Ngày 14-7, Tổng thống Mỹ Donald Trump chính thức xác nhận Mỹ sẽ cung cấp thêm hệ thống phòng không Patriot cho Ukraine. Tín hiệu này được Kiev coi là cực kỳ quan trọng trong bối cảnh Ukraine gần như không còn lựa chọn thay thế để đánh chặn các tên lửa đạn đạo Nga.
Nhu cầu sở hữu tên lửa Patriot của Ukraine vì thế trở nên cấp bách hơn bao giờ hết.
Kế hoạch vũ khí "3 mục tiêu" của ông Trump
Đài CNN dẫn lời các quan chức Mỹ (yêu cầu không tiết lộ danh tính) rằng quyết định mới của Tổng thống Trump về việc Washington sẽ bán vũ khí cho các nước châu Âu để họ chuyển giao cho Ukraine thay vì viện trợ trực tiếp là một bước đi được tính toán kỹ lưỡng, hướng đến nhiều mục tiêu cùng lúc.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: WHITE HOUSE
Trước hết, cách tiếp cận này giúp ông Trump giảm thiểu những chỉ trích trong nước rằng ông đang đi ngược lại cam kết tranh cử về việc thu hẹp vai trò của Mỹ trong cuộc xung đột tại Ukraine. Thông qua việc “ủy quyền” cho các đồng minh châu Âu đảm nhiệm khâu chuyển giao, ông Trump vẫn duy trì được sự hỗ trợ dành cho Kiev mà không bị xem là trực tiếp can dự sâu hơn vào cuộc chiến.
Thứ hai, đây là một chiến lược mang lại lợi ích tài chính rõ rệt. Với giá khoảng 1 tỉ USD mỗi hệ thống, Patriot là một mặt hàng quốc phòng có giá trị rất lớn. Ông Trump đã không ngần ngại nêu bật khả năng thu lợi từ kế hoạch này, coi đó là một phần trong cam kết “tái thiết ngành công nghiệp Mỹ”.
Ngoài ra, việc triển khai qua châu Âu còn giúp rút ngắn thời gian chuyển giao, bởi nhiều hệ thống Patriot đã được bố trí sẵn ở lục địa này. Điều đó đồng nghĩa với việc Ukraine có thể tiếp cận vũ khí nhanh hơn, thay vì chờ sản xuất hoặc vận chuyển từ Mỹ.
Nhưng trên hết, động thái này mang thông điệp chiến lược không thể bỏ qua. Một số quan chức Mỹ nhận định rằng gia tăng viện trợ vũ khí là cách để ông Trump phát tín hiệu cứng rắn tới Moscow, đặc biệt khi ông nhiều lần công khai bày tỏ sự thất vọng với Tổng thống Nga Vladimir Putin.
“Một điều chắc chắn là ông ấy rất thất vọng với ông Putin” - một quan chức Mỹ nói, thêm rằng hành động này của nhà lãnh đạo Mỹ có thể buộc Nga phải cân nhắc nghiêm túc về bàn đàm phán.
Patriot - “hàng hiếm” giữa thế giới bất ổn
Trong bối cảnh các cuộc tấn công trên không của Nga vào Ukraine ngày càng leo thang và châu Âu khẩn trương tái vũ trang, một loại vũ khí đang nổi lên như món hàng chiến lược được săn đón khắp toàn cầu: tên lửa đánh chặn Patriot PAC-3 do Mỹ sản xuất.
Hệ thống phòng không Patriot được xem là một trong số ít hệ thống trên thế giới có khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo - loại vũ khí mà Nga sử dụng thường xuyên và hiệu quả trong chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.
Thế nhưng, nguồn cung loại vũ khí này lại vô cùng hạn chế. Theo tờ The New York Times, tính đến năm 2025, Ukraine mới chỉ tiếp nhận được 8 hệ thống Patriot - con số được đánh giá quá ít ỏi, chỉ đủ để bảo vệ một khu vực giới hạn. Càng khan hiếm tên lửa đánh chặn, phòng tuyến trên không của Ukraine càng dễ bị xuyên thủng.
Patriot trở nên khác biệt bởi khả năng đánh chặn đa dạng, thiết kế hiện đại và công nghệ tích hợp cao. Nhà sản xuất Patriot là Tập đoàn Lockheed Martin khẳng định rằng dòng tên lửa PAC-3 mới nhất chính là “tên lửa phòng không tiên tiến nhất thế giới”.
