Đằng sau vụ Ukraine lần đầu dùng UAV tấn công nhà máy sản xuất Tu-160 của Nga

Đằng sau vụ Ukraine lần đầu dùng UAV tấn công nhà máy sản xuất Tu-160 của Nga
14 giờ trướcBài gốc
Hình ảnh được cho là UAV Ukraine tấn công Kazan rạng sáng 20/1. Ảnh: NetEasy.
UAV Ukraine nhằm vào nhà máy sản xuất Tu-160, Nga trả đũa
Máy bay không người lái (UAV) của Ukraine đã một lần nữa đột phá nghiêm trọng hệ thống phòng không của Nga. Lần này, mục tiêu của Ukraine nhắm trực tiếp vào mục tiêu chiến lược cốt lõi nhất của Nga: nhà máy sản xuất máy bay ném bom chiến lược ở Kazan. Những biểu tượng về sức mạnh tấn công hạt nhân trên không của Nga đã trở thành mục tiêu tấn công chính xác của quân đội Ukraine.
Theo TASS, ngày 20/1, một doanh nghiệp công nghiệp tại Cộng hòa Tatarstan, Nga đã bị UAV của Ukraine tấn công, nhưng may mắn không có thương vong. Các mảnh vỡ của UAV bị bắn hạ đã rơi xuống khu vực của doanh nghiệp và gây ra hỏa hoạn, hiện đã được dập tắt.
Bộ Quốc phòng Nga ngày 20/10 cho biết, trong ngày qua, quân đội Nga đã tấn công các sân bay quân sự, địa điểm lắp ráp và lưu trữ máy bay không người lái của Ukraine, hệ thống phòng không Nga cũng đã bắn hạ 86 UAV của Ukraine. Báo cáo cho biết quân đội Nga cũng kiểm soát hai khu định cư ở vùng Donetsk và Luhansk.
Máy bay Tu-160 đang được lắp ráp trong nhà máy. Ảnh: QQnews.
Tuy nhiên cuộc chiến UAV này đã vượt xa phạm vi tấn công và phản kích đơn thuần. Đây là mô hình thu nhỏ của chiến tranh trong tương lai và là sự thay đổi căn bản trong mô hình chiến tranh hiện đại. Cuộc đối đầu giữa Ukraine và Nga không còn là cuộc chiến "trên bộ, trên biển và trên không" theo nghĩa truyền thống nữa, mà là cuộc chiến công nghệ dựa trên “không người hóa”, tin học hóa.
Đối với Ukraine, cuộc tấn công này không chỉ đơn thuần là một cuộc tấn công quân sự; nó thể hiện một sự chuyển đổi lớn trong chiến lược quân sự của Ukraine. Ngay từ đầu, Ukraine đã hiểu rằng khi đối mặt với một đối thủ lớn như Nga, nếu chỉ dựa vào các phương thức tác chiến truyền thống thì chắc chắn sẽ thất bại.
Hiện nay, với việc sử dụng rộng rãi UAV, Ukraine dường như đã tìm ra "chiến thuật mới" để cạnh tranh với Nga. Họ không còn dựa vào một đội quân thông thường lớn, cũng không giới hạn ở chiến đấu trên bộ. Thay vào đó, họ sử dụng các UAV cỡ nhỏ, linh hoạt và giá rẻ để phá tuyến hàng phòng thủ của Nga và tấn công chính xác vào các điểm chiến lược quan trọng của quân đội Nga.
Tu-160 được lắp ráp hoàn chỉnh. Ảnh: QQnews.
Sự biến đổi của phương thức chiến tranh hiện đại
Việc sử dụng UAV đã phá vỡ quy ước của chiến tranh hiện đại. Chuỗi tấn công chính xác này của Ukraine phản ánh sự đổi mới và đột phá về mặt chiến thuật của nước này.
Tại Kazan, các UAV của Ukraine không chỉ nhắm vào nhà máy sản xuất máy bay ném bom chiến lược mà còn hướng hỏa lực vào sân bay quân sự nơi có các máy bay ném bom này. Mặc dù kho dầu không bốc cháy, mối đe dọa về cuộc tấn công cũng đủ để gây chấn động cho lực lượng không quân chiến lược của Nga.
