Đằng sau vụ án tội phạm tình dục deepfake lớn nhất Hàn Quốc

Đằng sau vụ án tội phạm tình dục deepfake lớn nhất Hàn Quốc
11 giờ trướcBài gốc
Năm 2021, Ruma (không phải tên thật) nhận được ảnh khiêu dâm của chính bản thân mình qua Telegram. Những hình ảnh này được tạo bởi trí tuệ nhân tạo (AI) dựa trên ảnh đại diện công khai của cô. Suốt nhiều tuần, Ruma không thể ngủ được. Sau khi trình báo, cảnh sát nói họ không thể làm gì được.
"Tôi cảm thấy đơn độc", người phụ nữ 31 tuổi chia sẻ với South China Morning Post. "Tôi phải tự mình thu thập bằng chứng và thậm chí xác định thủ phạm... Tôi làm công việc của cảnh sát".
Thủ phạm họ Park đã nhắm mục tiêu 61 phụ nữ, phát tán 1.852 hình ảnh khiêu dâm tạo bởi AI thông qua Telegram. Park và đồng phạm họ Kang tự xưng là "chuyên gia sáng tác ảnh".
Tháng 9/2024, Park và Kang bị kết án 10 năm và 4 năm tù. Hai người này sau đó đệ đơn kháng cáo. Hôm 18/4, tòa phúc thẩm giảm án còn 9 năm với Park và 3 năm 6 tháng với Kang, xem xét việc Park và Kang đạt được thỏa thuận với một số nạn nhân.
Vụ việc trên là minh chứng cho xu hướng gia tăng tội phạm tình dục kỹ thuật số tại Hàn Quốc. Theo Bộ Bình đẳng giới và Gia đình, năm 2024 ghi nhận hơn 18.000 vụ việc, tăng 12,7% so với năm 2023.
Đáng báo động, loại tội phạm này đang tận dụng triệt để công nghệ deepfake, với số lượng vụ việc tăng 227% tính riêng trong năm 2024. Deepfake là công nghệ dùng AI bắt chước khuôn mặt, giọng nói hoặc hành động của một người, và nạn nhân thường bị ghép vào nội dung khiêu dâm.
"Luật pháp không bảo vệ tôi"
Theo nghiên cứu năm 2023 của công ty an ninh mạng Security Hero, các ca sĩ và diễn viên Hàn Quốc chiếm 53% số người xuất hiện trong nội dung khiêu dâm deepfake. Trong khi đó, chỉ trong một tháng, hơn 800 học sinh và nhân viên tại 504 trường học trở thành nạn nhân của tội phạm tình dục deepfake.
Người biểu tình phản đối tội phạm tình dục deepfake tại Seoul hồi tháng 9/2024. Ảnh: Yonhap News.
Nhiều thủ phạm - và nạn nhân - đều là trẻ vị thành niên. Vụ án của Park và Kang là một trong những vụ liên quan đến tội phạm tình dục deepfake lớn nhất tại Hàn Quốc cho đến nay.
Với các nạn nhân, hệ quả hằn sâu trong tâm trí họ.
"Cảnh sát liên tục hỏi xem tôi có nghi ngờ ai không. Sau cùng, họ hủy bỏ điều tra vì thiếu bằng chứng", Ruma kể lại. "Họ bỏ mặc chúng tôi vì chúng tôi không bị thương hay thiệt hại kinh tế. Tuy nhiên, tổn thương về mặt tâm lý đáng sợ không kém".
Judy (không phải tên thật) cũng bày tỏ sự thất vọng tương tự.
“Khi tôi là nạn nhân, tôi phải tự sàng lọc hàng nghìn tin nhắn văn bản để chứng minh hành vi quấy rối, truy tìm những nạn nhân khác và liên lạc với từng người một”, cô cho biết. “Sau đó, cảnh sát vẫn nói họ không thể làm gì được”.
Năm 2024, bạn trai cũ của Judy chia sẻ những hình ảnh nhạy cảm về cô trong một nhóm trò chuyện với 6 người lạ. Cô không phải nạn nhân duy nhất khi có tới 80 phụ nữ khác cũng xuất hiện trong nhóm chat. Khi Judy báo cảnh sát, bạn trai cũ và gia đình kiện cô tội phỉ báng và tống tiền.
"Luật pháp không bảo vệ tôi", Judy khẳng định.
Jo Yoon-hee - luật sư của Ruma, chuyên về tội phạm tình dục kỹ thuật số - cho biết cảnh sát thường dựa vào nạn nhân để xác định thủ phạm vì họ không có công cụ truy tìm người dùng ẩn danh.
“Do hạn chế về mặt công nghệ, cảnh sát thường yêu cầu nạn nhân tự mình điều tra, đặc biệt khi không có chân dung rõ ràng về thủ phạm. Cách làm này gây thêm chấn thương cho nạn nhân", bà nói.
