Tiếp tục “rót tiền” hay chốt lời?
Vàng thế giới lại lập kỷ lục mới trong phiên giao dịch cuối cùng của tháng 3/2025 sau khi vượt qua mốc 3.110 USD/ounce (tương đương 96,8 triệu đồng/lượng). Giá vàng thế giới đã liên tục lập đỉnh khoảng 20 lần từ đầu năm đến nay.
Giá vàng trong nước hiện đã vượt ngưỡng 100 triệu đồng/lượng. Ảnh Hoàng Anh
Còn trong nước, Công ty CP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) trong phiên sáng ngày 1/4 đã niêm yết giá vàng SJC ở mức 100,3 - 102,6 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), vàng nhẫn được niêm yết 100,2 - 102,6 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Công ty CP Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá vàng ở mức 99,9 – 102,6 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), vàng nhẫn niêm yết ở mức 99,7 – 102 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Tập đoàn vàng bạc đá quý Doji niêm yết mức 99,9 – 102,6 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), vàng nhẫn 100,3 – 102,6 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra)
Như vậy, giá vàng SJC lẫn vàng nhẫn đều được cả 3 doanh nghiệp lớn niêm yết giá bán vượt mốc 102 triệu đồng/lượng, chính thức thiết lập đỉnh mới chỉ trong thời gian ngắn.
Vàng trong nước đã tăng gần 20% so với đầu năm 2025 và trở thành kênh đầu tư sinh lợi cao nhất so với các kênh khác như bất động sản, tiết kiệm hay chứng khoán.
Theo chuyên gia Phan Dũng Khánh, nguyên nhân chính tác động đến đà tăng của giá vàng đến từ việc căng thẳng thương mại toàn cầu khi Mỹ đẩy mạnh các biện pháp thương mại cứng rắn, tạo tâm lý lo ngại trên thị trường, thúc đẩy dòng tiền tìm đến các tài sản an toàn như vàng.
Bên cạnh đó, các ngân hàng trung ương và tổ chức tài chính lớn đã quay lại xu hướng tích trữ vàng, góp phần đẩy giá lên cao.
Ngoài ra, tình hình căng thẳng địa chính trị kéo dài cũng thúc đẩy nhu cầu tích trữ vàng như một kênh trú ẩn an toàn.
Đặc biệt, Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vẫn tiếp tục duy trì chính sách hạ lãi suất, làm dấy lên lo ngại về lạm phát khi Mỹ và nhiều nước dựng lên hàng rào thuế quan trả đũa lẫn nhau. Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng khẳng định thuế này sẽ có quy mô toàn cầu, thay vì chỉ tập trung vào các nước có thặng dư lớn nhất với Mỹ.
Những nguyên nhân trên đã khiến các nhà đầu tư lo ngại lạm phát sẽ tăng tốc trở lại và Mỹ rơi vào suy thoái.
“Những yếu tố này càng khiến vàng trở nên hấp dẫn hơn đối với giới đầu tư. Mục tiêu tiếp theo của vàng thế giới là 3200-3300 USD/ounce”, ông Khánh nhận định.
Giá vàng thế giới liên tục lập đỉnh kéo theo giá vàng trong nước cũng không ngừng tăng. Từ khi vàng thế giới vượt mốc 3.000 USD/ounce thì vàng trong nước cũng tăng giá “phi mã” do đã vượt ngưỡng cản tâm lý và kháng cự quan trọng.
Với những yếu tố hỗ trợ đà tăng giá vẫn còn và tâm lý lo ngại rủi ro nên giá vàng vẫn được hỗ trợ mạnh. Do vậy, theo ông Khánh, việc điều chỉnh giảm của vàng nếu có cũng chỉ mang tính kỹ thuật.
“Nếu việc điều chỉnh mạnh hơn thì những yếu tố hỗ trợ tăng giá vàng cần phải được giải quyết hoặc có dấu hiệu bớt nóng. Ví dụ như các tổ chức giảm mua vàng, thậm chí cần có động thái bán ra để chốt lời. Hay đồng USD quay trở lại đà tăng mạnh do Fed không giảm lãi suất nữa, thậm chí có thể tăng. Tuy nhiên, những yếu tố này khó đạt được trong ngắn hạn”, ông Khánh phân tích.
Trái ngược với sự lạc quan thì vẫn có quan điểm cho rằng, đầu tư vàng thời điểm này là rất rủi ro.
Cụ thể, chuyên gia vàng Trần Duy Phương phân tích, để có tỷ suất sinh lời cao, nhà đầu tư thông minh nên biết lựa chọn thời điểm để rót tiền vào vàng. Cụ thể, hiện nay có 3 trường hợp mà nhà đầu tư băn khoăn khi đầu tư vào vàng.
