Đằng sau đợt phát hành cổ phiếu gian nan của TDC

Đằng sau đợt phát hành cổ phiếu gian nan của TDC
12 giờ trướcBài gốc
Dù TDC đã có năm 2024 lãi kỷ lục, nhưng bức tranh tài chính chưa đủ sáng để nhà đầu tư mua cổ phiếu.
Nhà đầu tư bỏ cuộc, lãnh đạo cũng bớt mua cổ phiếu
Sau đợt phát hành cổ phiếu riêng lẻ kết thúc ngày 15/5 vừa qua, TDC chỉ phân phối được 27,228 triệu cổ phiếu, tương ứng 77,79% tổng số cổ phần chào bán.
Với mức giá bán 11.840 đồng/cổ phiếu, TDC huy động được 322,3 tỷ đồng. Sau khi trừ đi chi phí gồm phí tư vấn và phí kiểm toán, tổng thu ròng từ đợt chào bán này là 321,9 tỷ đồng. Được biết, đợt phát hành này không thành công 100% do có 2 nhà đầu tư không tham gia và một số nhà đầu tư mua ít hơn số lượng đã đăng ký.
Theo kế hoạch ban đầu, mức giá chào bán cao nhất sẽ là 11.840 đồng/cổ phiếu và mức giá thấp nhất là 10.000 đồng/cổ phiếu. Như vậy, gần 78% số cổ phiếu chào bán được mua ở mức giá cao nhất. Sau khi chào bán, vốn điều lệ của TDC đã tăng từ 1.000 tỷ đồng lên 1.272,28 tỷ đồng.
Trên thực tế, để đạt được tỷ lệ 77,79% trên, TDC đã phải 2 lần phân phối.
Giá chào bán được đánh giá là nguyên nhân khiến đợt phát hành 35 triệu cổ phiếu của TDC “ế ẩm”. Trong giai đoạn TDC phát hành riêng lẻ, thị giá cổ phiếu trên sàn phần lớn đều thấp hơn mức giá tối đa mà TDC dự kiến chào bán.
Trước đó, tính đến ngày 12/5/2025, TDC báo cáo chỉ mới phân phối được 3,2 triệu cổ phiếu cho 8 nhà đầu tư. 8 nhà đầu tư này ban đầu đã đăng ký mua hết 35 triệu cổ phiếu phát hành riêng lẻ của TDC, tuy nhiên đến ngày 12/5, số lượng thực mua chưa đạt đến 10% số cổ phần chào bán. Lượng cổ phiếu “ế” còn lại hơn 31,78 triệu cổ phiếu.
Gần như không có nhà đầu tư nào trong số 8 nhà đầu tư đăng ký ban đầu mua hết số cổ phần đã đăng ký, người mua nhiều nhất là ông Hồ Hoàn Thành và bà Mai Thị Thúy Nga, mua vào mỗi người 1 triệu cổ phiếu, trong khi số lượng đăng ký mua trước đó lần lượt là 5 triệu và 4,5 triệu đơn vị. Đáng chú ý, ông Hồ Hoàn Thành đang là thành viên HĐQT kiêm Phó tổng giám đốc của TDC. Ngoài ra, còn có 2 nhà đầu tư “bỏ cuộc” khi không tham gia đợt mua bán này.
Sau đó, TDC tiếp tục phân phối lượng cổ phiếu còn lại cho 12 nhà đầu tư khác, trong đó có sự xuất hiện của 2 tổ chức là CTCP An Phú Gia Holdings và CTCP Đầu tư Hải Đăng TBCONS. 12 nhà đầu tư này đăng ký mua vào 24 triệu cổ phiếu TDC phát hành thêm, trong đó, An Phú Gia Holdings mua vào 10,15 triệu cổ phiếu, còn Hải Đăng TBCONS mua 9,7 triệu cổ phiếu.
Dù đã phân phối thêm được 24 triệu cổ phiếu cho các nhà đầu tư mới, nhưng TDC vẫn còn ế hơn 7,77 triệu cổ phần.
