Đằng sau lời đe dọa giành quyền kiểm soát kênh đào Panama của ông Trump

Đằng sau lời đe dọa giành quyền kiểm soát kênh đào Panama của ông Trump
16 giờ trướcBài gốc
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo tờ Al Jazeera, ông Trump đã nêu vấn đề kênh đào Panama tại AmericaFest, một sự kiện thường niên do nhóm bảo thủ Turning Point tổ chức. Ông cáo buộc Panama tính phí quá cao để sử dụng tuyến đường biển qua Trung Mỹ nối giữa Đại Tây Dương với Thái Bình Dương.
Sau sự kiện, Tổng thống đắc cử Mỹ đã đăng trên mạng xã hội Truth Social một hình ảnh lá cờ Mỹ tung bay trên một vùng nước hẹp với chú thích: “Chào mừng đến với kênh đào nước Mỹ! Đã có ai từng nghe đến kênh đào Panama chưa?”.
Tuyên bố của ông Trump sau đó đã bị Tổng thống Panama Jose Raul Mulino chỉ trích kịch liệt.
“Mỗi mét vuông của kênh đào Panama và khu vực xung quanh đều thuộc về Panama và sẽ tiếp tục thuộc về Panama”, Tổng thống Mulino khẳng định.
Sau đó, ông Trump đã đăng lại một bài báo về tuyên bố của ông Mulino kèm chú thích: “Chúng ta sẽ xem xét về điều đó”.
Trước đó ông Trump cũng ám chỉ ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc đối với tuyến hàng hải huyết mạch này.
“Chỉ có Panama quản lý, không phải Trung Quốc hay bất kỳ ai khác”, ông nói.
Trung Quốc không kiểm soát kênh đào này. Tuy nhiên, tập đoàn CK Hutchison Holdings có trụ sở tại Hong Kong, đã điều hành hai cảng của kênh đào, nằm ở lối vào Caribe và Thái Bình Dương, kể từ năm 1997.
Trong tuyên bố cùng ngày, ông Mulino cũng khẳng định Trung Quốc không có ảnh hưởng đối với kênh đào Panama.
Vị trí chiến lược của kênh đào Panama
Kênh đào Panama. Ảnh: The NYT
Kênh đào Panama là tuyến đường thủy nhân tạo được xây dựng trên eo đất Panama, nối Thái Bình Dương với Đại Tây Dương. Có tới 14.000 tàu thuyền qua lại kênh đào này hàng năm. Tuyến đường thủy này chiếm khoảng 2,5% thương mại đường biển toàn cầu và 40% tổng lượng hàng hóa của Mỹ.
Đối với Mỹ, kênh đào này vô cùng quan trọng trong việc nhập khẩu hàng hóa từ châu Á. Washington cũng sử dụng tuyến đường thủy này để xuất khẩu hàng hóa, bao gồm cả khí đốt tự nhiên hóa lỏng.
Kênh đào Panama được xây dựng từ năm 1904 đến năm 1914, chủ yếu do Mỹ thực hiện, dưới sự giám sát của cựu Tổng thống Theodore Roosevelt.
Chính phủ Panama nằm quyền sở hữu toàn bộ kênh đào này.
Ngày 31/12/1999, Mỹ đã trao quyền sở hữu kênh đào này cho Panama theo Hiệp ước năm 1977 do Tổng thống Jimmy Carter ký kết.
“Kênh đào đã được trao cho Panama và người dân Panama, nhưng nó có quy định. Nếu các nguyên tắc, cả về đạo đức và pháp lý, của nghĩa cử hào phóng này không được tuân thủ, thì chúng tôi sẽ yêu cầu Kênh đào Panama phải được trả lại cho Hoa Kỳ, toàn bộ, nhanh chóng và không thắc mắc”, ông Trump cảnh báo.
Tổng thống đắc cử Mỹ không cung cấp thêm thông tin chi tiết về cách thức giành lại quyền kiểm soát kênh đào này như thế nào.
Mối đe dọa với kênh đào Panama
Năm 2023, tình trạng hạn hán ở Trung Mỹ đã ảnh hưởng đến kênh đào Panama.
Kênh đào này dựa vào hồ Gatun nhân tạo gần đó để vận hành các âu thuyền. Mực nước thấp trong hồ đã khiến các giới chức phải hạn chế số lượng tàu thuyền sử dụng tuyến đường thủy này và tăng phí sử dụng.
Trong năm tài chính vừa qua, kênh đào Panama đã chứng kiến lượng tàu thuyền giảm 29%. Từ tháng 10/2023 đến tháng 9/2024, có 9.944 tàu đi qua kênh đào, so với 14.080 tàu trong năm trước.
Lưu lượng giao thông trên kênh đào hiện đã trở lại mức trước hạn hán. Tuy nhiên, mức phí cho năm tới dự kiến cũng tăng.
Tổng thống Mulino giải thích “mức thuế này không được thiết lập theo ý muốn”. Ông đồng thời nói thêm rằng việc tăng phí vận chuyển sẽ giúp chi trả cho những cải tiến mà Chính phủ Panama đã thực hiện giúp cho phép nhiều tàu thuyền hơn đi qua kênh đào.
Những mong muốn của ông Trump
Trước cuộc bỏ phiếu hồi tháng 11, đội ngũ tranh cử của ông Trump được xây dựng dựa trên triết lý “Nước Mỹ trên hết”. Ông Trump đã nhiều lần đề xuất “mở rộng lãnh thổ” kể từ khi đắc cử tổng thống. Kênh đào Panama là một trong những vùng lãnh thổ mà ông gần đây đã đánh dấu là có khả năng.
