Các nỗ lực của Mỹ trong quá trình làm trung gian cho tiến trình đàm phán hòa bình Nga-Ukraine được cho đang tiến đến thời điểm mang tính bước ngoặt, với việc Tổng thống Mỹ Donald Trump tuần qua hối thúc hai bên tham chiến cần nhanh chóng đạt tiến triển, nếu không Washington sẽ rút khỏi các cuộc đàm phán.
Mỹ cảnh báo sẽ rút khỏi đàm phán Nga-Ukraine
Lên tiếng từ Nhà Trắng ngày 18-4, ông Trump không đưa ra thời hạn cụ thể Mỹ sẽ rút vai trò trung gian, nhưng khẳng định điều đó có thể diễn ra rất sớm. “Nếu vì lý do nào đó, một trong hai bên gây khó khăn quá mức, chúng tôi sẽ nói thẳng: các người thật ngốc nghếch, thật tồi tệ, và chúng tôi sẽ rút lui” - hãng Reuters dẫn lời ông Trump.
Chưa rõ hành động đó sẽ đồng nghĩa với việc Mỹ ngừng ủng hộ Ukraine hay không, nhưng ông Trump vẫn tỏ ra lạc quan: “Tôi sẽ không phải nói điều đó đâu, vì tôi nghĩ chúng tôi sẽ hoàn thành được thỏa thuận [hòa bình]”.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: GETTY IMAGES
Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio trước đó cùng ngày cũng ám chỉ khả năng Mỹ rút khỏi tiến trình đàm phán hòa bình, đồng thời cho biết các quan chức Ukraine và Nga có khoảng một tuần để trở về nước và phản hồi đề xuất hòa bình của Mỹ (nội dung chính thức chưa được công bố).
Để đạt được thỏa thuận hòa bình, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhiều lần yêu cầu công nhận chủ quyền của Nga đối với năm vùng lãnh thổ Ukraine mà Nga đang kiểm soát (gồm bán đảo Crimea và 4 tỉnh Donetsk, Luhansk, Kherson và Zaporizhia). Moscow cũng nhấn mạnh mong muốn giải quyết những “căn nguyên sâu xa” của cuộc chiến - một cụm từ được các chuyên gia lý giải là lời kêu gọi “phi phát xít hóa” Ukraine và đưa nước này vào phạm vi ảnh hưởng của Nga.
Ukraine bác bỏ những điều kiện đó, nhưng bày tỏ thiện chí đóng băng đường ranh chiến sự. Ông Rubio thừa nhận Ukraine cần đảm bảo khả năng phòng vệ nếu Nga tiếp tục tấn công sau khi có thỏa thuận hòa bình: “Muốn có hòa bình, Ukraine cần cảm thấy có khả năng tự bảo vệ khỏi bất kỳ cuộc tấn công nào trong tương lai... Nhưng chúng tôi chưa làm việc ở mức chi tiết đó” - vị ngoại trưởng nêu rõ.
Theo tờ The Hill, Ukraine hiểu rõ ông Trump có thể ngừng hỗ trợ bất kỳ lúc nào. Hồi đầu năm, ông Trump từng đình chỉ viện trợ quân sự và chia sẻ tình báo trong gần hai tuần sau cuộc tranh luận căng thẳng tại Phòng Bầu Dục với Tổng thống Ukraine - ông Volodymyr Zelensky, khi nhà lãnh đạo Kiev cảnh báo rằng ông Putin không đáng tin trong đàm phán.
Kể từ đó, Ukraine càng nỗ lực hợp tác với chính quyền ông Trump. Sau cuộc gặp tại Saudi Arabia hồi cuối tháng 3, Kiev đã chấp thuận vô điều kiện kế hoạch của Mỹ về lệnh ngừng bắn vào các cơ sở hạ tầng năng lượng và Biển Đen.
Ngày 18-3, trong cuộc điện đàm với Tổng thống Trump, Tổng thống Putin đã đồng ý với đề xuất của Mỹ về việc hoãn các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng năng lượng trong 30 ngày và ra lệnh cho Bộ Quốc phòng Nga thực hiện lệnh ngừng bắn này. Tuy nhiên, vào ngày 18-4 người phát ngôn Điện Kremlin - ông Dmitry Peskov thông báo rằng lệnh ngừng bắn vào cơ sở năng lượng kéo dài 30 ngày với Ukraine đã hết hạn.
Tiếp sau đó 1 ngày, ông Putin bất ngờ ban bố “lệnh ngừng bắn Phục sinh” kéo dài 30 giờ cho chiến sự Nga-Ukraine, trong bối cảnh Mỹ tuyên bố cần “một dấu hiệu khẩn cấp” từ phía Nga cho thấy Moscow nghiêm túc với các cuộc đàm phán hòa bình.
Phía sau lời cảnh báo phía Mỹ
Giới quan sát nhận định việc kỳ vọng đạt được một bước tiến lớn chỉ trong vài ngày là điều khó khả thi, nếu mục tiêu là một lệnh ngừng bắn toàn diện và bền vững giữa Nga và Ukraine, theo đài ABC.
“Rõ ràng họ đang muốn thúc đẩy mọi thứ thật nhanh. Theo tôi, mục tiêu trọng tâm là tạo ra một bước ngoặt mang tính thúc đẩy và định hình thế cục” - chuyên gia chính sách đối ngoại Mark N. Katz từ ĐH George Mason (Mỹ) bình luận về cách tiếp cận của chính quyền Tổng thống Donald Trump đối với tiến trình đàm phán Nga-Ukraine.