Theo kế hoạch dự kiến, số tiền thu được từ đợt phát hành này được TDC dùng để mua lại trước hạn một phần lô trái phiếu TDC.BOND.700.2020 phát hành năm 2020 với giá trị phát hành 700 tỷ đồng. Lô trái phiếu này còn 180 ngày là đến thời điểm đáo hạn, thời gian đáo hạn là 15/11/2025. Đây là lô trái phiếu được phát hành cho CTCP Chứng khoán Navibank để tăng quy mô vốn hoạt động, phục vụ hoạt động kinh doanh của Tập đoàn.
Bức tranh tài chính chưa đủ sáng
Giá chào bán được đánh giá là nguyên nhân khiến đợt phát hành trên “ế ẩm”. Trong giai đoạn TDC phát hành riêng lẻ, thị giá cổ phiếu trên sàn phần lớn đều thấp hơn mức giá tối đa mà TDC dự kiến chào bán. Sau khi kết thúc đợt phát hành, cổ phiếu TDC có phiên giảm vào ngày 19/5 với mức giảm 1,36%, đưa cổ phiếu đóng cửa ở mức 10.900 đồng/cổ phiếu, thấp hơn 8% so với mức giá mà các nhà đầu tư đã mua vào.
Triển vọng của doanh nghiệp cũng là một yếu tố được nhà đầu tư xem xét. TDC vừa có một năm 2024 lãi kỷ lục (417 tỷ đồng) sau khi có năm 2023 cũng kỷ lục nhưng về khoản thua lỗ (âm 402 tỷ đồng). Khoản lãi này khiến công ty không còn lỗ lũy kế trên bảng cân đối kế toán, cổ phiếu TDC nhờ đó cũng thoát khỏi diện cảnh báo trên HoSE.
Trước đó, năm 2023, kiểm toán thậm chí còn lưu ý việc nợ ngắn hạn của TDC đã vượt quá tài sản ngắn hạn, cùng với khoản lỗ thuần, cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của TDC. Đến năm 2024, dù không còn lỗ, song cán cân nợ ngắn hạn - tài sản ngắn hạn của TDC tiếp tục được đơn vị kiểm toán nhắc lại.
Theo báo cáo tài chính gần nhất vào quý I/2025, tính đến 31/3/2025, TDC có tổng tài sản 4.380 tỷ đồng. Trong đó, tài sản ngắn hạn chiếm 1.873 tỷ đồng. Tiền mặt của doanh nghiệp ở mức 59,4 tỷ đồng, trong khi phần lớn tài sản ngắn hạn nằm ở các khoản phải thu ngắn hạn (1.311 tỷ đồng).
Nợ phải trả tính đến cuối quý I/2025 là 3.151 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn chiếm 2.878 tỷ đồng, cao hơn 1.005 tỷ đồng so với tài sản ngắn hạn, cho thấy cán cân tài chính chưa ổn định của TDC.
TDC vẫn đang dự kiến tăng nợ phải trả với mục tiêu vay 420 tỷ đồng để thực hiện dự án. Kế hoạch này được trình bày tại cuộc họp cổ đông thường niên 2025 của doanh nghiệp. Khoản vay này nhằm thực hiện công trình nhà ở riêng lẻ theo hợp đồng thi công giữa TDC và CTCP Xây dựng và Giao thông Bình Dương.
Sau một năm lãi kỷ lục, TDC đặt kế hoạch đi lùi cho năm 2025 với mục tiêu lợi nhuận sau thuế 226 tỷ đồng, giảm 46% so với năm trước. Trong khi đó, mục tiêu doanh thu lại đặt cao gấp 2,4 lần, ở mức 3.139 tỷ đồng. Kết thúc quý I/2025, TDC mới đạt được 126,2 tỷ đồng doanh thu thuần và 19,7 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.
Nguyên Minh
Nguồn Đầu Tư : https://baodautu.vn/dang-sau-dot-phat-hanh-co-phieu-gian-nan-cua-tdc-d288830.html