Đằng sau việc ông Trump loại điểm đến Israel khỏi chuyến công du Trung Đông lần này

Đằng sau việc ông Trump loại điểm đến Israel khỏi chuyến công du Trung Đông lần này
10 giờ trướcBài gốc
Chuyến công du của Tổng thống Mỹ Donald Trump tới Trung Đông trong tuần này đã gây bất ngờ khi Israel - đồng minh thân cận nhất của Mỹ tại khu vực - không nằm trong điểm đến của ông Trump lần này.
Chuyến đi này diễn ra sau một loạt các thông báo của chính quyền Tổng thống Trump khiến Israel hoặc là bị gạt sang một bên hoặc là bất ngờ, làm dấy lên câu hỏi ở Israel về việc liệu hai bên có hoàn toàn đồng bộ về một số thách thức lớn nhất trong khu vực hay không.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) bắt tay Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại Phòng Bầu dục (Nhà Trắng) hồi tháng 4. Ảnh: EPA-EFE
Israel không nằm trong chuyến công du của ông Trump
Lịch trình của ông Trump tới Trung Đông bao gồm Saudi Arabia, Qatar và Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE). Nhà Trắng gọi đây là “một sự trở lại mang tính lịch sử với Trung Đông” và hứa hẹn về “một tầm nhìn chung về ổn định, cơ hội và sự tôn trọng lẫn nhau".
Các quan chức Israel đã cố gắng tìm hiểu khả năng tổng thống Mỹ sẽ dừng chân tại Jerusalem hoặc Tel Aviv trong chuyến đi Trung Đông, một nguồn tin am hiểu về vấn đề này nói với đài CNN. Tuy nhiên, ông Trump đã dập tắt hy vọng đó vào tuần trước khi tuyên bố không có kế hoạch dừng lại ở Israel.
“Chúng tôi sẽ làm điều đó vào một thời điểm nào đó nhưng không phải trong chuyến đi này” - Tổng thống Trump nói.
Theo CNN, Tổng thống Trump có thể đã được thuyết phục để thêm điểm dừng chân tại Israel vào lịch trình nếu ông có thể tuyên bố một dạng chiến thắng nào đó, dù là một thỏa thuận ngừng bắn tại Gaza, một kế hoạch viện trợ nhân đạo, hay điều gì khác. Tuy nhiên, khi Israel đang chuẩn bị mở rộng cuộc chiến tại Gaza, thì không có kết quả cụ thể nào để ông có thể công bố.
“Nếu không có kết quả gì, thì ông ấy sẽ không đến [Israel]” - một nguồn tin nói với CNN.
Thủ tướng Israel - ông Benjamin Netanyahu từng tự hào là nhà lãnh đạo thế giới đầu tiên đến Mỹ trong nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump vào tháng 2. Trong chuyến thăm Nhà Trắng thứ hai vào tháng 4, ông Netanyahu trở thành lãnh đạo đầu tiên cố gắng khởi động các cuộc đàm phán cho một thỏa thuận thương mại mới, sau khi ông Trump công bố các mức thuế đối ứng. Thủ tướng Israel rời Nhà Trắng mà không đạt được thỏa thuận thương mại nào.
Vấn đề đối với ông Netanyahu là hiện tại ông gần như không có đòn bẩy nào ở Washington, theo lời cựu nhà ngoại giao Israel - ông Alon Pinkas. Điều này trái ngược với các nước Saudi Arabia, Qatar và UAE. Các quốc gia Ả Rập giàu có này đã cam kết đầu tư hàng nghìn tỉ USD vào Mỹ và có thể sẽ công bố các thương vụ mua vũ khí lớn — những điều mà ông Trump có thể quảng bá như một chiến thắng cho ngành sản xuất của Mỹ.
Chính sách gây bất ngờ Israel
Trong những tuần trước chuyến đi, Tổng thống Trump đã thực hiện một loạt động thái khiến thủ tướng Israel trông chẳng khác gì một người ngoài cuộc đầy thất vọng, theo tờ The Wall Street Journal.
Con tin Edan Alexander (giữa) ôm người thân ở Re’im (miền nam Israel) sau khi được thả vào ngày 12-5. Ảnh: ĐƠN VỊ PHÁT NGÔN CỦA LỰC LƯỢNG PHÒNG VỆ ISRAEL
Vào đầu tuần này, một thỏa thuận giữa Mỹ và phong trào vũ trang Hồi giáo Hamas (Dải Gaza) đã đưa đến việc Hamas thả con tin người Mỹ còn sống cuối cùng ở Gaza là Edan Alexander, sau hơn 18 tháng bị giam cầm. Thỏa thuận này đã gây ra nhiều cảm xúc lẫn lộn ở Israel - quốc gia từ lâu đã lo sợ rằng Mỹ sẽ đàm phán riêng với Hamas để thả công dân của họ.
Một mặt, một số người Israel cảm thấy thỏa thuận trên cho thấy ông Netanyahu đã không làm đủ để giải cứu con tin. Mặt khác, có những lo ngại rằng ông Netanyahu sẽ nhượng bộ trước áp lực của Mỹ để ký một thỏa thuận rộng hơn nhằm chấm dứt chiến sự trước khi Israel đánh bại Hamas một cách quyết định.