Mỗi khẩu đội Patriot tiêu chuẩn có thể mang nhiều loại tên lửa để đối phó với đủ loại mối đe dọa, từ tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình đến cả máy bay.
Theo chuyên gia quốc phòng Andrii Kharuk, thế mạnh của Patriot nằm ở cấu trúc mở, cho phép tích hợp nhiều loại radar và vũ khí tùy biến theo nhu cầu của quốc gia sở hữu. Vì vậy, các hợp đồng mua bán thường đi kèm nhiều cấu hình tên lửa khác nhau, giúp Patriot trở thành một trong những hệ thống phòng thủ linh hoạt và đáng tin cậy nhất hiện nay.
Hệ thống phòng không Patriot. Ảnh: AFP
So sánh tên lửa PAC-2 và PAC-3
PAC-2 GEM-T là một trong những dòng tên lửa đánh chặn cũ, có tầm bắn tới 160 km và chủ yếu dùng để bắn hạ máy bay và tên lửa hành trình. Nó sử dụng đầu đạn nổ phân mảnh, phát nổ gần mục tiêu để gây sát thương thay vì va chạm trực tiếp.
Đối với các mối đe dọa hiện đại hơn, đặc biệt là tên lửa đạn đạo, hệ thống Patriot sử dụng PAC-3.
Khác với PAC-2, PAC-3 áp dụng công nghệ “hit-to-kill”, tức tiêu diệt mục tiêu bằng cách đâm trúng trực tiếp thay vì nổ gần.
Dù tầm bắn ngắn hơn (chỉ khoảng 35 km đến 50 km), PAC-3 có độ chính xác vượt trội và được thiết kế chuyên biệt để đối phó với các mối đe dọa tốc độ cao.
Phiên bản tiên tiến nhất hiện nay là PAC-3 MSE (Missile Segment Enhancement), được trang bị động cơ kép và khả năng cơ động vượt trội.
PAC-3 MSE có thể đánh chặn ở độ cao và khoảng cách xa hơn so với bản PAC-3 tiêu chuẩn, tăng hiệu quả đối phó với những tên lửa hiện đại như Iskander và Kinzhal của Nga, hay KN-23 của Triều Tiên.
“Đây là loại vũ khí đã chứng minh hiệu quả cực cao trên thực tế” - ông Dmytro Zhmailo, chuyên gia quân sự và Giám đốc Trung tâm Hợp tác & An ninh Ukraine, nói với tờ The Kyiv Independent.
Sản xuất chậm, cung ít, cầu nhiều
Ông Frank Ledwidge - chuyên gia về chiến lược quân sự tại ĐH Portsmouth (Anh) - cho biết Ukraine đang rất khó tìm được nguồn cung cấp hệ thống phòng không và tên lửa cần thiết do suốt nhiều thập niên qua, các nước phương Tây đã đầu tư không đủ cho ngành công nghiệp quốc phòng.
Theo tờ The Guardian, Mỹ hiện chỉ có khoảng 25% lượng tên lửa Patriot cần thiết để đáp ứng kế hoạch của Lầu Năm Góc, do phần lớn đã được sử dụng ở Trung Đông gần đây.
Điều này không chỉ ảnh hưởng đến khả năng viện trợ Ukraine, mà còn khiến Mỹ rơi vào thế khó. Ông Ledwidge nhận định rằng việc chuyển giao Patriot cho Ukraine dưới thời ông Trump có thể chậm không phải vì lý do chính trị, mà vì Mỹ đang chịu sức ép nguồn lực.
“Chắc chắn họ sẽ không công bố số lượng tên lửa họ có, mà cũng không nên công bố. Nhưng tôi cho rằng tình hình không khả quan. Mỹ có thể nhìn nhận việc cung cấp vũ khí cho Ukraine là mối nguy cho chính an ninh tương lai của họ” - ông Ledwidge phân tích.
Trong bối cảnh thế giới ngày càng bất ổn, Phó Chủ tịch phụ trách chương trình PAC-3 của Lockheed Martin - ông Brian Kubik hôm 8-7 cho biết công ty đang “liên tục cải tiến” tên lửa để đối phó với “các mối đe dọa ngày càng phức tạp”.
“Các diễn biến toàn cầu gần đây càng cho thấy vai trò thiết yếu của PAC-3 trong hệ thống phòng thủ tích hợp nhằm bảo vệ con người, cơ sở hạ tầng và tài sản chiến lược” - ông Kubik nói.
DƯƠNG KHANG