Chiến lược, mục tiêu, cách tiếp cận
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, GS James Borton (Viện Chính sách đối ngoại, ĐH Johns Hopkins, Mỹ) nhận định, chiến lược không gian của Mỹ rất tham vọng, với cách tiếp cận kép bao gồm các sứ mệnh do chính phủ dẫn dắt (thông qua NASA) và hợp tác với các công ty tư nhân (SpaceX, Blue Origin…), đưa Mỹ trở thành quốc gia tiên phong trong kỷ nguyên không gian mới, trong đó có phát triển các trạm không gian tư nhân và ngành công nghiệp không gian thương mại hùng mạnh (có thể do SpaceX, Blue Origin dẫn đầu).
Mỹ mạnh vào thám hiểm (có người lái) trên Mặt Trăng như một bước đệm đến Sao Hỏa; sự tham gia của khu vực tư nhân đảm bảo cho sự đổi mới và tiến bộ liên tục trong các khả năng về không gian. Mỹ có kế hoạch vừa ngăn các đối thủ như Trung Quốc, Nga vũ khí hóa không gian vừa phát triển khả năng quân sự của mình trong không gian (chủ yếu mang tính răn đe giống như vũ khí hạt nhân hiện nay).
Thu hồi khoang chứa của tàu thăm dò Thường Nga-6 tại Khu tự trị Nội Mông, miền bắc Trung Quốc ngày 25/6/2024. Ảnh: Xinhua
Trong khi đó, chương trình không gian của Trung Quốc là một phần trong chiến lược rộng lớn hơn nhằm nâng cao lợi thế công nghệ và tầm ảnh hưởng quốc tế của đất nước. Trung Quốc (thông qua Cơ quan Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc - CNSA) đã ký kết các thỏa thuận với Nga, Cơ quan Vũ trụ châu Âu và một số quốc gia khác cho các hoạt động thám hiểm chung trong tương lai, đặc biệt là trong lĩnh vực nghiên cứu Mặt Trăng.
Trung Quốc đang thúc đẩy phát triển nền kinh tế không gian nội địa bằng cách khuyến khích các công ty tư nhân hỗ trợ công nghệ vệ tinh, quan sát Trái Đất và dịch vụ phóng tên lửa, nhằm xây dựng một ngành công nghiệp không gian thương mại vững mạnh.
Theo GS Borton, tham vọng không gian của Trung Quốc rất toàn diện, bao gồm từ việc quan sát Trái Đất, thám hiểm không gian có người điều khiển đến thám hiểm không gian sâu và phát triển công nghệ trong lĩnh vực phương tiện không gian.
Với việc xây dựng một hạ tầng không gian (trạm vũ trụ Thiên Cung) mạnh mẽ, Trung Quốc đang đặt mình vào vị thế quan trọng trong kỷ nguyên mới của khám phá không gian, với mục tiêu mở rộng tầm với của con người vào vũ trụ, thiết lập sự hiện diện mạnh mẽ trên Mặt Trăng, Sao Hỏa và xa hơn nữa, và phát triển khả năng quân sự trong không gian.
Hình ảnh này (được lấy từ video tại Trung tâm Kiểm soát Hàng không Vũ trụ Bắc Kinh ngày 2/6/2024) cho thấy sự kết hợp giữa tàu đổ bộ và tàu lên của tàu thăm dò Thường Nga-6 hạ cánh ở phía xa của Mặt trăng. Ảnh: Xinhua
Tương tự, Nga có kế hoạch duy trì vai trò quan trọng trong thám hiểm không gian, với các mục tiêu bao gồm xây dựng trạm không gian quốc gia ROSS, thực hiện các sứ mệnh Mặt Trăng và Sao Hỏa, và phát triển khả năng quân sự trong không gian.
Mặc dù có những thách thức về tài chính và địa chính trị, Nga vẫn cam kết tiếp tục các sứ mệnh không gian dài hạn và hợp tác quốc tế với các quốc gia như Trung Quốc để đạt được các mục tiêu thám hiểm và nghiên cứu trong không gian.
