Đằng sau pha 'quay xe' của Tổng thống Biden vào cuối nhiệm kỳ

Đằng sau pha 'quay xe' của Tổng thống Biden vào cuối nhiệm kỳ
5 giờ trướcBài gốc
Chính quyền Tổng thống Joe Biden đang gấp rút chuyển nhiều viện trợ quân sự nhất có thể cho Ukraine trước khi kết thúc nhiệm kỳ. Tuy nhiên, vẫn có một điểm then chốt: lâu nay ông Biden vẫn từ chối cho phép Ukraine sử dụng ATACMS do Mỹ cung cấp để tấn công lãnh thổ Nga trong bối cảnh Moscow cảnh báo rằng một động thái như vậy sẽ vượt lằn ranh đỏ.
Khi chỉ còn hơn 2 tháng nữa là đến ngày Tổng thống đắc cử Donald Trump nhậm chức, chính quyền ông Biden đã thay đổi chính sách khi cho phép Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa do Mỹ cung cấp để tấn công vào lãnh thổ Nga.
Ngày 19/11, Nga xác nhận Ukraine đã phóng 6 quả tên lửa ATACMS vào khu vực Bryansk, đồng thời cho rằng điều này mở ra cho một “giai đoạn mới” trong cuộc xung đột.
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trong cuộc gặp tại Nhà Trắng vào tháng 9/2023. Ảnh: Reuters
Tại sao lại là lúc này?
Anatol Lieven, Giám đốc Chương trình Á-Âu tại Viện Quincy cho rằng, có 3 lý do dẫn tới sự thay đổi của chính quyền ông Biden.
“Nếu đánh giá có chút tiêu cực thì chính quyền ông Biden đang tìm cách cản trở lời hứa chấm dứt xung đột của ông Trump. Tích cực hơn thì chính quyền Biden đang tìm cách củng cố sức mạnh cho Ukraine trước các cuộc đàm phán trong tương lai. Lý do thứ ba là cần phải thay đổi chính sách để ứng phó với những thay đổi trên thực địa. Rất hiếm có quyết định nào như vậy được đưa ra chỉ vì một lý do. Theo tôi, quyết định của chính quyền Biden là sự kết hợp của cả 3 yếu tố trên”, ông Lieven nói.
Nhà Trắng và Lầu Năm Góc chưa chính thức xác nhận thay đổi chính sách, nhưng một số quan chức đã tiết lộ chi tiết động thái này với truyền thông Mỹ.
Phát biểu với Washington Post, hai quan chức giấu tên cho biết ban đầu các tên lửa này sẽ chỉ được sử dụng trong và xung quanh khu vực Kursk của Nga. Hiện vẫn chưa rõ liệu tên lửa ATACMS có tầm bắn khoảng 300km có thể được sử dụng ở nơi khác hay không.
Ngay từ khi xung đột bắt đầu bùng phát vào tháng 2/2022, Ukraine đã yêu cầu được phép sử dụng vũ khí Mỹ để tấn công bào lãnh thổ Nga và lời kêu gọi này lại một lần nữa được đưa ra sau khi lực lượng Ukraine mở chiến dịch tấn công vào tỉnh Kursk hồi tháng 8.
Sự hiện diện liên tục của quân đội Ukraine trên lãnh thổ Nga được coi là điểm then chốt để tạo đòn bẩy cho Kiev trong bất kỳ cuộc đàm phán nào trong tương lai với Moscow.
Theo các quan chức giấu tên, sự thay đổi chính sách của Mỹ phần lớn là vì Washington cho rằng Nga đã triển khai 10.000 lính Triều Tiên đến Kusrk để đối phó với lực lương Ukraine tại đây. Động thái này cũng nhằm ngăn chặn Bình Nhưỡng gửi thêm lực lượng để hỗ trợ Nga.
Hạn chế lựa chọn của chính quyền Donald Trump?
Có một điều mà ai cũng thấy rõ: ông Biden và Trump có quan điểm rất khác nhau về tương lai cuộc xung đột ở Ukraine.
Ông Biden, một người tin tưởng mạnh mẽ vào NATO, đã hứa sẽ hỗ trợ liên tục cho Kiev với mục đích cuối cùng là đẩy lực lượng Nga khỏi lãnh thổ Ukraine. Trong khi đó, ông Trump tỏ ra nghi ngờ về viện trợ của Mỹ cho Ukraine cũng như về toàn bộ liên minh NATO, ông đã tuyên bố sẽ gây sức ép với cả Kiev và Moscow để chấm dứt xung đột.
Đầu tháng này, một cố vấn chiến dịch tranh cử của ông Trump nói rằng Ukraine có thể sẽ phải chấp nhận thực tế về lãnh thổ để chấm dứt xung đột với Nga.
