Ngày 13-2, trao đổi với PLO, ông Nghiêm Thế Hùng, Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch (UBND TP Pleiku, Gia Lai), xác nhận tình trạng số người nộp hồ sơ đăng ký kinh doanh dạy thêm tại TP Pleiku tăng đột biến sau khi có Thông tư 29 của Bộ GD&ĐT. Đến nay đã tiếp nhận, xử lý khoảng 400 hồ sơ.
Nhiều ngày nay, Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Gia Lai có rất nhiều người nộp hồ sơ đăng ký kinh doanh dạy thêm theo Thông tư 29.
Theo ông Hùng, trung bình mỗi ngày đơn vị tiếp nhận hơn 60 hồ sơ đăng ký kinh doanh dạy thêm, cao hơn bình thường 100%. Nhu cầu đăng ký giấy phép kinh doanh của các tổ chức, cá nhân tổ chức dạy thêm ngoài nhà trường tăng nhiều và có hiện tượng quá tải tại khu vực tiếp nhận hồ sơ của Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Gia Lai.
Để khắc phục tình trạng quá tải, UBND TP Pleiku đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn triển khai các giải pháp nhằm đảm bảo giải quyết hồ sơ nhanh chóng, không để xảy ra tình trạng trễ hạn. Thành phố sẽ điều tiết, sắp xếp và tăng cường nhân lực, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân thực hiện thủ tục hành chính theo quy định; thời gian tiếp nhận, trả kết quả cho người dân ba ngày làm việc.
Thông tư 29 quy định các tổ chức, cá nhân tổ chức dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh phải đăng ký kinh doanh để chịu sự quản lý theo Luật Doanh nghiệp. Thông tư sẽ có hiệu lực từ ngày 14-2.
Theo ghi nhận, nhiều ngày qua tại Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Gia Lai có hàng trăm người đến bốc số chờ làm thủ tục, ngay từ sớm đã có rất đông người.
Chị Huỳnh Thị Ngọc Cẩm (giáo viên ngoài ông lập ở phường Diên Hồng, TP Pleiku), cho biết để thực hiện đúng theo Thông tư 29, chị đã nộp hồ sơ, làm giấy phép kinh doanh dạy thêm. Do có quá nhiều người nên phải chờ, dù đã đến từ sớm.
Giáo viên làm hồ sơ đăng ký kinh doanh dạy thêm theo Thông tư 29.
Theo thầy Nguyễn Văn Tàu, Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Hoa Thám (xã Biển Hồ, TP Pleiku), cho biết đến thời điểm này, nhà trường mới nhận được báo cáo của ba giáo viên có nộp hồ sơ đăng ký kinh doanh dạy thêm. Việc đăng ký này giáo viên thực hiện theo Thông tư 29.
Nhà trường chỉ nắm bắt và kiểm tra việc dạy có đúng đối tượng, có dạy học sinh của mình hay không.
Như PLO đã từng phản ánh rằng không phải trường hợp giáo viên nào cũng được đăng ký kinh doanh để dạy thêm.
Tại TP.HCM, nhiều giáo viên cũng đang tìm hiểu việc đăng ký kinh doanh để dạy thêm.
Khoản 3, Điều 4 Thông tư 29 quy định giáo viên thuộc các trường công lập không được tham gia quản lý, điều hành việc dạy thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường.
Cô V, một giáo viên trường công lập cho biết từ trước giờ cô dạy thêm tại nhà.
"Theo Thông tư 29 thì giáo viên công lập không được tự đăng ký kinh doanh để tổ chức dạy thêm. Do đó, tôi đã nhờ mẹ tôi đứng ra đăng ký kinh doanh thành lập doanh nghiệp. Như vậy, mẹ tôi sẽ là giám đốc còn tôi trở thành nhân viên làm thuê. Là giáo viên, tôi không rành mấy thủ tục này. Cho nên, tôi đã nhờ phía dịch vụ nghiên cứu và đăng ký dùm. Tôi hy vọng sẽ kịp trước khi Thông tư 29 có hiệu lực” - cô V nói.
Trao đổi với PLO, ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, khẳng định giáo viên công lập không được tự đăng ký kinh doanh để tổ chức dạy thêm tại nhà.
Hiện Sở GD&ĐT TP.HCM đang tham mưu UBND TP.HCM để sớm ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện quy định về dạy thêm, học thêm.
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT cho biết tổ chức, cá nhân tổ chức dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh thì phải đăng ký kinh doanh theo quy định. Như vậy, cá nhân không phải là giáo viên trong biên chế của các trường công lập có thể đăng ký kinh doanh hoạt động dạy thêm, học thêm.
Điều này đồng nghĩa, giáo viên các trường ngoài công lập, giáo viên tự do có thể đăng ký kinh doanh để tổ chức dạy thêm.
Về việc đăng ký kinh doanh trong trường hợp này, tổ chức hoặc cá nhân tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường có thể đăng ký kinh doanh theo quy định tại Nghị định 01/2021. Theo đó, việc đăng ký hộ kinh doanh được thực hiện tại cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đặt trụ sở hộ kinh doanh.
Hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh bao gồm: Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh; Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với chủ hộ kinh doanh, thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh trong trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh…
Theo Nghị định 122/2021 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư, trường hợp dạy thêm có thu tiền ngoài nhà trường nhưng không đăng ký thành lập hộ kinh doanh sẽ bị phạt từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng. Trường hợp phải đăng ký thành lập công ty nhưng không thực hiện đăng ký sẽ bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 100 triệu đồng...
LÊ KIẾN - NGUYỄN QUYÊN