Tổng thống Mỹ Donald Trump ký một sắc lệnh hành pháp tại Nhà Trắng, Washington, D.C. Ảnh: THX/TTXVN
Theo Wall Street Journal ngày 18/4, quyết định bất ngờ của Tổng thống Donald Trump về tạm hoãn kế hoạch áp thuế quan toàn cầu, tưởng chừng như một động thái xoa dịu thị trường, lại hé lộ một cuộc chiến quyền lực ngầm đầy kịch tính bên trong Nhà Trắng. Sự vắng mặt của Peter Navarro, cố vấn thương mại theo quan điểm cứng rắn của Tổng thống Trump, đã tạo cơ hội cho các nhân vật khác lên tiếng, thúc đẩy một giải pháp mà họ tin là cần thiết để ổn định nền kinh tế đang chao đảo.
Ngày 9/4, thị trường tài chính toàn cầu biến động sau khi những thông tin về kế hoạch thuế quan cứng rắn của chính quyền Trump bắt đầu lan rộng. Trong bối cảnh đó, Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent và Bộ trưởng Thương mại Howard Lutnick đã nhận thấy cấp thiết phải hành động. Họ muốn đích thân gặp Tổng thống Trump để thuyết phục ông tạm dừng kế hoạch đầy tham vọng nhưng cũng đầy rủi ro này. Tuy nhiên, "hòn đá tảng" mang tên Peter Navarro, người luôn kiên định với chủ trương áp thuế mạnh tay và có tầm ảnh hưởng lớn đến Tổng thống Trump kể từ sau sự kiện "Ngày Giải phóng", đã trở thành một trở ngại không nhỏ.
Wall Street Journal lưu ý, chiến lược gia Navarro nổi tiếng là một người khó lay chuyển trong các cuộc tranh luận chính sách. Ông liên tục thuyết phục Tổng thống Trump giữ vững lập trường về thuế quan, bất chấp những lời kêu gọi nhượng bộ từ giới doanh nghiệp và các cố vấn khác. Chính vì vậy, ông Bessent và Lutnick đã phải chờ đợi một cơ hội thích hợp. Sáng hôm đó, khi ông Navarro có lịch hẹn với cố vấn kinh tế Kevin Hassett ở một khu vực khác của Nhà Trắng, họ đã nhanh chóng nắm bắt thời cơ.
Không nằm trong lịch trình làm việc chính thức của Tổng thống Trump, cuộc gặp gỡ chớp nhoáng giữa ông Bessent, ông Lutnick và ông Trump diễn ra trong vội vã. Hai vị bộ trưởng trên đã trình bày những lo ngại về tác động tiêu cực của thuế quan lên thị trường và thuyết phục Tổng thống Trump về chiến lược tạm hoãn một số mức thuế, đồng thời công bố quyết định này ngay lập tức để trấn an các nhà đầu tư. Họ kiên trì ở lại Phòng Bầu dục cho đến khi ông Trump đăng tải thông báo trên Truth Social, một động thái khiến cố vấn Navarro hoàn toàn bất ngờ. Ngay sau đó, ông Bessent và thư ký báo chí Karoline Leavitt đã xuất hiện trước ống kính truyền thông để công bố thông tin chính thức.
Wall Street Journal dẫn một nguồn tin thân cận trong chính quyền Trump cho biết: "Chúng tôi cần mọi người đồng lòng". Thực tế, thị trường chứng khoán đã chứng kiến một đợt lao dốc sau khi một số biện pháp thuế quan của Mỹ có hiệu lực vào ngày 2/4. Điều đáng lo ngại hơn là tình trạng bán tháo trái phiếu kho bạc, vốn được coi là "nơi trú ẩn an toàn" khi thị trường biến động. Bài đăng trên Truth Social của ông Trump đã ngay lập tức giúp thị trường chứng khoán phục hồi và ổn định thị trường trái phiếu.
Sự kiện trên cho thấy rõ thay đổi nhanh chóng trong cục diện quyền lực bên trong Nhà Trắng dưới thời chính quyền Trump. Điều đáng chú ý là ông Bessent và Bộ trưởng Lutnick từng là đối thủ cạnh tranh gay gắt cho vị trí bộ trưởng tài chính trong giai đoạn chuyển giao quyền lực. Ông Bessent cuối cùng đã giành chiến thắng, bất chấp sự phản đối từ tỷ phú Elon Musk, trong khi ông Lutnick được trao vị trí Bộ trưởng Thương mại như một sự "an ủi".
Tuy nhiên, vấn đề thương mại luôn là một "sân chơi" phức tạp với nhiều quan điểm và chiến lược khác nhau, trong đó ông Navarro, với kinh nghiệm từ nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Trump, luôn có tiếng nói trọng lượng. Ông Navarro đã chứng minh được tầm ảnh hưởng đặc biệt của mình đối với Tổng thống Trump, củng cố lập trường bảo hộ mậu dịch của tổng thống và thường xuyên gây ra những bất đồng với các cố vấn khác. Thậm chí, đã có thời điểm căng thẳng giữa ông Navarro và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin thời chính quyền Trump đầu tiêu leo thang đến mức họ suýt xảy ra tranh cãi nảy lửa bên ngoài các cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc ở Bắc Kinh.
Mặc dù vậy, theo Wall Street Journal, Tổng thống Trump luôn đánh giá cao ông Navarro vì họ có chung quan điểm cứng rắn về chính sách thương mại, đặc biệt là đối với Trung Quốc. Ông Navarro từng đồng tác giả cuốn sách "Death By China", chia sẻ nhiều quan điểm tương đồng với Tổng thống Trump về Bắc Kinh. Lập trường cứng rắn này đã giúp ông Navarro nhận được sự ủng hộ lớn từ những người ủng hộ Tổng thống Trump, nhiều người trong số họ có thái độ hoài nghi đối với Phố Wall. Tuy nhiên, điều này cũng khiến ông trở thành cái tên không được lòng nhiều giám đốc điều hành tài chính và lãnh đạo doanh nghiệp.
Tóm lại, vụ việc "tạm dừng thuế quan" trên không chỉ phản ánh sự giằng co giữa các quan điểm khác nhau về chính sách thương mại trong chính quyền Trump mà còn cho thấy tầm quan trọng của việc lắng nghe những tín hiệu từ thị trường. Dù quyết định cuối cùng thuộc về Tổng thống Trump nhưng sự can thiệp kịp thời của các bộ trưởng Bessent và Lutnick, tận dụng thời điểm "vắng mặt" của Navarro, đã cho thấy một khía cạnh khác trong cách vận hành đầy bất ngờ của Nhà Trắng dưới thời Donald Trump.
Vũ Thanh/Báo Tin tức