Giữa lúc Ukraine khát vũ khí và Nga tiếp tục tấn công, Tổng thống Trump tung nước cờ vừa áp lực vừa kiềm chế, tạo thế khó cho cả Kiev lẫn Moskva (trong ảnh: Hệ thống tên lửa Patriot tại sân bay ở Cologne-Wahn, Đức). Ảnh: Getty Images/TTXVN
Theo Wall Street Journal ngày 16/7, Tổng thống Mỹ Donald Trump đang thể hiện một chiến lược đầy bất định trong cuộc xung đột ở Ukraine, khi vừa tuyên bố cung cấp vũ khí mới cho Kiev, lại vừa cảnh báo Ukraine không nhắm mục tiêu vào Moskva. Những bình luận "trái chiều" này được đưa ra chỉ một ngày sau khi ông hứa hẹn viện trợ vũ khí, và chưa đầy hai tuần sau khi ông từng hỏi liệu Kiev có thể tấn công Moskva và St. Petersburg hay không.
Chiến lược "áp lực từ hai phía" của Tổng thống Trump
Hôm 15/7, Tổng thống Trump tuyên bố Mỹ không có kế hoạch cung cấp tên lửa tầm xa cho Ukraine và cảnh báo Kiev không được tấn công Moskva. Bình luận này được đưa ra sau khi Mỹ và các đồng minh châu Âu đạt thỏa thuận về việc cung cấp vũ khí mới cho Ukraine, kèm theo lời cảnh báo tới Nga. Ông Trump cũng bày tỏ sự thất vọng với các cuộc tấn công liên tục của Nga và tiến độ đàm phán hòa bình chậm chạp, đe dọa gây áp lực kinh tế lên Moskva.
Trong khi đó, Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) có trụ sở tại Mỹ ngày 16/7 cho biết, các quan chức phương Tây đã cung cấp thêm thông tin chi tiết về nỗ lực mới do Mỹ dẫn đầu nhằm trang bị vũ khí cho Ukraine. Tổng thống Trump đã trả lời vào ngày 15/7 cho một câu hỏi về thời điểm các hệ thống phòng không Patriot mới sẽ đến Ukraine như một phần của nỗ lực này. Ông Trump tuyên bố rằng các hệ thống tên lửa Patriot của Mỹ "được vận chuyển" đến Ukraine từ Đức và các quốc gia thành viên NATO sẽ trả tiền cho "mọi thứ", ám chỉ các đợt giao hàng quân sự trong tương lai của Washington cho Kiev.
Các quan chức Mỹ giấu tên nói với tờ New York Times (NYT) rằng hầu hết các loại vũ khí mà các quốc gia thành viên NATO dự kiến sẽ mua cho Ukraine từ Mỹ - bao gồm các hệ thống phòng không Patriot, tên lửa chưa được tiết lộ và đạn dược - "có sẵn ngay lập tức" để gửi đến Ukraine. Một đại diện NATO nói với hãng tin Suspilne của Ukraine rằng quỹ Hỗ trợ và Đào tạo An ninh NATO cho Ukraine (NSATU) sẽ điều phối việc NATO mua vũ khí của Mỹ cho Ukraine.
Người đại diện trên cũng tuyên bố rằng Đức, Na Uy, Đan Mạch, Hà Lan, Thụy Điển, Anh, Canada và Phần Lan đã xác nhận tham gia vào nỗ lực do Mỹ dẫn đầu trên, ngoài các cam kết hiện có của các quốc gia này đối với quỹ NSATU, Nhóm liên lạc quốc phòng Ukraine (định dạng Ramstein) và nhiều thỏa thuận song phương và đa phương khác với Ukraine.
Tờ Wall Street Journal nhận định, phong cách giao tiếp đặc thù của Tổng thống Trump thường khiến người ta khó hiểu chính xác ý của ông. Một quan chức Ukraine nắm rõ cuộc đối thoại giữa ông Trump và Tổng thống Zelensky vào ngày 4/7 cho biết, ông Trump đã hỏi liệu Kiev có thể tấn công Moskva và St. Petersburg hay không, sau khi ông Zelensky gợi ý Ukraine cần vũ khí chính xác tầm xa của Mỹ để các cuộc tấn công vào lãnh thổ Nga trở nên gây thiệt hại hơn. Tuy nhiên, Thư ký báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt lại giải thích rằng ông Trump "chỉ đặt câu hỏi, chứ không khuyến khích thêm thương vong" và ông đang "làm việc không mệt mỏi" để chấm dứt cuộc chiến.