Nhiều vụ việc xảy ra trên Telegram. Ứng dụng này thường từ chối hoặc bỏ qua yêu cầu cung cấp thông tin từ các cơ quan thực thi pháp luật nước ngoài.
“Hiện tại, không có cơ chế pháp lý nào buộc các nền tảng ở nước ngoài tuân thủ quá trình điều tra tại Hàn Quốc. Do đó, việc truy tố cực kỳ khó khăn”, vị luật sư cho biết thêm.
Ngoài ra, Hàn Quốc cung cấp dịch vụ tư vấn pháp lý và xóa nội dung cho nạn nhân, song chính quyền không thể can thiệp nếu nội dung được lưu trữ ở nước ngoài hoặc nếu nạn nhân không thể cung cấp tệp gốc.
“Tôi thậm chí còn không biết về sự tồn tại của các dịch vụ này", Ruma bức xúc. "Giới chức đáng lẽ phải thông báo với tôi ngay từ đầu, nhưng họ không làm vậy".
Bất bình đẳng giới trong thời đại kỹ thuật số
Các chuyên gia nhận định sự phát triển công nghệ nhanh chóng làm trầm trọng thêm bất bình đẳng giới tính tại Hàn Quốc.
“Phương Tây đã trải qua những chuyển biến trong quan niệm về tính nam từ sớm. Hàn Quốc đang trải qua quá trình đó, song lại diễn ra song song với cách mạng số", Lee Han - giảng viên giáo dục giới tính chuyên tư vấn cho các tội phạm tuổi teen - cho biết. “Một số thủ phạm khẳng định tính nam bằng văn hóa kỹ thuật số. Khi tôi tư vấn cho học sinh, tôi thật sự sốc trước ‘văn hóa chơi đùa’ xung quanh các hành vi phạm tội này. Các em xem đó như một trò chơi”.
Deepfake là công nghệ dùng AI bắt chước khuôn mặt, giọng nói hoặc hành động của một người. Ảnh: Shutterstock.
Trong khi đó, Lee Hyo Rin - Tổng thư ký Trung tâm ứng phó bạo lực tình dục trên mạng - cho biết không thể tách biệt tội phạm tình dục kỹ thuật số với các hình thức bạo lực tình dục truyền thống. Bà nói thêm tính năng ẩn danh trên các nền tảng kỹ thuật số góp phần thúc đẩy tội phạm.
Hàn Quốc ban hành một số luật về tội phạm tình dục kỹ thuật số tiên tiến nhất thế giới. Năm 2024, chính phủ tăng mức án tù tối đa cho hành vi phát tán nội dung khiêu dâm giả mạo từ 5 lên 7 năm, với mức phạt 35.000 USD. Ngay cả xem hoặc sở hữu nội dung deepfake cũng có thể bị phạt tù 3 năm.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng những bước đi này là chưa đủ.
"Mặc dù luật pháp nghiêm ngặt hơn, số vụ vẫn không giảm. Chúng ta phải giải quyết gốc rễ: Bất bình đẳng giới", bà Lee nhấn mạnh.
Theo Lee Soo-jeong - giáo sư tâm lý tội phạm tại Đại học Kyonggi, chìa khóa nằm ở việc siết chặt quy định trên các nền tảng trực tuyến. Trong khi đó, luật sư Jo cho rằng Hàn Quốc có thể học hỏi hình mẫu từ châu Âu, đồng thời thực thi nghiêm ngặt luật pháp đã đề ra và yêu cầu các nền tảng như Telegram chịu trách nhiệm.
Trong khi đó, các nạn nhân nhắc tới sự đồng cảm và nhìn nhận đúng mức về vấn nạn tội phạm tình dục liên quan đến AI.
“Trong 5 năm tới, AI sẽ còn tiên tiến hơn nữa. Tôi không thể tưởng tượng được tội phạm tình dục kỹ thuật số sẽ thế nào vào thời điểm đó”, Ruma cho biết. “Chúng ta cần dữ liệu thực tế về những gì nạn nhân đang trải qua. Tôi hy vọng câu chuyện của chúng tôi và các nhà hoạt động sẽ được lắng nghe. Công chúng cần thấu hiểu nỗ lực đấu tranh của chúng tôi”.
Các chuyên gia cho biết công tác phòng ngừa cần bắt đầu bằng giáo dục đạo đức và cảnh báo về hành vi bất hợp pháp. “Nhiều học sinh vô cảm và không hiểu về hậu quả", ông Lee nói. “Chúng ta cần một chương trình giảng dạy về quyền công dân kỹ thuật số có trách nhiệm".
Trí Ân
Nguồn Znews : https://znews.vn/dang-sau-vu-an-toi-pham-tinh-duc-deepfake-lon-nhat-han-quoc-post1547874.html