn, xã Lý Văn Lâm) và Nhà tưởng niệm Cái Nhúc-Tân Thành (phường Tân Thành), thành phố Cà Mau.
Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Nguyễn Hồ Hải thành kính dâng hương tiền nhân và các thế hệ tiền bối cách mạng tại Di tích Đình Tân Hưng.
Tại Di tích Đình Tân Hưng, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Nguyễn Hồ Hải đã thành kính dâng hương tri ân, tưởng nhớ tiền nhân và các thế hệ tiền bối cách mạng.
Năm 1852, Đình Tân Hưng được vua Tự Đức sắc phong Thành Hoàng Bổn Cảnh. Đây cũng là nơi treo cờ Đảng Cộng sản Đông Dương đầu tiên tại Cà Mau (năm 1930) và là nơi đóng quân của Bộ Chỉ huy Mặt trận Tân Hưng, mặt trận chống Pháp tại Cà Mau.
Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Nguyễn Hồ Hải (giữa) cùng đại diện lãnh đạo tỉnh Cà Mau nghe thuyết trình về Di tích Đình Tân Hưng gắn với sự kiện cờ Đảng tung bay lần đầu tiên trên mảnh đất Cà Mau.
Tháng 1/1930, Chi bộ Đảng Cộng sản thị trấn Cà Mau ra đời, đã tuyên truyền giác ngộ cách mạng trong công nhân, nông dân, người lao động thành thị, học sinh, trí thức yêu nước và vận động phong trào cách mạng của quần chúng đấu tranh đòi quyền lợi dân sinh, dân chủ.
Đêm 1/5/1930, Lương Thế Trân, Nguyễn Thế Cao, Nguyễn Ngọc Hương - 3 thanh niên trẻ tuổi vẽ cờ đỏ búa liềm, viết trên lá cờ dòng chữ: “Diệt trừ Pháp tặc” treo trên ngọn cây dương trước cửa Đình Tân Hưng.
Đình được xây dựng từ năm 1907, trải qua nhiều biến cố của chiến tranh và nhiều lần được trùng tu, xây dựng lại được khang trang như ngày nay. Ngày 4/8/1992, Bộ Văn hóa-Thông tin đã công nhận Đình Tân Hưng là Di tích lịch sử-văn hóa cấp Quốc gia.
Bên trong đình, chính giữa thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, phía sau thờ Thần Hoàng Bổn Cảnh, phía bên phải thờ Hữu Ban, bên trái thờ Tả Ban, hai bên hông Đình thờ Tiền hiền…
Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Nguyễn Hồ Hải (thứ 3 từ trái qua) nghe giới thiệu về Nhà tưởng niệm Cái Nhúc - Tân Thành, gắn với truyền thống cách mạng hào hùng của đất và người vùng Tân Thành.
Dâng hương tại Nhà tưởng niệm Cái Nhúc – Tân Thành, đồng chí Nguyễn Hồ Hải bày tỏ lòng thành kính, khâm phục với vùng đất “địa linh, nhân kiệt” và truyền thống cách mạng vẻ vang của đất và người Tân Thành; tưởng nhớ công lao gầy dựng, khai phá của tiền nhân và đóng góp to lớn của các thế hệ tiền bối cách mạng vùng đất địa đầu cực Nam Tổ quốc.
Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Nguyễn Hồ Hải (cầm mic) gởi gắm thông điệp sau khi ghi lưu niệm thành kính tại Nhà tưởng niệm Cái Nhúc - Tân Thành.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau, Tân Thành là cái nôi truyền thống cách mạng, là một trong những nơi thành lập chi bộ Đảng đầu tiên của vùng Cà Mau - Bạc Liêu (tháng 10/1930). Truyền thống ấy vẫn được gìn giữ, tiếp nối, phát huy đến ngày nay, để Nhà tưởng niệm Cái Nhúc-Tân Thành trở thành “địa chỉ đỏ” giáo dục cho các thế hệ kế tiếp hướng về nguồn cội tổ tiên.
Với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, các thế hệ tiếp nối hôm nay phải tiếp tục gìn giữ, phát huy truyền thống ấy để ra sức học tập, lao động, xây dựng và kiến thiết quê hương, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, xứng đáng với tiền nhân.
HỮU TÙNG