Đang thẩm định Dự thảo Nghị quyết về miễn học phí

Đang thẩm định Dự thảo Nghị quyết về miễn học phí
9 ngày trướcBài gốc
Dự thảo Nghị quyết này do Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì xây dựng, gồm một số nội dung chính sau:
Điều 1: Trẻ em mầm non, học sinh trung học cơ sở, học sinh trung học phổ thông trong cơ sở giáo dục công lập được miễn học phí; học sinh tiểu học trong cơ sở giáo dục công lập không phải đóng học phí (không bao gồm các đối tượng được quy định tại Điều 2 dưới đây).
Điều 2: Ngân sách nhà nước hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non và học sinh phổ thông đang theo học tại các cơ sở giáo dục như sau:
1. Cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập; cơ sở giáo dục thường xuyên công lập; cơ sở giáo dục công lập khác thực hiện chương trình giáo dục phổ thông tự bảo đảm chi thường xuyên và tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư.
2. Cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục; cơ sở giáo dục phổ thông tư thục; cơ sở giáo dục thường xuyên và cơ sở giáo dục tư thục khác thực hiện chương trình giáo dục phổ thông.
3. Mức hỗ trợ học phí tối đa bằng mức trần học phí áp dụng đối với cơ sở giáo dục công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên do Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành áp dụng tại địa phương theo từng năm học.
Học sinh Trường Tiểu học Cao Bá Quát (Gia Lâm, Hà Nội) trao đổi, nghiên cứu tài liệu sau khi được giáo viên hướng dẫn. Ảnh: THANH VÂN
Theo tính toán của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm học 2023-2024, cả nước có 23,2 triệu học sinh (trong đó: 21,5 triệu học sinh công lập, chiếm 93%; 1,7 triệu học sinh ngoài công lập, chiếm 7%). Số học sinh chia theo cấp học: 4,8 triệu trẻ em mầm non (3,8 triệu trẻ em công lập; 1 triệu trẻ em ngoài công lập); 8,8 triệu học sinh tiểu học, 6,5 triệu học sinh trung học cơ sở, 2,99 triệu học sinh trung học phổ thông.
Căn cứ theo mức học phí tối thiểu theo quy định tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP và Nghị định số 97/2023/NĐ-CP của Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo ước tính:
- Tổng nhu cầu kinh phí ngân sách nhà nước phải chi trả để thực hiện miễn học phí cho trẻ em mầm non, học sinh phổ thông công lập và hỗ trợ học phí cho trẻ em mầm non, học sinh phổ thông ngoài công lập là trên dưới 30 nghìn tỷ đồng (mức ngân sách cần đảm bảo sẽ phụ thuộc vào mức học phí cụ thể của từng tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương theo thẩm quyền của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định trên cơ sở quy định mức sàn, trần học phí quy định của Chính phủ).
- Tổng ngân sách nhà nước đã thực hiện miễn (không thu) học phí đối với: Trẻ em mầm non 5 tuổi; học sinh tiểu học; học sinh trung học cơ sở từ năm học 2025-2026 là 22,5 nghìn tỷ đồng.
Như vậy, số ngân sách nhà nước tăng thêm khi thực hiện chính sách theo Nghị quyết của Quốc hội là 8,2 nghìn tỷ đồng.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, người dân là đối tượng trực tiếp thụ hưởng từ chính sách, góp phần giảm bớt gánh nặng kinh tế đối với gia đình khó khăn. Chính sách cũng thúc đẩy tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ đối với phần học phí tiết kiệm được; tạo tâm lý tích cực, củng cố niềm tin với Đảng và Chính phủ.
Trước đó, trong phiên họp Bộ Chính trị ngày 28-2 để kiểm điểm, đánh giá kết quả triển khai bước đầu việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, Bộ Chính trị quyết định thực hiện miễn toàn bộ học phí cho học sinh từ mầm non đến hết trung học phổ thông công lập trên phạm vi cả nước. Thời điểm thực hiện từ đầu năm học mới 2025 - 2026 (tháng 9-2025 trở đi). Bộ Chính trị giao Đảng ủy Chính phủ chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính, một số bộ, ngành liên quan và các địa phương phối hợp cụ thể hóa và thực hiện quyết định này.
QĐND
Nguồn QĐND : https://www.qdnd.vn/giao-duc-khoa-hoc/tin-tuc/dang-tham-dinh-du-thao-nghi-quyet-ve-mien-hoc-phi-823072