Cùng nghiên cứu mẫu vật ở mặt tối của Mặt Trăng
Ngày 25/6/2024, tàu thăm dò Thường Nga-6 hạ cánh xuống bãi đáp Siziwang Banner ở vùng sa mạc khu tự trị Nội Mông ở miền bắc Trung Quốc, mang theo các mẫu đất và đá thu thập được từ mặt tối của Mặt Trăng, gồm đá núi lửa 2,5 triệu năm tuổi. Trung Quốc trở thành quốc gia đầu tiên mang được những mẫu vật từ vùng vẫn còn là ẩn số với giới khoa học. Thường Nga-6 là một sứ mệnh lịch sử, có thể ảnh hưởng tới khái niệm về sự tiến hóa của Mặt Trăng và khả năng Mặt Trăng có thể hỗ trợ sự sống con người.
Giới khoa học Mỹ khao khát được nghiên cứu các mẫu đất đá này và phía Mỹ (đại diện là NASA và một số trường đại học) đang tích cực đàm phán với phía Trung Quốc để được trực tiếp nghiên cứu chúng. Nghiên cứu chung về các mẫu vật trên Mặt Trăng có thể cho phép giới khoa học từ cả hai quốc gia tận dụng các phương pháp và công nghệ phân tích độc đáo để hiểu sâu hơn về thành phần, lịch sử và nguồn gốc của Mặt Trăng.
Tuy nhiên, sự hợp tác trong không gian giữa Mỹ và Trung Quốc bị hạn chế bởi các yếu tố địa chính trị và Tu chính án Wolf (ban hành năm 2011). Theo đó, NASA sẽ bị hạn chế tham gia hợp tác song phương trực tiếp với Trung Quốc; nếu muốn hợp tác phải có có sự chấp thuận rõ ràng từ Quốc hội.
Trong khi ngăn NASA dùng quỹ chính phủ để hợp tác trực tiếp với Trung Quốc, Tu chính án Wolf có một điều khoản cho phép hợp tác nếu NASA nhận được chứng nhận từ FBI chứng minh rằng không có nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia hoặc rủi ro rò rỉ công nghệ hoặc dữ liệu liên quan đến không gian vũ trụ.
Giám đốc NASA Bill Nelson thường phê phán tham vọng không gian của Trung Quốc, cho rằng Trung Quốc đang che giấu các thí nghiệm quân sự trong vũ trụ và có ý định độc chiếm tài nguyên trên Mặt Trăng. Tuy nhiên, trả lời CNN mới đây, ông Nelson cho biết khả năng hợp tác Mỹ-Trung trong chia sẻ dữ liệu và nghiên cứu mẫu đất đá lấy từ mặt tối của Mặt Trăng là cao.
“Chúng tôi đang làm thủ tục với các nhà khoa học và luật sư của mình để đảm bảo rằng các yêu cầu và giới hạn mà phía Trung Quốc đặt ra không vi phạm luật pháp, cụ thể là Tu chính án Wolf”, ông nói. Trước đây, NASA đã kêu gọi các nhà khoa học Mỹ nộp đơn nghiên cứu các mẫu đất đá do Thường Nga - 5 mang về từ mặt gần của Mặt Trăng vào năm 2020.
“Rào cản trong hợp tác không gian Trung-Mỹ vẫn nằm ở Tu chính án Wolf”, ông Bian Zhigang, Phó chủ tịch Cơ quan Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc, nói với báo giới. “Nếu Mỹ thực sự muốn tham gia các cuộc trao đổi không gian bình thường với Trung Quốc, tôi nghĩ họ nên có các biện pháp cụ thể để loại bỏ rào cản này”, ông Bian nói.
Khả năng tăng hợp tác khám phá Sao Hỏa và không gian sâu
Cả Mỹ và Trung Quốc chắc chắn đều muốn hợp tác trong lĩnh vực không gian, cụ thể là liên quan Mặt Trăng vì chiến lược, chương trình đều tương đồng. Xét rộng hơn về mặt chiến lược, xây nhà đều từ móng xây lên và giống như phương châm của Việt Nam trong quan hệ với Trung Quốc là “vừa hợp tác vừa đấu tranh”, Mỹ cũng cần làm thế và cách làm dễ nhất là thông qua ngoại giao khoa học, ngoại giao không gian, GS Borton nêu quan điểm.
