Đằng sau việc Ấn Độ 'xoay trục' nhập khẩu dầu, tăng nguồn cung từ Mỹ

Đằng sau việc Ấn Độ 'xoay trục' nhập khẩu dầu, tăng nguồn cung từ Mỹ
6 giờ trướcBài gốc
Một cơ sở khai thác dầu của Nga. Ảnh: TASS/TTXVN
Trong bối cảnh địa chính trị và kinh tế toàn cầu nhiều biến động, Ấn Độ đang tích cực điều chỉnh chiến lược nhập khẩu dầu thô, tìm kiếm các nguồn cung mới để đảm bảo an ninh năng lượng. Điều này đặt ra câu hỏi: Liệu có quốc gia nào đang dần thay thế vị trí của Nga trong vai trò nhà cung cấp dầu chính cho cường quốc Nam Á này?
Theo trang tin Oilprice.com và Thời báo Ấn Độ ngày 13/7, trong nửa đầu năm 2025, Ấn Độ đã chứng kiến sự gia tăng đáng kể về lượng dầu thô nhập khẩu từ Mỹ và Brazil, cho thấy một sự thay đổi chiến lược nhằm đa dạng hóa nguồn cung ngoài các nước OPEC.
Dựa trên dữ liệu mới nhất từ S&P Global Commodity Insights, lượng dầu thô xuất khẩu từ Mỹ sang Ấn Độ đã tăng 51% so với cùng kỳ năm trước, đạt 271.000 thùng/ngày từ tháng 1 đến tháng 6/2025, so với mức 180.000 thùng/ngày của cùng kỳ năm 2024. Đáng chú ý hơn, lượng dầu nhập khẩu từ Brazil tăng vọt 80% lên 73.000 thùng/ngày, so với mức 41.000 thùng/ngày trong cùng kỳ năm 2024. Đây là mức tăng trưởng cao nhất trong danh mục nhập khẩu của Ấn Độ, nhấn mạnh sự chuyển hướng mạnh mẽ sang nhập khẩu dầu thô từ Tây bán cầu.
Nguyên nhân đằng sau sự dịch chuyển
Sự gia tăng nhập khẩu dầu từ Mỹ và Brazil không phải ngẫu nhiên mà xuất phát từ nhiều yếu tố đồng bộ. Các nhà máy lọc dầu quốc doanh của Ấn Độ đang nỗ lực bảo vệ hoạt động mua bán khỏi sự biến động của OPEC+ và những gián đoạn tiềm tàng ở Trung Đông, đặc biệt trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Israel và Iran.
Việc Trung Quốc giảm nhập khẩu dầu thô khai thác từ Mỹ cũng đã mở ra cơ hội cho thị trường giao ngay, trong khi giá cước vận chuyển từ lưu vực Đại Tây Dương giảm, cải thiện chênh lệch giá cho Ấn Độ.
Bên cạnh các yếu tố thị trường, các hoạt động ngoại giao cũng đóng một vai trò quan trọng. Bộ trưởng Dầu mỏ Ấn Độ Hardeep Singh Puri đã có cuộc gặp với các quan chức năng lượng Brazil vào đầu năm, và chuyến thăm Washington, D.C. của Thủ tướng Narendra Modi vào tháng 4 vừa qua đã đưa hợp tác năng lượng vào chương trình nghị sự chính.
Việc Ấn Độ tăng gấp đôi lượng nhập khẩu dầu thô của Mỹ trong Quý 1 năm 2025 một phần là tín hiệu gửi đến các nhà hoạch định chính sách Mỹ trong bối cảnh áp lực thương mại. Các cuộc đàm phán thuế quan rộng hơn vẫn đang được tiến hành, và việc tạm dừng áp thuế đối với một số loại thuế quan Mỹ - Ấn Độ được ban hành vào tháng 4 sẽ hết hạn vào tháng 8 tới. Thương mại năng lượng hiện đang là một con bài mặc cả quan trọng khi các cuộc đàm phán bước vào giai đoạn nhạy cảm.
Vị trí của Nga và các nhà cung cấp khác
Mặc dù có sự gia tăng lượng nhập khẩu dầu thô từ Mỹ và Brazil của Ấn Độ, nhưng Nga vẫn giữ vị trí dẫn đầu với 1,67 triệu thùng/ngày trong nửa đầu năm 2025, tăng nhẹ so với mức 1,66 triệu thùng/ngày của cùng kỳ năm ngoái. Điều này cho thấy Nga vẫn là nhà cung cấp chính, dầu thô của Nga hiện chiếm khoảng 40% lượng dầu nhập khẩu của Ấn Độ. Trong tháng 6 vừa qua, lượng dầu thô nhập khẩu của Ấn Độ từ Nga đã tăng vọt lên mức cao nhất trong 11 tháng, đạt 2,08 triệu thùng/ngày, khi các nhà máy lọc dầu tăng cường mua vào để tăng lượng hàng tồn kho.
Sự thống trị của Nga bắt nguồn từ các mức chiết khấu đáng kể mà Moskva đưa ra sau lệnh trừng phạt của phương Tây đối với dầu thô của nước này do cuộc xung đột ở Ukraine vào tháng 2/2022. Ấn Độ, với nhu cầu nhập khẩu hơn 85% nhu cầu dầu thô, đã tận dụng cơ hội này để biến Nga từ một nhà cung cấp nhỏ thành nguồn cung dầu thô chính, vượt qua các nhà cung cấp truyền thống ở Tây Á.
Trong khi đó, lượng nhập khẩu dầu thô từ Iraq và Saudi Arabia, hai nhà cung cấp truyền thống, giảm nhẹ. Trong tháng 6, Iraq cung cấp 893.000 thùng/ngày, giảm 17,2% so với tháng trước, chiếm 18,5% lượng dầu nhập khẩu của Ấn Độ. Saudi Arabia cung cấp 581.000 thùng/ngày, giữ nguyên so với tháng 5, chiếm 12,1%. Nguồn cung từ Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) tăng 6,5% lên 490.000 thùng/ngày, chiếm 10,2%. Xuất khẩu của Nigeria cũng tăng 26% lên 158.000 thùng/ngày. Mỹ vẫn giữ vị trí là nhà cung cấp lớn thứ năm, cung cấp 303.000 thùng/ngày, chiếm 6,3% thị phần vào tháng 6 của Ấn Độ.
Mặc dù Ấn Độ đang tăng cường nhập khẩu dầu thô từ Mỹ và Brazil như một phần của chiến lược đa dạng hóa nguồn cung và đảm bảo an ninh năng lượng, nhưng Nga vẫn giữ vững vị thế là nhà cung cấp dầu thô chính cho Ấn Độ. Sự gia tăng từ Tây bán cầu cho thấy nỗ lực của New Delhi nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào một nguồn cung duy nhất và tận dụng các cơ hội thị trường. Tuy nhiên, với các ưu đãi về giá và mối quan hệ hiện có, Nga dự kiến sẽ duy trì vị trí quan trọng của mình trong thị trường dầu mỏ Ấn Độ trong tương lai gần.
Vũ Thanh/Báo Tin tức và Dân tộc
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/the-gioi/dang-sau-viec-an-do-xoay-truc-nhap-khau-dau-tang-nguon-cung-tu-my-20250714120242888.htm