Với những người trót "đu đỉnh" hơn 100 triệu đồng/lượng trong tuần trước. Trường hợp này khá rủi ro, nhưng nếu mua để tích lũy không phải vay mượn thì cứ yên tâm giữ vì theo ông, vàng luôn tăng theo thời gian. Ví dụ năm nay giá vàng thế giới là 3.000 USD/ounce, năm sau nếu vẫn 3.000 USD/ounce thì giá vàng trong nước chắc chắn cao hơn vì còn quy đổi, liên quan đến tỷ giá.
Với những người đang có tiền, băn khoăn có nên đầu tư lúc này hay không. Theo chuyên gia này thì chưa nên vì giá vàng thế giới có thể sẽ đảo chiều và khả năng này rất cao.
Còn với những người đang cân nhắc có nên chốt lời hay không thì nhà đầu tư cảm thấy tỷ suất đã đạt kỳ vọng thì nên chốt lời. Bởi vì, thị trường tài chính rất khó đoán và nhiều rủi ro, có thể "quay xe" bất kỳ lúc nào mà không ai biết nên nhà đầu tư đừng tiếc nếu giá vàng còn tăng.
Doanh nghiệp kinh doanh vàng có hưởng lợi?
Những tưởng giá vàng thế giới và trong nước liên tục lập đỉnh sẽ giúp các doanh nghiệp kinh doanh vàng, trang sức hưởng lợi nhưng tình hình có vẻ không như kỳ vọng của nhà đầu tư do phụ thuộc vào mô hình kinh doanh của từng công ty.
Đơn cử như đại gia bán vàng, trang sức lớn nhất sàn chứng khoán là Công ty CP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) lại đang phải đối mặt với khó khăn trong bối cảnh giá vàng không ngừng tăng.
Cụ thể, kết thúc phiên giao dịch ngày 1/4, thị giá PNJ đang ở mức 83.400 đồng/cổ phiếu, mất 20% giá trị so với đỉnh lịch sử hồi tháng 8/2024, vốn hóa thị trường tương ứng "bốc hơi" khoảng 8.000 tỷ đồng.
Những khó khăn của doanh nghiệp này phần nào được thể hiện qua lời của ông Lê Trí Thông, Tổng giám đốc PNJ đối với những vấn đề liên quan đến thị trường vàng, trang sức.
“Do không được nhập khẩu vàng nguyên liệu nhiều năm qua nên dù có tiềm năng rất lớn nhưng ngành sản xuất vàng trang sức của Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn”, ông Thông nói và kiến nghị cần có sự phân tách rõ ràng giữa vàng trang sức và vàng miếng.
Dù vàng trang sức và vàng miếng cùng là vàng nguyên liệu nhưng tính chất và mục đích sử dụng là khác nhau nên nếu coi vàng trang sức là sản phẩm tiêu dùng thông thường thì cần cho phép doanh nghiệp kinh doanh nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức.
Thực tế, khi giá vàng tăng, PNJ không thực sự hưởng lợi, bởi vì mô hình kinh doanh cốt lõi của doanh nghiệp này là tập trung vào mảng trang sức, thay vì vàng 24k.
Ngoài ra, dưới góc nhìn của ông Trương Hiền Phương, Giám đốc cấp cao Công ty CP Chứng khoán KIS Việt Nam thì giá vàng lập đỉnh sẽ kéo chi phí sản xuất tăng, giá bán lẻ cũng tăng theo. Điều này khiến người tiêu dùng trở nên e dè hơn trong việc chi tiêu cho mặt hàng xa xỉ, không thiết yếu là vàng.
Thay vì mua trang sức, họ có xu hướng ưu tiên tích trữ vàng 24k để bảo toàn giá trị hoặc tiết kiệm, dẫn đến doanh thu mảng trang sức của PNJ sụt giảm. Không chỉ vậy, tình trạng khan hiếm nguồn cung vàng là một vấn đề nan giải không chỉ với PNJ mà còn với nhiều doanh nghiệp kinh doanh vàng khác.
Ông Trần Bá Duy, Giám đốc phòng tư vấn đầu tư, Công ty CP Chứng khoán VPS nhận định, giá vàng leo thang và việc siết chặt quản lý của nhà nước đối với hoạt động kinh doanh vàng, trong khi PNJ không có hoặc rất ít hoạt động mua bán vàng miếng dẫn đến việc không có doanh thu hoặc doanh thu từ mảng này chiếm không đáng kể.
Quỳnh Anh - Quốc Hải