Đằng sau màn tái xuất công khai của ông Biden

Đằng sau màn tái xuất công khai của ông Biden
một ngày trướcBài gốc
Hôm 15/4 vừa qua tại Chicago, cựu Tổng thống bất ngờ xuất hiện trong một trong những cuộc tranh luận chính trị gay gắt nhất mà chính quyền Donald Trump khơi mào - liên quan đến việc bảo vệ chương trình An sinh Xã hội.
Đây cũng là lần phát biểu công khai lớn đầu tiên kể từ khi ông rút khỏi chính trường, trong bối cảnh Đảng Dân chủ phát động “Ngày hành động vì An sinh Xã hội” trên toàn quốc để phản đối các đề xuất cắt giảm chương trình này.
Địa điểm phát biểu tại khu River North, Chicago cũng không phải ngẫu nhiên - cách không xa nơi ông từng tổ chức gây quỹ vận động tranh cử năm ngoái, trước khi tuyên bố rút lui.
“Một cách tái xuất phù hợp”
Việc tái xuất giữa làn sóng biểu tình và đấu tranh chính sách là một hình ảnh khác thường đối với một người vừa mới rời khỏi Phòng Bầu dục chưa đầy 3 tháng. Nhiều người từng ủng hộ ông, giờ đây lại bối rối và thậm chí tránh đề cập đến ông trong các cuộc trò chuyện.
Trái ngược với Tổng thống Trump - người vẫn liên tục công kích ông từ Nhà Trắng hoặc trên chuyên cơ Không lực Một - thế giới của Biden giờ đây đã thu hẹp đáng kể.
Ông chủ yếu sống tại Delaware, thỉnh thoảng quay về văn phòng ở Washington bằng tuyến Amtrak quen thuộc mỗi tuần một lần. Các lần xuất hiện công khai hiếm hoi của ông gồm hội nghị Mô hình Liên Hợp Quốc ở New York, bữa tiệc mừng lễ Thánh Patrick tại quê nhà và lễ trao giải cống hiến trọn đời của Liên đoàn Lao động Điện lực Quốc tế (IBEW).
Theo CNN, là người trung thành với thể chế, Biden đã kiên nhẫn chờ đợi cho đến khi gần kết thúc 100 ngày đầu nhiệm kỳ của Trump mới lên tiếng.
Lần xuất hiện hôm 15/4 là để tham dự cuộc họp của tổ chức ACRD - nhóm vận động mới gồm các luật sư hỗ trợ người hưởng An sinh Xã hội, đồng chủ tịch bởi cựu Thượng nghị sĩ Cộng hòa Roy Blunt và cựu Thượng nghị sĩ Dân chủ Debbie Stabenow.
Martin O’Malley - Ủy viên An sinh Xã hội dưới thời Biden - nhận xét rằng chủ đề bảo vệ người lao động và củng cố An sinh Xã hội vốn là dấu ấn trong sự nghiệp của ông Biden, và đây là “một cách tái xuất hoàn toàn phù hợp”.
Cựu Tổng thống Mỹ Joe Biden chụp ảnh cùng cựu Thống đốc bang Maryland Martin O'Malley trong lần đầu tiên ông có bài phát biểu lớn kể từ khi rời nhiệm sở. Ảnh: Reuters.
Ông O’Malley hy vọng Biden sẽ là người dẫn đầu kêu gọi các cựu tổng thống khác cùng lên tiếng chống lại những kế hoạch của Tổng thống Trump.
“Một trong những yếu tố giúp ổn định nền cộng hòa của chúng ta là tiếng nói từ các cựu tổng thống”, ông nói.
“Lựa chọn An sinh Xã hội làm chủ đề trở lại thay vì các diễn ngôn to tát về dân chủ hay pháp quyền là quyết định khôn ngoan - đó là điều người dân quan tâm thực sự. Nếu không có Biden phát biểu, chẳng ai nói về nó vào ngày hôm sau”, một cựu cố vấn khác cũng chia sẻ trên Politico.
Thực tế, Biden đã bắt đầu lên tiếng từ ngày 4/4 tại hội nghị của IBEW, chỉ là truyền thông không chú ý vì sự kiện diễn ra kín.
Khi lên phát biểu, Biden nhắc lại mối quan hệ lâu dài với giới công đoàn, và không quên nhấn mạnh: “Tôi là tổng thống đầu tiên từng tham gia biểu tình cùng người lao động”.
Chỉ 2 ngày sau khi Trump tung chính sách thuế quan “Ngày Giải phóng” khiến thị trường toàn cầu chao đảo, Biden đã nhấn mạnh với hơn 1.000 người tham dự tại Hilton Washington rằng: “Nền kinh tế đang bị lãng phí - hoàn toàn và vô ích”.
“Tôi đã phải nghe báo chí và giới chuyên gia nói suốt 2 năm rằng tôi sắp đẩy nước Mỹ vào suy thoái. Nhưng điều đó đã không xảy ra. Tôi sẽ nói lại lần nữa: Ngày tôi rời nhiệm sở, nước Mỹ sở hữu nền kinh tế mạnh nhất thế giới. Đó không phải chỉ là quan điểm cá nhân - đó là sự đồng thuận của giới kinh tế toàn cầu”, ông tuyên bố.