Một trong những ưu tiên có thể thấy rõ là mong muốn hoàn tất thỏa thuận khai thác khoáng sản giữa Mỹ và Ukraine - điều mà chính ông Trump đã công khai đề cập gần đây. Theo giáo sư Michael A. Allen từ ĐH Boise State, tuyên bố của ông Rubio không đơn thuần là phát biểu mang tính cảnh báo, mà là nước đi chiến thuật có chủ đích nhằm gây sức ép để Nga thể hiện thiện chí rõ ràng hơn trong đàm phán.
“Nhìn vào hàm ý trong phát biểu của ông Rubio, có thể thấy lần này sự thất vọng không nhắm vào Ukraine, mà nhắm thẳng về phía Nga. Moscow chưa đưa ra được bất kỳ cam kết cụ thể nào hướng tới một lệnh ngừng bắn ổn định và lâu dài” - ông Allen nói, đồng thời nhấn mạnh rằng chính quyền Trump hoàn toàn nhận thức được chiến thuật câu giờ của Nga và không hề bị đánh lừa.
Dưới một góc nhìn khác, giáo sư Katz cho rằng để hiểu đúng thông điệp của Nhà Trắng khi ám chỉ khả năng “rút lui” khỏi các nỗ lực hòa đàm, điều then chốt là xác định Tổng thống Trump đang quy trách nhiệm cho bên nào về việc chưa đạt được thỏa thuận.
“Nếu ông Trump trách Nga - và thực tế đã có những dấu hiệu cho thấy ông đang dần mất kiên nhẫn với ông Putin - thì có khả năng Mỹ sẽ ngừng đàm phán nhưng vẫn tiếp tục, thậm chí tăng cường, viện trợ quân sự cho Ukraine. Tuy nhiên, nếu ông đổ lỗi cho Ukraine, thì câu hỏi lớn sẽ là liệu viện trợ quân sự của Washington cho Kiev có tiếp tục hay không” - ông Katz nhận định.
Theo giới quan sát, hòa đàm Nga-Ukraine hiện là một trong những mũi nhọn trong chiến lược đối ngoại của ông Trump, đặc biệt trong bối cảnh nhà lãnh đạo Mỹ từng nhiều lần tuyên bố sẽ kết thúc được cuộc chiến kéo dài hơn 3 năm qua này. Chủ nhân Nhà Trắng đang đối mặt thế lưỡng nan giữa mong muốn đạt được thành tựu đối ngoại (đàm phán ngừng chiến) và thực tế chính trị phức tạp giữa hai bên Nga-Ukraine.
Ông Daniel Fried, cựu nhà ngoại giao kỳ cựu của Mỹ tại châu Âu và hiện là chuyên gia tại Hội đồng Đại Tây Dương nhận định rằng ông Trump có cơ hội lớn để tuyên bố “chiến thắng” trong cuộc chiến, nhưng cần gây sức ép mạnh hơn với ông Putin, theo The Hill.
“Nếu ông ấy đạt được thỏa thuận ngừng bắn và đảm bảo an ninh cho Ukraine, đồng thời khiến châu Âu gánh phần lớn chi phí bảo vệ an ninh, thì đó sẽ là chiến thắng kép. Nhưng muốn vậy, ông Trump cần đối mặt trực diện với ông Putin” - ông Fried bình luận.
Đề xuất hòa bình của Mỹ cho Moscow kiểm soát đất Ukraine?
Hãng tin Bloomberg ngày 18-4 đưa tin rằng các đề xuất mới nhất của Mỹ nhằm kết thúc chiến sự Nga-Ukraine sẽ cho phép Moscow tiếp tục kiểm soát các vùng lãnh thổ của Ukraine mà Nga hiện đang kiểm soát, đồng thời từng bước dỡ bỏ các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga.
Thông tin do một số quan chức châu Âu giấu tên tiết lộ, chỉ một ngày sau cuộc đàm phán ngừng bắn giữa đại diện Mỹ, châu Âu và Ukraine tại Paris (Pháp).
Tại cuộc họp, các quan chức Mỹ cho biết Washington đặt mục tiêu đạt được thỏa thuận ngừng bắn toàn diện trong vài tuần tới. Kế hoạch bao gồm việc đóng băng tình hình hiện tại trên chiến trường và loại bỏ khả năng Ukraine gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), theo nguồn tin của Bloomberg.
Chưa rõ Washington có đề xuất công nhận quyền kiểm soát trên thực tế hay chủ quyền hợp pháp của Nga đối với các vùng lãnh thổ đó hay không.
Một quan chức nhấn mạnh kế hoạch chưa mang tính chung cuộc và cần tiếp tục tham vấn với Kiev. Các đồng minh châu Âu cũng khẳng định không công nhận những vùng này là lãnh thổ của Nga.
Nguồn tin cho biết nếu Moscow không chấp thuận ngừng bắn, toàn bộ tiến trình đàm phán sẽ trở nên vô nghĩa.
Ngoài ra, đề xuất của Mỹ cũng bao gồm các bảo đảm an ninh cho Ukraine để duy trì hiệu lực bất kỳ thỏa thuận nào được thông qua.
Phía Mỹ chưa lên tiếng về thông tin trên.
DƯƠNG KHANG