Ông Trump cũng từng đề cập đến Canada. Hôm 18/12, ông đã đăng trên mạng xã hội TruthSocial: “Nhiều người Canada muốn nước này trở thành bang thứ 51 của Mỹ. Họ sẽ tiết kiệm được khối tiền với các khoản thuế và được bảo vệ về quân sự. Ý tưởng tuyệt vời. Bang thứ 51!!!”.
Không rõ liệu Tổng thống đắc cử Mỹ có nghiêm túc hay không. Song những bình luận của ông được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng bùng phát giữa Mỹ và Canada. Sau khi ông Trump gần đây đe dọa áp thuế đối với hàng hóa từ nước láng giềng phía bắc, Bộ trưởng Tài chính Canada Chrystia Freeland đã từ chức và áp lực buộc Thủ tướng Justin Trudeau từ chức cũng đang ngày càng gia tăng.
Ông Trump cũng đã bày tỏ sự quan tâm đến Greenland, một lãnh thổ tự trị của Đan Mạch. Hôm 23/11, Tổng thống đắc cử Mỹ thông báo trên Truth Social rằng ông đã chọn doanh nhân Ken Howery làm Đại sứ Mỹ tại Đan Mạch. Ông đồng thời nói thêm: “Mỹ cảm thấy quyền sở hữu và kiểm soát Greenland là điều hoàn toàn cần thiết”.
Băng tan ở Greenland. Ảnh: NYT
Ông Trump cũng từng đưa ra đề xuất này trong nhiệm kỳ đầu tiên, nhưng đã bị chính quyền Đan Mạch bác bỏ. Sau tuyên bố này, giới chức Đan Mạch nói với truyền thông rằng Greenland không phải để bán.
“Greenland là của chúng tôi, không phải thứ đem ra bán và không bao giờ bị bán. Chúng tôi sẽ không để thua trong cuộc đấu tranh lâu dài cho tự do”, ông Mute Egede, lãnh đạo đảo Greenland, lãnh thổ tự trị thuộc Đan Mạch, cho biết ngày 23/12.
Theo giới chuyên gia, Greenland có vị trí chiến lược quan trọng, đặc biệt vào thời điểm băng tan ở Bắc Cực đang mở ra sự cạnh tranh thương mại và quân sự mới. Vùng đất này cũng có trữ lượng khoáng sản đất hiếm cần thiết cho các công nghệ tiên tiến.
Các nhà phân tích không coi nỗ lực giành Greenland của ông Trump là trò đùa. Chuyên gia an ninh Bắc Cực Marc Jacobsen, Phó giáo sư tại Cao đẳng Quốc phòng Hoàng gia Đan Mạch , cho rằng: “Không có nhiều người cười cợt về ý tưởng đó vào lúc này”.
Nhưng ông Jacobsencho biết người dân Greenland - những người từ lâu đã tìm kiếm sự độc lập - có thể tìm cách tận dụng lợi ích của ông Trump như một cơ hội để tăng cường hơn nữa mối quan hệ kinh tế với Mỹ.
Từ năm 2009, Greenland đã có quyền tuyên bố độc lập. Tuy nhiên, lãnh thổ rộng lớn với khoảng 56.000 dân này vẫn phụ thuộc rất nhiều vào Đan Mạch và chưa bao giờ lựa chọn theo đuổi con đường đó. Ông Jacobsen lập luận lợi ích của ông Trump có thể mở ra cơ hội cho nhiều khoản đầu tư hơn từ Mỹ, bao gồm cả du lịch hoặc khai thác đất hiếm ở vùng đất này.
Bà Goodman – tác giả của cuốn Treat Multiplier: Climate, Military Leadership, and the Fight for Global Security, tập trung một phần vào Bắc Cực – cho biết Mỹ thực sự quan tâm đến việc đảm bảo Trung Quốc nói riêng không hiện diện mạnh mẽ ở Greenland.
Tham vọng của Bắc Kinh ở Bắc Cực đã tăng lên và vào năm 2018. Nước này đã vạch ra kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển các tuyến đường vận chuyển được mở ra bởi biến đổi khí hậu.
Ông David L. Goldwyn, người từng phục vụ tại Bộ Ngoại giao dưới thời Tổng thống Bill Clinton và Barack Obama, lưu ý rằng Greenland có nguồn tài nguyên thiên nhiên chưa khai thác khổng lồ, bao gồm hơn 43 trong số 50 nguyên tố đất hiếm quan trọng được sử dụng để chế tạo xe điện, tua bin gió và các công nghệ sạch khác.
“Chắc chắn nếu Greenland quyết định khai thác các nguồn tài nguyên này, họ sẽ cung cấp một giải pháp thay thế đáng kể cho Trung Quốc, mặc dù chính năng lực chế biến các khoáng sản đó của Trung Quốc mới mang lại lợi thế hiện tại cho họ”, ông nói.
Song ông Goldwyn cho biết ngoài vấn đề chủ quyền của Đan Mạch, ông Trump có thể thấy rằng cộng đồng bản địa của Greenland không muốn khai thác và khai thác tài nguyên nhiều như ông.
“Con đường hiệu quả hơn có thể là hợp tác với Chính phủ Đan Mạch và người dân Greenland về cách phát triển các nguồn tài nguyên đó một cách an toàn và bền vững”, ông nói.
Hải Vân/Báo Tin tức (Theo Al Jazeera, NYT)
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/dang-sau-loi-de-doa-gianh-quyen-kiem-soat-kenh-dao-panama-cua-ong-trump-20241224111012224.htm