Đóng vai trò trong hậu trường
Những người thân cận mô tả giai đoạn hiện tại của Biden là thời kỳ "kết nối lại, tái thiết và chiêm nghiệm" với cháu chắt, bạn bè cũ, những cuốn sách và bộ phim từng bỏ lỡ, và cả với người vợ mà nay ông đã có nhiều thời gian bên cạnh hơn.
Biden cũng đang ấp ủ kế hoạch xuất bản một cuốn sách mới, đồng thời dành thời gian trò chuyện sâu sắc với một số con tin người Israel được thả và thân nhân của những người khác vẫn còn mất tích.
Hôm 13/4, ông gọi điện cho Thống đốc bang Pennsylvania Josh Shapiro để bày tỏ sự cảm thông sau vụ tấn công vào dinh thự của ông Shapiro ngay sau buổi lễ Vượt Qua.
Tối cùng ngày, ông cùng Thống đốc bang Delaware Matt Meyer tham dự một buổi lễ Vượt Qua tại địa phương. Meyer đã giới thiệu Biden là “người bạn thân thiết của người dân Delaware và cộng đồng Do Thái”, đùa rằng có lẽ cựu tổng thống đã dành nhiều thời gian trong giáo đường hơn cả ông.
Khác với các đời tổng thống tiền nhiệm thường tận dụng giai đoạn "về hưu" để chuẩn bị cho thư viện và quỹ từ thiện, Biden lại gần như án binh bất động. Phải đến tháng 12/2024, khi chỉ còn vài tuần làm việc tại Nhà Trắng, ông mới hoàn tất hồ sơ pháp lý cho quỹ.
Trong khi ông Barack Obama huy động hơn 2 tỷ USD cho một khu phức hợp gồm trung tâm thể dục, thư viện công cộng và nhiều hạng mục hào nhoáng khác, Biden lại đang đối diện với một loạt vấn đề chồng chéo: thiếu ngân sách, nhà tài trợ xa lánh, và sự mất đi niềm tin.
Đảng Dân chủ vẫn cần tiếng nói của ông Biden
Cho đến nay, cuộc gặp chính trị đáng chú ý duy nhất sau khi rời nhiệm sở của ông Biden là với Chủ tịch mới của Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ (DNC) - ông Ken Martin.
Chủ tịch Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ (DNC) Ken Martin. Ảnh: The New York Times.
Khi được hỏi vai trò mong muốn của Biden trong việc tái thiết đảng Dân chủ, ông Martin gửi thông cáo với nội dung: “Chưa từng có tổng thống Dân chủ nào đầu tư nhiều vào cơ sở hạ tầng đảng như Joe Biden. Tôi rất biết ơn vì những đóng góp của ông, không chỉ cho quốc gia mà còn cho cam kết dài hạn đối với đảng”.
Các trợ lý thạo tin tiết lộ rằng email gây quỹ từ DNC vào ngày 31/3 có chữ ký của Biden là một trong những email hiệu quả nhất trong năm - giúp kích hoạt hàng chục nghìn nhà tài trợ quay trở lại.
“Mỗi ngày trôi qua, người ta lại càng nhớ ông ấy nhiều hơn. Ông ấy chắc chắn là điểm cộng trong bối cảnh hiện tại”, ông O’Malley nhận xét.
Lãnh đạo phe thiểu số Hạ viện Hakeem Jeffries cũng tuyên bố: “Cuộc tấn công chưa từng có vào An sinh Xã hội đòi hỏi tất cả chúng ta phải cùng nhau đứng lên - và đó là lý do vì sao tiếng nói của ông Biden lại quan trọng đến vậy”.
Trong khi đó, Thượng nghị sĩ Debbie Stabenow cũng khẳng định việc ông Biden lên tiếng là “hoàn toàn cần thiết”.
Phó chủ tịch Ủy ban Quốc gia Dân chủ David Hogg cho biết sự trở lại của Biden là điều tự nhiên với một cựu tổng thống muốn chia sẻ kinh nghiệm: “Ông ấy là một người làm việc không ngừng nghỉ, luôn muốn đóng góp và thúc đẩy tiến trình của đảng”.
“Dù bạn có đồng tình hay không với chính sách của ông Joe Biden, thì ông ấy vẫn là một người yêu nước chân thành và đã hy sinh rất nhiều cho đất nước này”, Thống đốc Delaware Matt Meyer chia sẻ.
“Việc ông ấy bị coi là nhân vật gây chia rẽ thực sự là điều lạ lẫm với chúng tôi - những người ở Delaware. Ông ấy luôn là người hàn gắn, chứ không chia rẽ”, vị Thống đốc tuyên bố.
Phương Linh
Nguồn Znews : https://znews.vn/dang-sau-man-tai-xuat-cong-khai-cua-ong-biden-post1546652.html