Đảng mãi là ánh sáng soi đường- Kỳ 2: Lời thề trước Đảng

Đảng mãi là ánh sáng soi đường- Kỳ 2: Lời thề trước Đảng
4 giờ trướcBài gốc
Tự hào về Đảng, chúng ta cũng tự hào về lớp lớp những tấm gương cao đẹp của những đảng viên cộng sản kiên trung qua các thời kỳ và mãi mãi ghi nhớ công ơn về những cống hiến của những đảng viên ưu tú cho đất nước trong sự nghiệp cách mạng trước đây cũng như trong giai đoạn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Càng tự hào về dân tộc và nhân dân anh hùng, về Đảng quang vinh, chúng ta càng biết ơn sâu sắc Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại - Người sáng lập, rèn luyện Đảng ta. Người đã để lại cho dân tộc ta, Đảng ta một sự nghiệp vẻ vang, một di sản vô giá, đó là tư tưởng Hồ Chí Minh và một tấm gương trong sáng, mẫu mực, trọn đời phấn đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.
Nhà lưu niệm đồng chí Nguyễn Nghiêm, nguyên Bí thư Tỉnh ủy đầu tiên của Quảng Ngãi đón nhiều thế hệ đến thắp hương tri ân, tìm hiểu những câu chuyện hào hùng gắn liền với truyền thống cách mạng của dân tộc. Những câu chuyện ấy như ngọn lửa bất diệt, không chỉ thắp sáng tinh thần yêu nước, sự kiên cường của cha ông mà còn tiếp thêm động lực cho thế hệ hôm nay gìn giữ và phát huy truyền thống, xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu mạnh, văn minh.
Hằng năm, có nhiều học sinh, sinh viên, đoàn thanh niên đến viếng và tham quan Nhà lưu niệm đồng chí Nguyễn Nghiêm. Ảnh: TL
Đồng chí Nguyễn Nghiêm tên thật là Nguyễn Thiện, bí danh là Mười Hòa, sinh năm 1904 trong một gia đình nhà nho hiếu học và là con trai độc nhất trong gia đình có 10 người con ở xã Phổ Phong, huyện Đức Phổ (nay là thị xã Đức Phổ). Khi vừa tròn 20 tuổi, chàng thanh niên Nguyễn Nghiêm được tiếp xúc với cụ Trần Kỳ Phong và được nghe nhà cách mạng lão thành đề cập và ca ngợi chủ nghĩa cộng sản. Năm 1925, Nguyễn Nghiêm đã cùng với các ông: Lê Ngọc Thụy, Nguyễn Thiệu, Trần Kỳ Truyện lập Công Ái xã và bắt đầu tìm hiểu chủ nghĩa Mác - Lênin, truyền bá, giáo dục cho các thanh niên ở địa phương những tư tưởng cách mạng mới; cùng nhau nghiên cứu những sách viết về mácxít bằng chữ Hán. Về sau Công Ái xã giải thể, các thành viên tích cực, trong đó có chàng thanh niên yêu nước Nguyễn Nghiêm chuyển hướng hoạt động và gia nhập Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên.
Vai trò lịch sử, ý nghĩa chính trị và sự đóng góp của đồng chí Nguyễn Nghiêm đối với sự hình thành và phát triển Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi có ý nghĩa rất quan trọng. Ông là một nhà lãnh đạo rất tài năng, trí tuệ nhưng cũng rất bản lĩnh và đầy khí chất của một người cộng sản. Những năm tháng tươi đẹp nhất của tuổi trẻ, ông đều dành cho cách mạng, với lý tưởng cao đẹp - đấu tranh giải phóng dân tộc để chúng ta có những bước quan trọng trong sự phát triển của Đảng bộ tỉnh, góp phần chung cho lịch sử đấu tranh của Đảng và nhân dân.
Có rất nhiều tư liệu viết về đồng chí Nguyễn Nghiêm và có thể nói, vai trò của ông đã được khẳng định ngay từ những ngày đầu. Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, ông cũng đã liên hệ với tổ chức đảng để chuẩn bị các điều kiện thành lập tổ chức dự bị cộng sản, đưa Quảng Ngãi trở thành một trong những địa phương đầu tiên trong cả nước thành lập chi bộ cộng sản đầu tiên.