Việc đưa ra quyết định ở thời điểm sau cuộc bầu cử tổng thống có thể có 2 mặt. Theo ông Aaron David Miller, một thành viên cấp cao tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, nó có thể củng cố vị thế của Ukraine trước các cuộc đàm phán trong tương lai trong khi gia tăng rủi ro chính trị cho ông Trump trong nội bộ đảng Cộng hòa.
“Rõ ràng là ATACMS sẽ chỉ có ảnh hưởng hạn chế đến toàn bộ cục diện cuộc xung đột, nhưng nếu nó giúp ngăn chặn những bước tiến của Nga ở khu vực Kursk thì rõ ràng là nó sẽ đem lại lợi thế cho Ukraine. Hiện nay, vẫn có nhiều thành viên đảng Cộng hòa tin rằng, việc bảo vệ Ukraine nằm trong khai niệm rộng lớn về lợi ích quốc gia của Mỹ”, ông nói.
Do đó, theo ông Miller, ông Trump có thể chọn không hủy bỏ quyết định của người tiền nhiệm Biden về ATACMS.
Không có gì ngạc nhiên khi những người ủng hộ Trump chỉ trích việc cho phép Ukraine tấn công lãnh thổ Nga bằng tên lửa ATACMS do Mỹ cung cấp. Họ họi đây là một bước đi leo thang xung đột khi ông Trump chuẩn bị nhậm chức tổng thống thứ 47 của Mỹ.
Trong một bài đăng trên X, Donald Trump Jr, con trai ông Trump, cho rằng sự thay đổi này “châm ngòi cho Thế chiến thứ 3 trước khi cha tôi có cơ hội tạo ra hòa bình và cứu mạng người”.
Hạ nghị sĩ Mike Waltz, người được ông Trump chọn làm Cố vấn an ninh quốc gia, gọi đây là “một bước leo thang khác và không ai biết điều này sẽ đi đến đâu”.
Richard Grenell, quyền Giám đốc Tình báo Quốc gia (DNI) trong Nội các của ông Trump năm 2020, cũng cáo buộc chính quyền Biden có động thái “làm leo thang xung đột ở Ukraine trong thời kỳ chuyển tiếp”.
“Điều này giống như thể ông ấy đang phát động một cuộc chiến hoàn toàn mới. Bây giờ thì mọi thứ đã thay đổi. Tất cả các tính toán trước đây đều vô giá trị”, ông Grenell nói.
Động thái ít rủi ro nhất?
Michael O'Hanlon, thành viên cấp cao tại Viện Brookings, cho rằng sự thay đổi chính sách mới nhất không có gì bất ngờ và nó cũng tương tự như những lần “trì hoãn và thận trọng” của chính quyền Biden trước các yêu cầu khác của Ukraine.
Chính quyền Biden trước đây cũng từng thay đổi từ phản đối sang chấp thuận các yêu cầu của Ukraine, điển hình là việc cung cấp xe tăng chiến đấu M1 Abrams và tiêm kích F-16.
Mỹ cũng từng phản đối việc cho phép Ukraine sử dụng Hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao (HIMARS), có tầm bắn khoảng 65km, tấn công vào lãnh thổ Nga nhưng sau đó đã cho phép Kiev sử dụng chúng để bảo vệ Kharkov mặc dù chỉ hạn chế ở khu vực biên giới.
William Courtney, cựu Đại sứ Mỹ tại Gruzia và Kazakhstan, cũng cho rằng việc cho phép Ukraine tấn công Nga bằng ATACMS không phải là động thái leo thang đáng kể, đặc biệt là khi xét đến những hạn chế về nguồn cung. Ukraine được cho là chỉ nhận được vài chục tên lửa loại này.
“Ukraine đã tấn công bằng máy bay không người lái do nước này tự sản xuất vào các mục tiêu Nở xa hơn nhiều so với tầm bắn của ATACMS. Vì vậy, đây không phải là một sự thay đổi chiến lược hoàn toàn. Về cơ bản, ATACMS có lợi thế khi nhắm vào các mục tiêu cấp bách về thời gian và các mục tiêu được bảo vệ nghiêm ngặt”.
Các quan chức quốc phòng Mỹ cũng lưu ý rằng Nga đã di chuyển nhiều mục tiêu nhạy cảm nhất của họ ra khỏi tầm bắn của ATACMS.
Với những hạn chế liên quan tới ATACMS, ông David Miller của Quỹ Carnegie cho rằng, đây có lẽ là điều ít rủi ro nhất mà chính quyền Biden có thể thực hiện vào lúc này.
Hoàng Phạm/VOV.VN Theo Al Jazeera
Nguồn VOV : https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/dang-sau-pha-quay-xe-cua-tong-thong-biden-vao-cuoi-nhiem-ky-post1137124.vov