Ukraine sử dụng UAV tấn công các cơ sở quân sự cốt lõi nhất của Nga, rõ ràng là nhằm phá vỡ ưu thế của lực lượng hạt nhân trên không và làm suy yếu khả năng răn đe chiến lược của Nga. Biện pháp này chính xác và trực tiếp, với mục đích rõ ràng là kéo Nga vào vũng lầy của chiến tranh hiện đại và khiến nước này phải vất vả đối phó với vũ khí công nghệ cao.
Nga đương nhiên không ngồi yên. Đối mặt với chiến thuật UAV ngày càng tinh vi của Ukraine, hệ thống phòng không của Nga đã tăng cường nỗ lực đánh chặn và bắn hạ thành công 86 UAV của Ukraine. Tuy nhiên, đằng sau vụ đánh chặn thành công là sự yếu kém và hạn chế của hệ thống phòng không Nga.
Thắng lợi của hệ thống phòng không không có nghĩa là Nga có ưu thế toàn diện mà phơi bày điểm yếu của quân đội Nga khi phải đối mặt với các cuộc tấn công bằng UAV cỡ nhỏ, tần suất cao.
Tính linh hoạt và đa dạng của các cuộc tấn công bằng UAV đặt ra thử thách nghiêm trọng đối với khả năng đối phó của hệ thống phòng không Nga. Trong khi Ukraine tiếp tục tăng cường các cuộc tấn công bằng của UAV, hệ thống phòng không của Nga giống như một gã khổng lồ, vụng về và dễ bị tổn thương khi phải đối mặt với những mục tiêu nhỏ linh hoạt, nhanh nhẹn và khó lường này.
Máy bay ném bom chiến lược Tu-160. Ảnh: QQnews.
Cùng lúc đó, cuộc phản công của Nga cũng rất dữ dội. Quân đội Nga đã phát động các cuộc tấn công vào các địa điểm lắp ráp và cất giữ UAV của Ukraine. Không quân Ukraine đã đăng trên mạng xã hội rằng quân đội Nga sáng 20/1 đã phóng 141 máy bay không người lái các loại vào Ukraine Chuỗi phản công này nhằm mục đích cắt đứt cơ bản chuỗi cung ứng UAV của Ukraine.
"Cuộc chạy đua vũ trang" mới
Máy bay ném bom chiến lược Tu-22. Ảnh: QQnews.
Đằng sau cuộc chiến máy bay không người lái này, một mối đe dọa khác mà Nga phải đối mặt chính là sự phổ cập và phát triển bùng nổ của công nghệ UAV. Cuộc chiến UAV không chỉ là cuộc đọ sức về sức mạnh quân sự giữa hai nước mà còn là cuộc cạnh tranh về trình độ công nghệ.
Việc Ukraine sử dụng hiệu quả các cuộc tấn công bằng UAV trong cuộc xung đột này đã khiến Nga nhận ra rằng chỉ dựa vào lợi thế quân sự truyền thống không còn đủ sức đương đầu với kỷ nguyên chiến tranh mới. Chiến trường trong tương lai có thể không còn dựa vào quân đội lớn và vũ khí hạng nặng tiên tiến nữa mà dựa vào các đơn vị UAV nhỏ, linh hoạt hơn và khả năng điều chỉnh chiến thuật phản ứng nhanh.
Nếu Nga muốn chống trả Ukraine, họ phải đẩy nhanh quá trình phát triển và triển khai công nghệ UAV. Nếu không, dù hệ thống phòng không của họ có mạnh đến đâu, họ cũng không thể đối phó hiệu quả với mối đe dọa do UAV gây ra.
Cuộc chiến UAV giữa Ukraine và Nga không chỉ đơn thuần mang ý nghĩa quân sự. Nó phản ánh những thay đổi sâu sắc trong lĩnh vực quân sự toàn cầu và nhấn mạnh tác động sâu rộng của UAV đối với chiến thuật, chiến lược và phương thức tác chiến.
Theo People, NetEasy
Thu Thủy
Nguồn VietTimes : https://viettimes.vn/dang-sau-vu-ukraine-lan-dau-dung-uav-tan-cong-nha-may-san-xuat-tu-160-cua-nga-post182121.html