Xem video:
Những năm 1929 - 1930, phong trào cách mạng ở huyện Đức Phổ có bước phát triển mới dưới sự lãnh đạo của các tổ chức yêu nước và Chi bộ Cộng sản mới ra đời. Sau khi chi bộ cộng sản đầu tiên của huyện Đức Phổ được thành lập tại làng Tân Hội, xã Phổ Phong, đồng chí Phạm Xuân Hòa (sinh năm 1913) tại làng Thủy Thạch, xã Phổ Cường, huyện Đức Phổ (nay là thị xã Đức Phổ) đã chủ động tìm gặp các đồng chí trong chi bộ, bày tỏ ý chí, nguyện vọng được tham gia hoạt động cách mạng.
Khi được tổ chức phân công nhiệm vụ tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân đấu tranh, đồng chí đã trực tiếp tham gia cùng đông đảo quần chúng làm đường xe lửa, vận động họ tổ chức đấu tranh đòi tăng giá khoán, đòi cấp phát thuốc men, chạy chữa cho những người bị đau ốm, bệnh tật, tai nạn trong khi làm việc, bỏ cúp phạt, đánh đập. Với những hoạt động tích cực của đồng chí trong phong trào cách mạng, cuối năm 1930, đồng chí được vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng.
Ông Phạm Minh Chính (thứ hai, bên trái), cháu ngoại đồng chí Nguyễn Nghiêm trò chuyện cùng đoàn viên, thanh niên xã Phổ Phong (thị xã Đức Phổ) tại Nhà lưu niệm đồng chí Nguyễn Nghiêm. Ảnh: TL
Với những kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, đồng chí liên tục được tín nhiệm bầu tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi, giữ chức vụ Phó Bí thư Tỉnh ủy, rồi Bí thư Tỉnh ủy từ năm 1950 đến năm 1954. Trong thời gian này, đồng chí cùng Tỉnh ủy lãnh đạo nhân dân toàn tỉnh đập tan âm mưu phá hoại và các cuộc lấn chiếm vùng tự do Quảng Ngãi của địch, đồng thời cũng là hậu phương chính, trực tiếp chi viện sức người, sức của cho chiến dịch giải phóng tỉnh Kon Tum, góp phần kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Năm 1954, theo quy định của Hiệp định Giơ-ne-vơ, cán bộ, chiến sĩ ở miền Nam phải tập kết ra miền Bắc.
Nhà lưu niệm đồng chí Phạm Xuân Hòa.
Với hơn 30 năm hoạt động cách mạng, đồng chí Phạm Xuân Hòa, nguyên Bí thư Ban cán sự Trung Nam của Xứ ủy Trung Kỳ có 2 lần được Đảng bộ tỉnh tin tưởng, giao trọng trách Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi; là người chiến sĩ cộng sản trung kiên, người con ưu tú của Đảng, nhà lãnh đạo cách mạng tài năng. Bất chấp mọi gian khổ, hiểm nguy luôn đe dọa, rình rập, trong chiến đấu cũng như trong ngục tù, đồng chí luôn kiên định lập trường giai cấp công nhân, tuyệt đối tin tưởng vào đường lối của Đảng, lãnh đạo phong trào cách mạng tỉnh nhà vượt qua những thời kỳ khó khăn, thử thách nhất. Những việc làm thiết thực trên đã góp phần trấn an, củng cố lòng tin của nhân dân đối với tập thể Tỉnh ủy, với Đảng và Bác Hồ.
Trong tiết trời ấm áp của mùa xuân, lòng người cũng ngập tràn những cảm xúc thiêng liêng và đặc biệt. Với ông Nguyễn Đình Oanh (78 tuổi), một lão thành cách mạng ở xã Tịnh Sơn (Sơn Tịnh), mùa xuân đến không chỉ là niềm vui của đất trời mà còn là khoảnh khắc ý nghĩa khi ông được đón sinh nhật trùng vào ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.
Mùa xuân năm nay, đối với ông Oanh càng thêm ý nghĩa với hành trình 55 năm gắn bó với Đảng. Trong suốt hành trình ấy, ông đã trưởng thành cùng sự lớn mạnh của Đảng, để mỗi mùa xuân trôi qua đều mang theo niềm hạnh phúc và sự kiêu hãnh của một đảng viên trung thành, hết lòng vì quê hương, đất nước.
Ông Nguyễn Đình Oanh (78 tuổi), nguyên là Bí thư Huyện ủy Sơn Tịnh dành nhiều tình cảm đối với Bác Hồ.