Cuộc thảo luận giữa Tổng thống Trump và ông Zelensky diễn ra ngay sau cuộc thảo luận giữa ông Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin, trong đó nhà lãnh đạo Nga nói với ông Trump rằng Moskva sẽ tiếp tục chiến đấu nếu các cuộc đàm phán hòa bình thất bại.
Thực trạng tấn công và nhu cầu vũ khí tầm xa của Ukraine
Trong suốt cuộc xung đột kéo dài hơn 3 năm qua, Ukraine đã nhiều lần nhắm mục tiêu vào các địa điểm cách xa tới 1.600 km bên trong lãnh thổ Nga, bao gồm cả Moskva và St. Petersburg, bằng thiết bị bay không người lái (UAV) sản xuất trong nước. Nga cho biết hầu hết các máy bay không người lái đều bị hệ thống phòng không của họ bắn hạ.
Hiện tại, Ukraine, quốc gia đang phát triển chương trình tên lửa đạn đạo riêng, không có tên lửa nào có thể vươn tới hai thành phố chính của Nga. Chính quyền Biden trước đây đã cung cấp cho Ukraine một số lượng nhỏ tên lửa ATACMS với tầm bắn khoảng 300 km, nhưng chỉ giới hạn sử dụng ở khu vực biên giới Kursk và Bryansk. Moskva cách vùng lãnh thổ gần nhất do Ukraine kiểm soát gần 480 km, còn St. Petersburg cách đó 880 km.
Các quan chức Ukraine từ lâu đã thúc đẩy việc cung cấp vũ khí tầm xa hơn như Tên lửa Không đối đất Tầm xa Liên hợp (JASSM), có thể được phóng bằng máy bay F-16 mới được cung cấp. Chính quyền Biden đã cân nhắc nhưng quyết định không cung cấp những tên lửa này. Tên lửa mang theo lượng nổ lớn hơn nhiều so với UAV, có thể xuyên thủng các mục tiêu kiên cố và di chuyển với tốc độ cao hơn nhiều. Các cuộc không kích của Ukraine trong những tháng gần đây tập trung vào các ngành công nghiệp quốc phòng Nga, nhằm phá vỡ hoạt động sản xuất UAV và tên lửa tấn công các thành phố của Ukraine hàng ngày.
Áp lực kinh tế và phản ứng từ Nga
Tổng thống Trump ngày càng bày tỏ sự thất vọng trước tiến độ đàm phán hòa bình chậm chạp. Ông đe dọa sẽ gia tăng áp lực kinh tế lên Moskva bằng các biện pháp trừng phạt thứ cấp đối với các khách hàng mua dầu mỏ của Nga nếu không đạt được thỏa thuận hòa bình với Ukraine trong vòng 50 ngày. Mặc dù kim ngạch thương mại giữa Nga và Mỹ còn khiêm tốn, Nhà Trắng vẫn có thể lựa chọn áp đặt thuế quan hoặc trừng phạt đối với các quốc gia khác nhập khẩu dầu mỏ của Nga, một mối đe dọa tiềm tàng gây hại hơn cho nền kinh tế vốn đã khó khăn của Nga.
Phản ứng từ Nga khá gay gắt. Điện Kremlin cho biết sẽ đáp trả nếu thấy cần thiết. Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cho biết những tuyên bố trên của Tổng thống Mỹ là "tối hậu thư mang tính phô trương" gửi tới Moskva mà Nga không quan tâm. Thứ trưởng Ngoại giao Sergei Ryabkov tuyên bố Nga sẽ không phản ứng trước các tối hậu thư và "hoạt động quân sự đặc biệt" của họ sẽ tiếp tục nếu các mục tiêu không đạt được thông qua ngoại giao.