Thỏa thuận bên lề đó diễn ra sau khi Israel bất ngờ trước quyết định của Tổng thống Trump chấm dứt chiến dịch không kích kéo dài 7 tuần chống lại lực lượng Houthis (Yemen). Sự việc trở nên nghiêm trọng hơn do tính thời điểm, chỉ vài giờ sau khi một tên lửa của Houthis tấn công vào một sân bay chính của Israel.
Sự bất ngờ trên xảy ra sau quyết định của Mỹ tham gia đàm phán trực tiếp với Iran về chương trình hạt nhân, đồng thời gác lại hy vọng của Israel về một cái gật đầu cho phép tiến hành tấn công Tehran. Tuần rồi, Tổng thống Trump tuyên bố rằng ông vẫn chưa quyết định liệu Iran có nên được phép làm giàu uranium trong một thỏa thuận hạt nhân mới hay không, cho thấy Nhà Trắng có thể linh hoạt về một vấn đề then chốt trong các cuộc đàm phán.
Israel cũng không tránh khỏi chính sách thuế quan của Mỹ khi ông Trump tuyên bố áp mức thuế đối ứng 17% đối với các sản phẩm xuất khẩu sang Mỹ, mặc dù phía Israel đã tuyên bố sẽ xóa bỏ thuế đối với hàng hóa Mỹ.
Tổng thể, thái độ của ông Trump đối với Israel cứng rắn hơn nhiều so với kỳ vọng của nhiều người Israel, biến tổng thống Mỹ từ một trong những đồng minh mạnh mẽ nhất của Israel trong nhiệm kỳ đầu thành một yếu tố khó lường hơn trong nhiệm kỳ thứ hai.
Điều này cũng phản ánh sự lớn mạnh ngày càng rõ của phe “Nước Mỹ trước tiên” trong đảng Cộng hòa và việc ông Trump ưu tiên các thành tựu kinh tế khi ông bắt đầu tái định hình các mối quan hệ thương mại toàn cầu của Mỹ.
“Khi người Israel nghĩ đến một nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Trump, điều họ hình dung là nhiệm kỳ đầu tiên. Hiện tại, tôi không nói rằng tuần trăng mật đã kết thúc, nhưng đã có một sự nhận thức rất rõ ràng rằng Tổng thống Trump không phải là thủ tướng của Israel, mà là tổng thống của Mỹ” - ông Yohanan Plesner, Chủ tịch Viện Dân chủ Israel, cho biết.
Giữa lúc tình hình đang có nhiều biến động, cố vấn thân cận của Thủ tướng Netanyahu – Bộ trưởng Các vấn đề Chiến lược Ron Dermer – đã bay sang Mỹ vào tuần trước để gặp gỡ các quan chức trong chính quyền ông Trump nhằm tìm hiểu rõ lập trường hiện tại của Israel với đồng minh lớn nhất.
Sau các cuộc gặp, các quan chức Israel tin rằng họ vẫn đồng thuận với Mỹ trong các cuộc đàm phán hạt nhân với Iran, các cuộc đàm phán ngừng bắn tại Gaza và cùng hiểu rằng Tổng thống Trump muốn đạt được một thỏa thuận cho Gaza, một quan chức Israel cho biết.
“Mối quan hệ vẫn ổn. Không hoàn toàn đồng điệu, nhưng trong một điệu tango thì đôi khi các bạn nhảy cũng giẫm lên chân nhau” - quan chức này cho hay.
Ông Trump đảo ngược chính sách Israel?
Theo khảo sát của Viện Dân chủ Israel trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ tháng 11-2024, phần lớn người Israel tin rằng ông Trump sẽ ủng hộ lợi ích của Israel hơn đối thủ Kamala Harris.
Ông Trump (trái) và ông Netanyahu gặp nhau tại Mar-a-Lago vào ngày 26-7-2024. Ảnh: VĂN PHÒNG BÁO CHÍ CHÍNH PHỦ ISRAEL
Trong những tháng kể từ khi nhậm chức, Tổng thống Trump đã lần lượt đảo ngược các chính sách của chính quyền người tiền nhiệm Joe Biden, bao gồm việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với những người định cư Israel ở Bờ Tây và giải phóng các thương vụ vũ khí từng bị đóng băng. Ông Trump cũng tăng cường hiện diện quân sự của Mỹ trong khu vực bằng cách điều thêm tàu sân bay thứ hai tới Trung Đông. Nhà lãnh đạo Mỹ cũng không gây áp lực đáng kể nào lên Israel để giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo tại Gaza.
Tuy nhiên, có nhiều dấu hiệu cho thấy chính quyền ông Trump đang tách rời lợi ích khỏi lợi ích của Israel trong khu vực, theo ông Yoel Guzansky – cựu chuyên gia về vùng Vịnh của Hội đồng An ninh Quốc gia Israel và hiện đang làm việc tại Viện Nghiên cứu An ninh Quốc gia có trụ sở tại Tel Aviv.
“Mỹ đang theo đuổi một kịch bản khác trong khu vực và kịch bản đó không nhất thiết phải có Israel” - ông Guzansky nói.
Một yếu tố quan trọng là mong muốn của Tổng thống Trump trong việc đạt được một thắng lợi về kinh tế hoặc ngoại giao – điều sẽ phản ánh mục tiêu chấm dứt các cuộc chiến, đồng thời cải thiện vị thế chiến lược của Mỹ trên thế giới.
VĨNH KHANG
Nguồn PLO : https://plo.vn/video/dang-sau-viec-ong-trump-loai-diem-den-israel-khoi-chuyen-cong-du-trung-dong-lan-nay-post849442.html