Cầm trên tay những Huy hiệu Đảng thiêng liêng, ông Oanh bồi hồi nhớ lại những ngày đầu tiên bước chân dưới lá cờ Đảng. Hơn nửa thế kỷ trước, khi còn công tác tại Đại đội Thông tin anh hùng thuộc Ban CHQS tỉnh, đóng tại huyện Sơn Hà, ông đã mang trong mình lý tưởng cháy bỏng và nhiệt huyết tuổi trẻ với quê hương, đất nước. Từ những phấn đấu của bản thân và niềm tin yêu của đồng đội, ông vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Đó là một cột mốc đầy tự hào, là khoảnh khắc thiêng liêng nhất của cuộc đời ông khi được đứng dưới lá cờ Tổ quốc, cờ Đảng đọc lời tuyên thệ của đảng viên. Lời tuyên thệ như một lời hứa với tổ chức, cam kết trước Tổ quốc và đồng bào rằng, ông sẽ sống và chiến đấu hết mình vì lý tưởng cao đẹp của Đảng.
Sau khi được kết nạp Đảng, ông Oanh tiếp tục công tác tại Đại đội Thông tin anh hùng. Năm 1977, sau khi đất nước thống nhất, ông chuyển ngành và bắt đầu hành trình công tác tại huyện Sơn Tịnh. Tại đây, ông lần lượt đảm nhận nhiều trọng trách quan trọng; trong đó vinh dự giữ chức Chủ tịch UBND huyện, rồi Bí thư Huyện ủy Sơn Tịnh.
Với vai trò là một người đứng đầu ở địa phương, ông không chỉ là một người lãnh đạo tận tâm, mà còn là tấm gương sáng về đạo đức cách mạng. Ông luôn tâm niệm rằng, cương vị càng cao thì trách nhiệm càng lớn. Không chỉ quan tâm đến những nhiệm vụ quan trọng là xây dựng Đảng, phát triển kinh tế - xã hội, mà ông còn tích cực chăm lo đời sống người dân.
Sau 10 năm phục vụ trong quân ngũ và 30 năm công tác tại huyện Sơn Tịnh, năm 2007, ông Oanh nghỉ hưu. Dẫu vậy, ông Oanh chưa bao giờ cho phép mình nghỉ ngơi trong công việc của Đảng và của dân. Ngôi nhà nhỏ của ông không chỉ là nơi đoàn tụ gia đình, mà còn là điểm đến quen thuộc của đồng đội cũ từ mọi miền đất nước. Với những gia đình liệt sĩ đang tìm kiếm thân nhân, ngôi nhà của ông là nơi dừng chân, giúp họ tìm thấy sự đồng cảm và giúp đỡ tận tụy từ một người từng trải qua những năm tháng ác liệt của chiến tranh.
Xem video:
Mùa xuân mới không chỉ là thời điểm giao mùa của đất trời, mà còn mang ý nghĩa tượng trưng cho sự khởi đầu và những hy vọng mới. Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam diễn ra vào dịp đầu xuân như một dấu mốc cho sự chuyển mình mạnh mẽ của dân tộc. Với ông, mùa xuân này, quê hương dù vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách nhưng cũng có những tín hiệu tích cực khi kinh tế từng bước chuyển mình, đời sống người dân dần được nâng cao. Đó là thành quả từ sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng, sự đoàn kết của toàn dân và nỗ lực đóng góp của những người đã dành cả cuộc đời mình để cống hiến cho Đảng và Tổ quốc.
“Suốt 95 năm qua, Đảng ta đã chiến đấu, hy sinh và không ngừng lớn mạnh để có được vinh quang như ngày hôm nay. Với tôi, bản thân chỉ như một chiếc lá nhỏ bé trong một vườn cây rộng lớn của Đảng. Thế nhưng, chính sự vĩ đại của Đảng càng khiến tôi cảm nhận sâu sắc niềm vinh dự khi được đứng trong hàng ngũ ấy và càng thêm biết ơn lý tưởng cao đẹp mà Đảng đã soi sáng, giúp tôi có được như ngày hôm nay. Đảng ta vĩ đại, Đảng ta anh hùng! Tôi mãn nguyện vì đã cống hiến hết mình, trải qua sinh tử vì Đảng, để rồi hôm nay được chứng kiến thời khắc đầy tự hào khi Đảng tròn 95 năm tuổi”, ông Oanh xúc động chia sẻ.
Nguyên Bí thư Huyện ủy Sơn Tịnh Nguyễn Đình Oanh (78 tuổi), ở xã Tịnh Sơn (Sơn Tịnh) là người có ngày sinh nhật trùng với ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.