Viện trợ vũ khí và thách thức sản xuất
Quyết định của Tổng thống Trump về việc bán hệ thống phòng không Patriot và các loại vũ khí khác cho Ukraine có thể mang lại cú hích rất cần thiết cho Kiev. Đây là một cột mốc quan trọng, đánh dấu lần đầu tiên Nhà Trắng đồng ý cung cấp vũ khí cho Ukraine vượt xa những đợt giao hàng mà cựu Tổng thống Joe Biden đã khởi động. Đối với Tổng thống Trump, sự sẵn lòng của các chính phủ châu Âu trong việc trả tiền cho Mỹ để mua vũ khí và chuyển chúng thông qua NATO là một khía cạnh quan trọng của thỏa thuận mới, cho phép ông tuyên bố đã đạt được mục tiêu chuyển nhiều gánh nặng hỗ trợ Kiev hơn cho các đồng minh.
Tuy nhiên, câu hỏi trọng tâm là sẽ mất bao lâu và với số lượng bao nhiêu để đưa các vũ khí mới này vào Ukraine. Các nhà phân tích cho biết, việc tăng cường phòng thủ cho Ukraine phụ thuộc vào việc nhanh chóng đưa đủ số lượng tên lửa Patriot vào quốc gia này và về lâu dài sẽ đẩy mạnh sản xuất tên lửa đánh chặn của phương Tây. Celeste Wallander, quan chức cấp cao của Lầu Năm Góc trong chính quyền Biden, nhận định: "Chiến thuật của Nga là khiến Ukraine phải tiêu tốn toàn bộ kho vũ khí phòng không hiện có và để họ đối mặt với một cuộc tấn công vào cuối hè hoặc mùa thu".
Năng lực sản xuất vũ khí đánh chặn hạn chế của phương Tây đang là một rào cản. Năm ngoái, Lockheed Martin chỉ sản xuất 500 tên lửa đánh chặn PAC-3 cho hệ thống Patriot, với kế hoạch tăng lên 650 vào năm 2027. Một tập đoàn châu Âu sản xuất tên lửa đánh chặn tương đương cho hệ thống SAMP-T của Pháp-Italy chỉ sản xuất được một phần nhỏ số lượng đó. Để đẩy nhanh việc cung cấp, Đức và các nước châu Âu khác có thể cung cấp tên lửa từ kho dự trữ hiện tại với điều kiện được thay thế bằng các hệ thống mua từ Mỹ. Tổng thống Trump đã nói rằng Đức sẽ gửi tên lửa "sớm" và "chúng sẽ được thay thế".
Một cách khác là mua trực tiếp từ dây chuyền lắp ráp, nhưng khách hàng nước ngoài có thể mất nhiều năm. Việc chính quyền Trump yêu cầu Ukraine được ưu tiên nhận các lô hàng mới sẽ đồng nghĩa với việc các đồng minh khác của Mỹ sẽ phải chờ đợi. Tổng thống Trump không nói liệu ông có sẵn sàng can thiệp vào tiến độ sản xuất hay không, điều mà ông Biden đã từng làm khi còn đương nhiệm.
Ngoài Patriot, tên lửa không đối không cũng có thể được tiêm kích F-16 của Ukraine sử dụng để bắn hạ UAV và tên lửa hành trình. 90 tên lửa không đối không AIM và 30 tên lửa đánh chặn PAC-3 tiên tiến nằm trong số các vũ khí Mỹ bị Lầu Năm Góc tạm dừng và sau đó Tổng thống Trump đã đảo ngược quyết định.
Tóm lại, chính sách của Tổng thống Trump đối với Ukraine đang thể hiện sự phức tạp và đôi khi mâu thuẫn, với mục tiêu rõ ràng là chấm dứt xung đột nhưng phương pháp lại gây ra nhiều tranh luận. Vận mệnh của Ukraine giờ đây phụ thuộc vào tốc độ NATO cung cấp vũ khí và khả năng sản xuất của phương Tây, trong bối cảnh giao tranh tiếp tục leo thang và các cuộc đàm phán hòa bình vẫn bế tắc.
Vũ Thanh/Báo Tin tức và Dân tộc