Một sự điều chỉnh đáng kể
Cuối cùng thì Kiev cũng đã thuyết phục được Tổng thống Mỹ Donald Trump từ bỏ một số yêu cầu chính của mình nhưng không đưa các đảm bảo an ninh của Mỹ vào một phần của thỏa thuận. Các quan chức Ukraine đã chào hàng thỏa thuận cuối cùng là quan hệ đối tác bình đẳng giữa Kiev và Washington - một sự thay đổi đáng chú ý, có vẻ có lợi hơn cho Ukraine so với một số phiên bản trước đó.
Theo CNN, thỏa thuận đã có sự điều chỉnh đáng kể trong cách nói và luận điệu của Mỹ về vấn đề viện trợ cho Ukraine và cuộc chiến của Nga tại Ukraine.
Trong đó, thỏa thuận không yêu cầu Kiev phải hoàn trả cho Mỹ khoản viện trợ mà nước này đã nhận được - một nhượng bộ quan trọng của ông Trump. Ban đầu, Washington yêu cầu một phần đất hiếm và các khoáng sản khác của Ukraine trị giá 500 tỷ USD để đổi lấy khoản viện trợ mà họ đã cung cấp cho Kiev. Thay vào đó, thỏa thuận vừa được ký kết nêu rõ rằng viện trợ quân sự trong tương lai của Mỹ cho Ukraine sẽ được tính là một phần của khoản đầu tư của Mỹ vào quỹ đầu tư tái thiết chung sẽ được sử dụng để đầu tư vào tài nguyên thiên nhiên của Ukraine. Mỹ được quyền ưu tiên khai thác khoáng sản tại Ukraine và Kiev sẽ có tiếng nói cuối cùng về việc khai thác gì và ở đâu. Ukraine cũng sẽ giữ quyền sở hữu đối với lớp đất bên dưới.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Bessent và Phó Thủ tướng thứ nhất Ukraine Svyrydenko với thỏa thuận khoáng sản tại Washington, ngày 30/4.
Đáng chú ý, thỏa thuận cũng nói rằng khoản đầu tư cần phải được thực hiện theo các nghĩa vụ của Ukraine với tư cách là một quốc gia ứng cử viên của EU. Và, nếu Ukraine gia nhập EU trong tương lai, thỏa thuận này sẽ được đàm phán lại "một cách thiện chí".
Nhưng, các điều khoản của thỏa thuận cũng đảm bảo rất nhiều lợi thế cho Mỹ. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent mô tả đây là "quan hệ đối tác kinh tế lịch sử", "báo hiệu rõ ràng với Nga rằng chính quyền Tổng thống Trump cam kết thực hiện một tiến trình hòa bình tập trung vào một Ukraine tự do, có chủ quyền và thịnh vượng trong dài hạn". Ukraine cũng đã từ bỏ yêu cầu Mỹ phải cung cấp các bảo đảm an ninh như một phần của thỏa thuận.
Tại sao khoáng sản lại quan trọng như vậy?
Các vật liệu như than chì, lithium, uranium và 17 nguyên tố hóa học được gọi là đất hiếm rất quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế và an ninh quốc gia. Chúng rất cần thiết cho sản xuất thiết bị điện tử, công nghệ năng lượng sạch, bao gồm tua bin gió, mạng lưới năng lượng và xe điện, cũng như một số hệ thống vũ khí.
Trung Quốc từ lâu đã thống trị sản xuất khoáng sản đất hiếm toàn cầu và các vật liệu quan trọng khác về mặt chiến lược, khiến các nước phương Tây ráo riết tìm kiếm các nguồn thay thế khác, bao gồm cả Ukraine.
Mỹ phụ thuộc phần lớn vào nguồn nhập khẩu để cung cấp các khoáng sản mà họ cần. Trong số 50 loại khoáng sản được phân loại là quan trọng, Mỹ hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu 12 loại và 16 loại khác phụ thuộc hơn 50% vào nguồn nhập khẩu, theo Cục Khảo sát địa chất Mỹ (USGS).
Chính phủ Ukraine cho biết, Ukraine có trữ lượng 22 trong số 50 loại vật liệu quan trọng nêu trên. Quốc gia này có một số mỏ than chì, lithium, titan, berili và uranium lớn nhất thế giới, tất cả đều được Mỹ phân loại là khoáng sản quan trọng. Một số khu bảo tồn này nằm ở những khu vực do Nga kiểm soát.
Shelby Magid, Phó Giám đốc Trung tâm Âu - Á của Hội đồng Đại Tây Dương, nhận định rằng thỏa thuận này đưa người Ukraine "vào vị thế mạnh nhất của họ với Washington kể từ khi ông Trump nhậm chức".
Tác động gì đến tiến trình hòa bình?
Con đường đi đến thỏa thuận rất gập ghềnh, khi Mỹ tạm thời đình chỉ viện trợ cho Ukraine sau cuộc họp nảy lửa tại Phòng Bầu dục. Các cuộc đàm phán tiếp tục diễn ra ở hậu trường trong những tuần tiếp theo. Trong khi đó, ông Trump bắt đầu mất kiên nhẫn với việc Tổng thống Nga Putin trì hoãn thỏa thuận hòa bình, tạo cơ hội cho Kiev hàn gắn quan hệ. Cuối cùng, có vẻ như hai nhà lãnh đạo Mỹ-Ukraine chỉ cần nói chuyện riêng với nhau không có máy quay và không có các trợ lý. Và, tại lễ tang Giáo hoàng Francis, hai ông Trump và Zelensky đã thật sự nói chuyện riêng trong Vương cung Thánh đường Thánh Peter. Sau khi thỏa thuận được ký kết, ông Zelensky cho biết việc ký kết thỏa thuận khoáng sản là "kết quả đầu tiên của cuộc họp tại Vatican".
Sau cuộc họp này, ông Trump đã đặt câu hỏi liệu nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin có muốn một thỏa thuận hòa bình hay không và đưa ra ý tưởng áp đặt thêm lệnh trừng phạt đối với Moscow. Chỉ vài ngày sau, thỏa thuận khoáng sản đã được ký kết.
Chính phủ Ukraine trước đây đã đưa ra lập luận rằng các mỏ khoáng sản của họ là một trong những lý do khiến phương Tây nên hỗ trợ Ukraine - để ngăn chặn các nguồn tài nguyên quan trọng về mặt chiến lược này rơi vào tay người Nga.
Các chuyên gia đồng ý với ý kiến đó. Liam Peach và Hamad Hussain, các nhà kinh tế tại Capital Economics, đã viết trong một lưu ý phân tích rằng thỏa thuận này "cung cấp một số sự đảm bảo rằng chính quyền Tổng thống Trump không có kế hoạch từ bỏ Ukraine hoàn toàn" vì nó thiết lập các lợi ích kinh tế của Mỹ tại Ukraine.
Các chuyên gia cho rằng thỏa thuận khoáng sản có thể củng cố vị thế của Ukraine, nhưng không nhất thiết đưa cuộc chiến đến gần hồi kết hơn, vì nó tách biệt với các cuộc đàm phán với Nga - vẫn đang bị đình trệ vì những căng thẳng gần đây giữa Nga và Ukraine, trong đó Moscow tiếp tục từ chối thỏa thuận ngừng bắn 30 ngày do Mỹ đề xuất và ngược lại Kiev từ chối lệnh ngừng bắn 3 ngày dịp lễ Chiến thắng của Tổng thống Putin.
An Châu (Tổng hợp)