Ở tuổi xế chiều, ông Nguyễn Đình Oanh vẫn giữ vững ngọn lửa nhiệt huyết và niềm tin mãnh liệt vào lý tưởng cao đẹp của Đảng. Khi được hỏi về mong ước đầu xuân, ông không cầu điều gì cho riêng mình, mà chỉ gửi gắm hy vọng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh nhà tiếp tục đồng lòng vượt qua mọi thách thức, đưa quê hương ngày một phát triển, vươn xa trong kỷ nguyên mới của dân tộc.
Thôn Trường Biện, xã Trà Tân (Trà Bồng) có hơn 80% dân số là người đồng bào Cor. Gia đình ông Hồ Việt Tùng (65 tuổi), là gia đình người Cor có 3 thế hệ đảng viên và có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Chia sẻ với chúng tôi những tấm hình quý giá mà gia đình còn lưu giữ lại, ông Tùng tự hào về một bức ảnh mà ông nội có cơ hội được chụp với cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng trong một dịp cùng đoàn công tác của cán bộ, người có uy tín ở huyện ra thăm Thủ đô Hà Nội. Ông nội từng là du kích địa phương, tham gia bảo vệ các cán bộ, lãnh đạo tỉnh khi về địa phương công tác.
“Theo gương của ông nội, cha tôi cũng theo cách mạng từ sớm, tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, đến sau này là bí thư chi bộ thôn, bí thư đảng ủy xã. Năm 2016, ông bị bệnh nên qua đời, lúc ấy ông tròn 80 năm tuổi đời, 65 năm tuổi Đảng. Còn mẹ tôi là bà Hồ Thị Hạ, nay đã ngoài 90 tuổi, sức khỏe tuy yếu nhưng bà như “cây cao bóng cả”, là tấm gương sáng, người đảng viên mẫu mực, kiên trung để con cháu noi theo”, ông Tùng kể.
Ông nội của ông Hồ Việt Tùng (65 tuổi), ở xã Trà Tân (Trà Bồng) là người từng có cơ hội được gặp cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng.
Xem video:
Mùa xuân này, bà Hạ đã 66 năm tuổi Đảng. Ngày đất nước chưa giải phóng, bà làm công tác phụ nữ, tuyên truyền vận động người dân đoàn kết, hăng say lao động để phát triển kinh tế và đóng góp lương thực, thực phẩm để nuôi bộ đội. Đặc biệt, bà Hạ còn làm tốt công tác chính trị tư tưởng, giáo dục, động viên con cháu và người dân trong thôn theo cách mạng. Trong thời kỳ chiến tranh hay sau ngày đất nước hòa bình, ông bà luôn xem lời thề với Đảng là chân lý, là ngọn đuốc soi đường để vượt qua mọi gian khó để nhiệm vụ nào Đảng giao đều hoàn thành xuất sắc. Vợ chồng bà Hạ đều được tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất.
Tiếp nối truyền thống cách mạng của gia đình, ông Tùng là con thứ 3 của bà Hạ, nguyên là Chủ tịch UBND xã Trà Tân cũng là đảng viên, có nhiều đóng góp trong công cuộc xây dựng quê hương. “Tôi là thế hệ thứ 2 của gia đình được đứng vào hàng ngũ của Đảng, em gái tôi hiện là giáo viên cũng là đảng viên. Nhờ sự dìu dắt, quan tâm của cha mẹ và những thế hệ đảng viên đi trước mà tôi trưởng thành được như ngày hôm nay. Tôi có 4 người con, 3 trai, 1 gái đều tốt nghiệp đại học; trong đó, có 3 người con ruột và 3 dâu, rể là đảng viên. Tôi luôn sống trách nhiệm, gương mẫu và thường xuyên giáo dục các con về vai trò, trách nhiệm của người đảng viên; góp phần tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của Đảng cũng như niềm tự hào của gia đình”, ông Tùng chia sẻ.
Gia đình ông Hồ Việt Tùng (65 tuổi), ở xã Trà Tân (Trà Bồng) có 3 thế hệ là đảng viên.
Là con trai lớn của ông Tùng, anh Hồ Việt Tuấn hiện là Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Trường Biện, là một trong những người trẻ tiêu biểu ở địa phương. Đây là nhiệm kỳ thứ 3, anh Tuấn được tín nhiệm giữ chức bí thư chi bộ thôn. Không như nhiều thanh niên lựa chọn nơi phố thị để lập nghiệp, từ năm 2017, khi tốt nghiệp đại học, anh Tuấn đã xác định về quê hương làm việc và cống hiến.