Nếu sự hợp tác như vậy được hiện thực hóa, nghiên cứu chung về các mẫu đất đá lấy từ Mặt Trăng có thể mở đường cho sự hợp tác quốc tế sâu hơn, có khả năng dẫn đến việc chia sẻ các nguồn lực, kiến thức và thậm chí là công nghệ cho các sứ mệnh không gian khác, bao gồm cả việc thám hiểm Sao Hỏa và khả năng thành lập các căn cứ trên Mặt Trăng.
Theo ông Borton, lợi ích chung của nghiên cứu khoa học có thể giúp giảm bớt căng thẳng và mở ra hướng hợp tác mới trong các lĩnh vực khoa học và kỹ thuật khác mà Mỹ hiện có xu hướng bao vây, cô lập Trung Quốc. Vì vậy, ngoại giao không gian sẽ là chất xúc tác quan trọng, là điểm dễ thỏa hiệp hơn cả vì tính nhạy cảm không cao, có chăng là yếu tố vũ khí hóa không gian nhưng nó có tính không rõ ràng, không cao và không trước mắt.
Với việc căng thẳng gia tăng với Mỹ và các đồng minh liên quan cuộc chiến Nga-Ukraine, Nga đang tìm kiếm cơ hội hợp tác không gian chặt chẽ hơn với Trung Quốc, đặc biệt trong các sứ mệnh Mặt Trăng và các dự án thám hiểm không gian sâu. Nga đối mặt với các thách thức về tài chính và kỹ thuật trong việc duy trì các chương trình không gian hiện tại, đặc biệt là trong bối cảnh các lệnh trừng phạt kinh tế quốc tế. Điều này đã tạo ra một số cản trở cho việc thực hiện một số sứ mệnh và hợp tác quốc tế.
Thí nghiệm quân sự trong không gian
Khả năng Trung Quốc, Mỹ và Nga vũ trang hóa không gian đã trở thành một mối quan ngại ngày càng lớn đối với an ninh quốc tế, đặc biệt khi công nghệ không gian ngày càng tiên tiến và căng thẳng địa chính trị gia tăng.
Trong bối cảnh hai trục Mỹ cùng đồng minh và Nga-Trung cùng đồng minh hình thành ngày càng rõ nét, sức ép chọn phe gia tăng, việc Nga và Trung Quốc (có thể thêm Triều Tiên, Iran) cùng bắt tay thí nghiệm quân sự trong không gian, ít nhất là thử nghiệm vũ khí chống vệ tinh là hoàn toàn có thể xảy ra, GS Borton nhận định.
Các thí nghiệm quân sự trong không gian và vũ khí hóa không gian có tác động sâu rộng đối với an ninh và ổn định toàn cầu, xét về nguy cơ leo thang, mảnh vỡ trong không gian và tình huống khó xử về an ninh. Cụ thể, dù việc vũ trang hóa không gian phần lớn vẫn còn ở mức độ giả thuyết, các khoản đầu tư và khả năng mà mỗi quốc gia đang phát triển đang làm gia tăng nguy cơ của một cuộc chạy đua vũ trang. Vũ trang hóa không gian có thể dẫn đến một cuộc chạy đua vũ trang, nơi các quốc gia cạnh tranh phát triển khả năng tấn công và phòng thủ trong không gian, làm tăng thêm sự căng thẳng cho an ninh toàn cầu.
Các thử nghiệm vũ khí chống vệ tinh (ASAT) đã góp phần vào vấn đề mảnh vỡ trong không gian đang gia tăng. Càng có nhiều mảnh vỡ trong quỹ đạo, nguy cơ va chạm càng cao, có thể làm hư hại vệ tinh và tàu vũ trụ hoạt động. Bất kỳ sự tiến bộ nào của một quốc gia có thể bị các quốc gia khác coi là mối đe dọa, dẫn đến các hành động đáp trả và tạo ra một vòng quay quân sự hóa trong không gian.
Thái An