Trong những năm qua, bằng sức trẻ, sự nhiệt huyết, anh đã huy động đảng viên, người dân trong thôn cùng chung tay xây dựng nông thôn mới, hiến đất làm đường, góp tiền, ngày công làm tuyến đường điện thắp sáng dài hơn 400m… Đặc biệt, khi có học sinh bỏ học hay đi học “giã gạo” là anh Tuấn luôn có mặt kịp thời để động viên, nhắc nhở gia đình, các em tiếp tục đến trường. Nhờ vậy mà nhiều năm qua, ở thôn không xảy ra tình trạng học sinh nghỉ học giữa chừng.
“Gia đình tôi có truyền thống cách mạng nên từ thời ông bà rồi đến cha mẹ tôi luôn nhắc nhở, động viên chúng tôi nỗ lực học tập, rèn luyện để trở thành người có ích cho xã hội. Trong tôi, Đảng là một điều gì đó rất thiêng liêng. Từ ông bà nội cho đến ba tôi đã đứng dưới ngọn cờ của Đảng, đã đấu tranh để giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, góp sức xây dựng quê hương. Trách nhiệm của chúng tôi và các thế hệ tiếp nối là phải giữ gìn những gì cha ông đã hy sinh xương máu để giành được, phải nỗ lực xây dựng quê hương, đất nước ngày càng “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như mong ước của Bác Hồ”, anh Tuấn chia sẻ.
Quê hương của Đội du kích Ba Tơ có rất nhiều gia đình giàu truyền thống cách mạng. Gia đình ông Phạm Văn Trường, ở thôn Nước Lô, xã Ba Giang (Ba Tơ), là một gia đình như thế. Những ngày Tết, gia đình ông rộn ràng đón khách đến thăm, chúc sức khỏe và mừng ông thêm một tuổi Đảng. Đảng nay đã 95 mùa xuân, ông Trường tự hào khi bản thân đã có 42 năm đứng trong hàng ngũ của Đảng. Đã đi qua những năm tháng chiến tranh khốc liệt, rồi chứng kiến những giai đoạn khó khăn nhất sau ngày đất nước giải phóng, ông Trường càng thêm xúc động trước những đổi thay mạnh mẽ của quê hương. Mỗi bước phát triển của xã Ba Giang hôm nay là minh chứng cho sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng và Nhà nước.
Đoàn viên, thanh niên cắm cờ Tổ quốc dọc các tuyến đường ở thị trấn Ba Tơ. Ảnh: TL
Vợ chồng ông Trường có 6 người con; trong đó, có 1 người không may bị nhiễm chất độc màu da cam, còn 5 người đang công tác ở các cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện. Chúng tôi đến nhà anh Phạm Văn K-Rốt (37 tuổi), con trai thứ của ông Trường. Đến nay, anh Phạm Văn K-Rốt đã có 3 nhiệm kỳ đảm nhiệm vai trò Bí thư Chi bộ, Trưởng ban công tác Mặt trận thôn Nước Lô và là đảng viên trẻ tiêu biểu vùng An toàn khu. Anh K-Rốt cho hay, năm 2006, tôi vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Tiếp bước truyền thống gia đình cách mạng và là đảng viên trẻ, tôi luôn ý thức vai trò, trách nhiệm của mình trong việc gương mẫu trước quần chúng nhân dân, tiên phong phát triển kinh tế gia đình. Hiện nay, với mô hình trồng trọt kết hợp chăn nuôi, vợ chồng tôi có thu nhập ổn định với khoảng 100 triệu đồng mỗi năm, đủ để lo cho các con ăn học đến nơi đến chốn.
Bí thư Chi bộ, Trưởng ban công tác Mặt trận thôn Nước Lô Phạm Văn K-Rốt là người trẻ tiêu biểu ở xã Ba Giang (Ba Tơ).
Xem video:
Đời sống gia đình được đảm bảo, đồng chí K-Rốt tiếp tục vận động, tuyên truyền đến người dân, nhất là đảng viên trẻ cùng tham gia phát triển kinh tế gia đình. Đồng thời, khuyến khích, vận động người dân mạnh dạn vay vốn phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo bền vững, góp phần thay đổi diện mạo trên quê hương Ba Tơ anh hùng.
Thực hiện: H.TRIỀU - TH.THUẬN - TR.PHƯƠNG - H.THU - TH.HẬU - M.LỰC Trình bày: LONG HOANH
---------
Kỳ cuối:Sáng tạo, đổi mới trong xây dựng Đảng
Nguồn Quảng Ngãi : http://baoquangngai.vn/media/emagazine/202502/emagazine-dang-mai-la-anh-sang-soi-duong-ky-2-loi-the-truoc-dang-cba0b36/